Miền Trung có nguy cơ hứng bão chồng lên bão

17/10/2016 - 14:10

PNO - Ngày 16/10, lượng mưa ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã giảm, song nhà cửa vẫn ngập trong nước lũ, giao thông bị chia cắt, gián đoạn.

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đã có 21 người chết (15 người ở Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế mỗi nơi hai người), tám người mất tích (bảy người ở Quảng Bình, một người ở Hà Tĩnh) và 18 người bị thương. 100.383 ngôi nhà bị ngập và hư hỏng, nặng nhất ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hơn 1,5 nghìn hecta lúa bị ngập ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Gần chục nghìn hecta hoa màu bị nhấn chìm trong mưa lũ.

Sau nhiều ngày giao thông bị chia cắt, cô lập, đến sáng 16/10, các tuyến QL1A, QL9B tại Quảng Bình đã thông tuyến. Tuy nhiên, đường sắt còn bị ngập ở bảy điểm tại Quảng Bình. Trong năm tàu chở hàng neo đậu tại cửa Gianh bị đứt neo, chỉ có một tàu trở về cảng Hòn La, hai tàu khác bị mắc kẹt. Lực lượng chức năng đã cứu được ba người trên hai tàu bị chìm ngày 15/10 và đang tìm kiếm năm người mất tích.

Mien Trung co nguy co hung bao chong len bao

Ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nước lũ đang rút nhẹ nhưng vẫn còn hơn 1.000 nhà dân ngập sâu. Tại Hương Khê, do thủy điện Hố Hô xả lũ nên tỉnh này yêu cầu các lực lượng hỗ trợ dân, tổ chức cứu trợ. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhận định, trận mưa lũ này có sức tàn phá ngang với đợt lũ lịch sử năm 2007, khiến địa phương thiệt hại nặng nề về người và của.

Trong khi đó, cơn bão số 7 (Sarika) với cường độ mạnh đang tiến vào Biển Đông. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (KTTV TƯ), hồi 10g ngày 16/10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 750km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16. Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và dự báo đổ bộ vào vịnh Bắc bộ trong ba ngày tới.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV TƯ đánh giá, điểm nguy hiểm nhất của cơn bão là sức gió trên biển giật cấp 14-15. Khi vào đất liền, bão có thể giảm cấp xuống còn 11-12 nhưng vẫn rất nguy hiểm. Dự báo vùng mưa lớn nhất là đồng bằng Bắc bộ đến Bắc Trung bộ.

Đáng lưu ý, từ 19-22/10 là thời điểm có triều cường lớn nhất trong năm nên khi bão đổ bộ sẽ khiến sóng biển dâng cao hơn, tác động mạnh tới hoạt động của tàu thuyền, các bến neo đậu. Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV TƯ cho rằng đây là cơn bão nguy hiểm và có thể mạnh nhất trong mấy năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhận định, việc đối phó với cơn bão số 7 đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang khắc phục hậu quả của đợt áp thấp nhiệt đới tại miền Trung. Ngay sau khi bão Sarika vừa vào Biển Đông thì ngoài khu vực, siêu bão Hải Mã bắt đầu hình thành, khiến có nguy cơ bão chồng lên bão.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, cần tập trung khắc phục điểm ngập úng cục bộ cả giao thông và điểm dân cư tại các tỉnh miền Trung. Những diện tích ngập nặng, rộng phải xử lý môi trường sau ngập úng, đảm bảo nước sạch cho người dân, không để xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt, cần tổ chức cứu trợ để người dân không bị thiếu, đói.

“Với hướng đổ bộ như dự báo, đây là cơn bão muộn, nên dễ sinh tâm lý chủ quan. Ngoài ra, còn có tác động biến đổi khí hậu khôn lường nên cần chuẩn bị tinh thần cao nhất cho công tác phòng chống bão”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng lưu ý các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong việc quản lý các thủy điện, hồ chứa. Hiện các hồ chứa đa số đã đầy, nếu không có phương án tốt có thể gây ra sự cố trầm trọng…

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI