Miền Trung: Gánh nặng bà chăm cháu khi cha mẹ ly hương

12/09/2024 - 06:12

PNO - Được bà chăm sóc từ khi còn ẵm ngửa, nhiều đứa trẻ ở vùng cao Nghệ An hồn nhiên gọi bà là “mẹ”. Bất đắc dĩ trở lại “làm mẹ” khi đã lên chức bà, những phụ nữ lớn tuổi phải bận rộn cả ngày để lo cho đàn cháu lít nhít.

Bấm ngón tay đếm cháu

Mặt trời xuống núi là lúc bà Xồng Y Pay - 70 tuổi, trú xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - bận bịu nhất trong ngày. Đứng trên tảng đá cao trước nhà, bà Pay ngó nghiêng tìm lũ nhỏ đang chơi ngoài đường, hối thúc chúng về tắm rửa. Đã thành thói quen, khi mỗi đứa cháu về tới nhà bà lại bấm 1 ngón tay, cho đến khi đủ 11 đứa. Rồi bà vào nhà xúc gạo nấu cơm. Vừa canh 2 nồi cơm trên bếp củi bà vừa giải quyết những tranh cãi của tụi nhỏ. “Mẹ ơi! Chị Xài làm ướt áo con rồi” - cháu Vừ Y Pa (3 tuổi) chạy vào mếu máo.

70 tuổi, bà Xồng Y Pay vẫn đang phải chăm sóc 11 đứa cháu
70 tuổi, bà Xồng Y Pay vẫn đang phải chăm sóc 11 đứa cháu

8 tháng tuổi, Pa được mẹ giao lại cho bà nội để vào miền Nam làm thuê với chồng. Được bà chăm sóc từ khi còn ẵm ngửa, số lần gặp mẹ không nhiều nên cô bé chẳng nhớ mẹ mà gọi bà là mẹ. Bà Pay mỉm cười nói: “Lớn lên rồi nó tự biết, chứ giờ khó giải thích lắm”. Với bà chuyện này không còn lạ, vì phần lớn 11 đứa cháu đều gọi bà bằng “mẹ” từ khi bập bẹ tập nói.

Vợ chồng bà Pay có 5 người con, phần lớn đều lập gia đình từ khi mới 15-16 tuổi. Lên chức bà, bà Pay chưa lúc nào được nghỉ ngơi, vì phải chăm con mọn thay cho con mình, hết đứa này đến đứa khác. Nhìn đám nhỏ rượt đuổi nhau quanh nhà, bà bảo rằng, đất sản xuất quá ít, lại không có việc làm nên sau khi lập gia đình, 10 đứa con trai, con dâu của bà phải lần lượt rời bản vào các tỉnh phía Nam kiếm việc làm, để lại lũ con nhỏ cho bà nuôi dạy.

“Đứa lớn nhất 13 tuổi, đứa nhỏ nhất 2 tuổi, còn lại thì 5-7 tuổi. Chăm một lúc 11 đứa nhỏ rất vất vả, tối nào chúng tôi cũng phải đếm đi đếm lại mấy lần, có khi chưa đủ lại phải đi tìm. Nhưng cũng phải chịu khó chăm cháu cho con nó đi làm thôi, ở nhà thì đói” - ông Vừ Bá Dềnh - 70 tuổi, chồng bà Pay - nói.

Sát nhà bà Pay, bà Hạ Y Dẻo (51 tuổi) cũng đang chăm 6 đứa cháu nhỏ. Hơn 5 năm qua, ngoài việc nương rẫy, bà Dẻo còn phải lo cơm nước cho các cháu, tắm giặt, đưa đi học...

Những việc không tên níu bà từ sáng đến tận khuya. Thấy “mẹ Dẻo” bế em gái 2 tuổi, cô chị 3 tuổi cũng mếu máo đòi bế, bà đành kẹp 2 đứa 2 bên nách và gọi 4 đứa còn lại vào ăn cơm tối. “Bình thường thì cũng xoay xở được. Chỉ sợ khi chúng đau ốm, phải đi bệnh viện. Nhà không có ai, nên vợ chồng phải thay phiên người vào viện chăm cháu, người ở nhà trông những đứa còn lại” - bà Dẻo nói.

Việc thay con làm “mẹ” ở các bản làng người Mông nằm trên dãy Trường Sơn, quanh năm mây phủ ngày càng phổ biến. Đất sản xuất ít, khí hậu lại chẳng mấy thích hợp… nên với nhiều bà mẹ, đó là cách duy nhất họ có thể làm, với hy vọng con cháu mình có cơ hội đổi đời, thoát cảnh phụ thuộc vào nương rẫy.

Lãnh đạo Hội LHPN xã Na Ngoi cho biết, nhiều phụ nữ dù đã lớn tuổi, nhưng hiện đang phải chăm sóc cho 11, 12 cháu nhỏ. Vì tuổi cao, trẻ con lại hiếu động nên nhiều ông bà không thể giám sát hết đàn cháu của mình. Nhiều vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra với trẻ, chủ yếu là rơi xuống suối, ao hồ khi chơi một mình.

“Nuôi cháu lo hơn nuôi con”

Lấy nước ấm lau cho đứa cháu nội 2 tuổi đang sốt cao, bà Xồng Y Cở (53 tuổi) cho biết, bé Mùa Khơ Minh (2 tuổi, cháu nội bà) hay ốm vặt, bệnh viện lại quá xa, nên bà phải học mấy cách hạ sốt tại nhà để áp dụng. Bé Minh được bà Cở chăm sóc từ lúc mới 7 tháng tuổi. Nay cháu đang bập bẹ tập nói, gọi bà là “mẹ Cở”.

“Nuôi cháu mệt hơn nuôi con, nhiều bữa mệt ăn không nổi, ngủ cũng không được. Ngày xưa nuôi con mình thì sao cũng được, giờ nuôi cháu mà lỡ có chuyện gì lại sợ chúng mắng. Giờ ta già rồi, không có sức nữa nên cũng lo lắm” - bà Cở tâm sự.

Bà Xồng Y Cở chăm sóc cháu nội 2 tuổi đang sốt cao
Bà Xồng Y Cở chăm sóc cháu nội 2 tuổi đang sốt cao

Bà Cở đang chăm 3 cháu nội, 2 cháu lớn đã học lớp Năm và lớp Bảy. Mỗi tháng bà được các con gửi cho 2-3 triệu đồng để lo cơm nước, tiền sinh hoạt cho các cháu. Tranh thủ lấy ít cỏ cho trâu ăn, bà Cở bảo rằng, đó là tài sản lớn nhất của gia đình. Ngày ngày, bà phải dậy từ khi gà chưa gáy lo cơm nước cho 2 cháu lớn ăn đi học, rồi gùi cháu út 2 tuổi lên núi chăn trâu, cắt cỏ.

Chồng bà cũng phải lên rẫy canh tác đến khi mặt trời lặn mới về. “Mình phải tự làm mà ăn chứ không ăn tiền của con gửi về được. Chúng nó cũng đi làm vất vả, tiền gửi về chỉ để mua đồ cho cháu thôi. Không làm gì mà lấy tiền của con ăn thì sợ mang tiếng xấu lắm” - bà Cở nói.

Chồng mất, hơn 5 năm qua, bà Lầu Y Pay - 52 tuổi, trú xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn - một mình chăm “con mọn” để các con bà vào miền Nam làm thuê. Số lượng cháu bà chăm sóc tăng dần sau mỗi năm, đến nay đã 11 đứa. Phần lớn chúng được cha mẹ cai sữa khi chưa tròn 1 tuổi rồi giao lại cho bà.

Một mình chăm 11 cháu nhỏ nên bà Pay chẳng còn thời gian làm gì ngoài lo cơm nước, giặt giũ cho lũ trẻ. “Hội cũng thường xuyên tới hỏi thăm, hỗ trợ ngày công, sửa sang nhà cửa, dọn dẹp hoặc sơ tán mùa mưa lũ” - chị Lầu Y Mò - Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Càn - cho biết.

“Cha mẹ chúng đi làm xa, thường chỉ về ít ngày vào dịp tết nên con cái nhiều đứa không nhận, cũng không ngủ chung, chúng chỉ ngủ với bà” - chị Lầu Y Mò cho biết thêm. Theo chị, nhiều trẻ vì không biết mặt mẹ nên nhận bà là mẹ, nhưng có thể sửa khi trẻ lớn lên. Đáng lo nhất hiện nay là nhiều bà đã lớn tuổi, khó có thể lo hết cho cả chục đứa cháu nhỏ cùng lúc.

Năm 2023, khi cháu không may tử vong vì rơi xuống ao, một người bà đã nhất quyết đòi chết vì không còn mặt mũi gặp lại con. “Bà ấy bị trầm cảm nặng, cứ nói “con tin tưởng, giao cháu cho mình nuôi mà cũng không xong. Giờ sao dám nhìn mặt con nữa!”. Chúng tôi phải thuyết phục mãi mới trấn an được bà” - chị Lầu Y Mò cho hay.

Để hỗ trợ trẻ đang phải sống xa cha mẹ, những năm qua, các cấp hội phụ nữ ở Nghệ An đã có nhiều giải pháp nhằm trang bị kiến thức cần thiết, giúp các em biết tự chăm sóc bản thân, phụ giúp gia đình.

Bà Lê Thị Thanh Hải - Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh Nghệ An - cho biết, ngoài quan tâm đến trẻ, hội còn tranh thủ các hoạt động tại địa phương để mời ông bà, người thân đang chăm sóc trẻ thay cha mẹ đến để phổ biến, nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe, pháp luật, giáo dục trẻ…

Trẻ bị trầm cảm vì xa mẹ

Mới đây, dư luận đã xót xa khi nghe cháu L.Đ.H. - 5 tuổi, trú huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An - được phát hiện phải ngồi một mình trong lán tạm ngoài vườn. Cha mẹ bỏ nhau rồi đi làm ăn xa, H. được giao lại cho bà nội chăm sóc. Ít tháng trước, H. bị xe tông, gãy chân. Do ông bà nội không biết cách xử lý nên vết thương của H. ngày càng nặng.

Khi vết thương lở loét, hoại tử, cậu được người thân đưa ra ở riêng ngoài lán để “tiện vệ sinh”. Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã yêu cầu gia đình đưa H. đến bệnh viện điều trị. Người mẹ cũng được yêu cầu trở về chăm sóc con thay bà nội.

Bà Đàm Thị Thủy (Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc Nghệ An) cho biết, bà nội của H. chăm sóc, xử lý vết thương cho cháu chưa tốt. Khi mới nhập viện, cháu H. có dấu hiệu trầm cảm, không chịu nói chuyện với người thân. Vì thế, ngoài xử lý vết thương, các bác sĩ còn phải tư vấn tâm lý cho H.


Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI