Chạy dịch, chạy lũ, mùa màng bỏ hoang
Phước Sơn và Nam Giang - hai huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam - đang có gần 250 ca mắc COVID-19. Huyện Phước Sơn có hai khu cách ly tập trung cấp huyện và 13 khu cách ly tập trung cấp xã. Huyện này hiện đang có mưa to, nguy cơ lũ quét rất cao.
|
Quốc lộ 1A, đoạn ngang qua huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi bị ngập sâu trong ngày 24/10 gây trở ngại lưu thông trên tuyến đường huyết mạch Bắc-Nam - Ảnh: Thanh Vạn |
Theo ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - đường vào xã Phước Lộc đang bị ách tắc, việc vận chuyển bệnh nhân COVID-19 (F0) từ nơi cư trú đến nơi điều trị gặp muôn vàn khó khăn. Xã lại có tới 70 F0. UBND và phòng y tế huyện đã đưa ra nhiều giải pháp, như thông tuyến trong đêm, chở F0 bằng xe máy, xe tải qua các khu vực bị lũ chia cắt rồi đưa đến chỗ đậu xe cứu thương, từ đó đưa vào bệnh viện. Toàn huyện đã di dời 84 hộ có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Toàn bộ trường học đã tạm dừng hoạt động do dịch lan rộng, cộng với mưa lớn, lũ quét, đường sá hư hỏng, ngập sâu.
Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - than: “Khu cách ly tập trung của huyện đang được nâng cấp, sửa chữa, trong khi F1 ngày càng nhiều. Mưa lũ đang diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng của huyện đã tổ chức di dời nhiều hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt. Phải đảm bảo an toàn cho người dân trong mưa lũ nhưng thực hiện việc này ở những “vùng đỏ” COVID-19 là rất khó khăn”.
|
Nhà người dân bị ngập sâu tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: Thanh Vạn |
Còn theo ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - huyện đang có 30 điểm sạt lở lớn nhỏ khiến việc đi lại gần như ngưng trệ ở các xã giáp biên giới, gây hư hại hoa màu và đường dây điện.
Vùng rốn lũ từ huyện Đại Lộc đến các huyện hạ du của tỉnh Quảng Nam hiện đang mênh mông nước, có nơi ngập sâu 1m. Bà Trần Thị Trinh (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) cho biết, hơn một tháng qua, Đại Lộc có dịch khiến mọi việc phải ngưng trệ, giờ chưa kịp trở tay thì lũ ập đến: “Đại Hưng là rốn lũ của tỉnh Quảng Nam. Mỗi khi thủy điện xả lũ thì chắc chắn dưới này bị ngập sâu. Lũ rồi dịch, chạy miết, thời gian đâu để theo mùa màng được nữa?”.
Tại TP. Tam Kỳ, hàng ngàn hộ dân phải di chuyển đồ đạc lên cao để tránh lũ, vì có nơi nước vào nhà gần 1,5m. Ông Võ Hoàng Thuận (phường Tân Thạnh) cho biết, nước vào nhà nhanh vào khoảng 3g ngày 24/10: “Cứ hễ mưa lớn là ngập. Thành phố nhưng ở vùng trũng nên ngập sâu hết, chuyển đồ đạc đuối luôn, không nổi nữa thì bỏ mặc. Năm nào cũng như thế này thì tổn thất không biết bao nhiêu mà kể”.
Ông Võ Công Phúc - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam - cho biết lũ gây sạt lở tuyến đường sắt đoạn qua huyện Núi Thành, sở phải dùng xe đưa 251 hành khách từ ga Tam Kỳ vào ga Quảng Ngãi, đồng thời đón 350 hành khách từ đây về ga Tam Kỳ để tiếp tục hành trình. Đường sá ở xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn tắc hoàn toàn do ngập sâu; Quốc lộ 1A đoạn qua xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh bị chia cắt.
Giao thông tắc nghẽn vì sạt lở
Theo ông Lương Đình Tiên - Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định - do mưa lớn, khoảng 10g ngày 24/10, nước chảy xiết đã làm sập mố cầu Ngô La trên Quốc lộ 19C qua thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh khiến giao thông tê liệt trong nhiều giờ.
Lũ gây ngập làng Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cả tuần qua, bà con phải dùng thuyền để đi lại. Ông Phạm Dũng lo lắng: “Năm ngoái, nước lụt làm trôi của tui hơn 2.000 con gà, một nửa trong đó sắp xuất chuồng. Năm nay, nước lụt bắt đầu về, tui chỉ biết trông chờ vô ông trời”.
Mưa kéo dài từ ngày 22, 23 và sáng 24/10 đã gây ngập nhiều tuyến đường nội đô TP. Huế như Phạm Thị Liên, Ngô Đức Kế, Đặng Dung, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Trãi, ngập nhiều xã ở huyện Quảng Điền, làm sạt lở nặng hai tuyến đường liên thôn ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Đặc biệt, đường lên đỉnh núi Vườn quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc) sạt lở hơn 55m, sâu 50m, phá hủy toàn bộ kết cấu kè, mặt đường và làm đứt toàn bộ tuyến đường nối từ chân núi lên đỉnh Bạch Mã.
Mưa lớn khiến tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây, đoạn qua huyện A Lưới và Quốc lộ 49B bị sạt lở 63 điểm. Ngành giao thông đã huy động phương tiện, nhân lực xử lý nhiều khối đất đá trên mặt đường, nhưng vừa thông đường chưa được một ngày, đường lại tiếp tục tắc. Theo ông Lê Quang Vinh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế - phải mất 20 ngày nữa, đường mới thông tuyến được.
Tình trạng sạt lở do triều cường cũng xảy ra ở các xã Hải Dương (thị xã Hương Trà); Phú Thuận (huyện Phú Vang); Quảng Phú, Quảng An, Quảng Thành (huyện Quảng Điền); phường Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy); Hương Hồ (TP. Huế).
|
Bờ biển tại thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục bị xâm thực - Ảnh: Thuận Hóa |
Tại tỉnh Quảng Ngãi, tất cả các huyện đồng bằng đều ngập sâu, huyện miền núi thì bị sạt lở. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tỉnh Quảng Ngãi, mưa lũ khiến gần 11.000 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh bị ngập nước, hơn 4.000 người phải di dời, sơ tán.
Nhiều khu dân cư bị ngập sâu, bị chia cắt. Lực lượng chức năng phải di dời 2.500 người ngay trong chiều và đêm 23/10 khi nước tiếp tục dâng cao. Đại diện UBND xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ cho biết, người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp; họ đã khó khăn do dịch COVID-19, nay càng khó khăn hơn. Tại xã này, có 83 nhà dân bị ngập sâu.
Ở huyện Nghĩa Hành, nước ngập 0,3-1m, trên 1.800 hộ dân có nhà cửa, hoa màu bị ngập; toàn huyện phải di dời 362 hộ với 1.313 nhân khẩu. Sáng 23/10, Quốc lộ 1A đoạn qua cầu Ô Sông thuộc xã Bình Long, huyện Bình Sơn bị ngập nửa mét khiến xe cộ dồn ứ. Đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây cũng sạt lở, xe không đi được.
|
Các cô giáo trường mầm non xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế dọn dẹp sân trường bị ngập nước trong ngày 24/10 - Ảnh: Thuận Hóa |
Tính đến chiều 24/10, tỉnh Quảng Ngãi có một người chết, ba người mất tích, một người bị thương. Cô Đoàn Thị Loan - giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Sơn, huyện Trà Bồng - cho biết học sinh mới tới trường học tập trung được ba tuần sau thời gian học trực tuyến ở nhà do dịch COVID-19. Nay mưa lũ gây sạt lở, việc đến trường của các em gặp nhiều khó khăn.
Còn thầy Nguyễn Trí Dũng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Phong, huyện Trà Bồng - thông tin đã xảy ra nhiều điểm sạt lở trên tuyến đường từ thị trấn Trà Xuân lên xã Trà Phong và có khả năng cúp điện nên việc dạy, học sẽ gặp trở ngại.
Theo ông Đinh Xuân Sâm - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành - những người từ các tỉnh phía Nam về huyện, khi cách ly xong sẽ gặp khó khăn do chưa tìm được việc làm, lại gặp phải mưa lũ. Chính quyền huyện sẽ rà soát số bà con thực sự khó khăn để hỗ trợ.
|
Sạt lở nghiêm trọng ở tuyến đường lên đỉnh Bạch Mã do mưa lớn trong những ngày qua - Ảnh: Thuận Hóa |
Nhóm phóng viên miền Trung