Sáng 18/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, toàn tỉnh có tổng số 1.884 phương tiện với 10.685 lao động, tính đến 7 giờ sáng nay, còn 1 phương tiện với 9 lao động đang hoạt động trên biển. Đó là tàu mang số hiệu TTH 99996 TS do ông Trần Văn Dũng ở phường Thuận An (TP Huế) làm thuyền trưởng.
|
Ngư dân xã Phú Thuận đưa tàu cá vào nơi trú tránh bão |
Trong số đó, tàu cá ngoại tỉnh vào neo đậu 23 phương tiện/194 lao động. Tàu hàng neo đậu tại cảng Chân Mây: 19 phương tiện, 175 thuyền viên (115 người Việt Nam, 60 người nước ngoài thuộc 5 quốc gia), hàng hóa: 759 container thiết bị.
|
Tàu thuyền vào neo đậu an toàn ở âu thuyền xã Phú Thuận huyện Phú Vang |
Lực lượng BĐBP đang tiếp tục thông báo cho các phương tiện còn hoạt động trên biển nắm diễn biến tình hình của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến 11 giờ cùng ngày phương tiện này đang trên đường vào bờ.
Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ ngày 19-21/9 trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Mưa lớn khả năng gây lũ lụt cục bộ, lũ quét, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông, suối nhỏ ở các huyện thị A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà và ngập úng tại TP Huế.
|
Hàng ngàn tàu thuyền ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã vào các âu thuyền tránh bão |
Trước đó, UBND tỉnh đã có công điện hỏa tốc gửi các địa phương, đơn vị, chủ hồ đập về chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Theo đó yêu cầu các địa phương kịp thời triển khai công tác ứng phó ATNĐ, bão và tình hình mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ.
Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến sự cố công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng của nhân dân, tài sản của nhà nước.
|
Tàu cá của ngư dân ngoại tỉnh tránh trú bão tại cảng Thuận An, TP Huế |
Tại tỉnh Quảng Trị, Ban chỉ huy PCTT&TKCN trong sáng 18/9 vừa có thêm công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến ATNĐ và các hình thái thời tiết nguy hiểm để kịp thời ứng phó. Các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị hướng dẫn, kiểm đếm tàu thuyền tránh trú an toàn.
Ông Lê Quang Lam, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết: “Hiện nay vấn đề sạt trượt ở các vùng Hướng Hóa, Đakrông xác định được các khu dân cư ven sườn đồi, sườn núi trên các tuyến đường giao thông huyết mạch là các địa điểm có nguy cơ xảy ra sạt trượt. Hiện các địa phương cũng đã cắm biển cảnh báo cho người dân để người dân chủ động ứng phó với nguy cơ sạt trượt lở đất”.
Đến thời điểm hiện tại, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn, trong đó tổng dung tích các hồ chứa Thủy lợi do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi Quảng Trị quản lý còn khoảng 30,43% so với dung tích thiết kế, hồ chứa Thủy lợi - Thủy điện còn khoảng 28,65% so với dung tích thiết kế.
Tỉnh Quảng Trị có 2.280 tàu thuyền/5.582 thuyền viên, đến nay đã cơ bản vào neo đậu an toàn tại các bến; có 56 chiếc/406 thuyền viên ngoại tỉnh đã vào bờ tránh ATNĐ.
|
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị kiểm tra các khu vực ngầm tràn ở các xã vùng biên giới Việt - Lào |
UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung ứng phó. Theo đó, Quảng Bình cấm biển từ 0g ngày 19/9 cho đến khi biển an toàn theo thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn, sẵn sàng sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm.
Tại các âu tàu Nhật Lệ, âu tàu Cửa Phú, thành phố Đồng Hới, ngư dân đã đưa tàu đánh bắt xa bờ vào neo đậu tránh trú. Ở những vùng biển bãi ngang các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy ngư dân cũng đang tời, kéo tàu thuyền có công suất nhỏ lên bờ để tránh sóng lớn đánh hư hỏng.
Ông Đào Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cho biết: "Tàu cá của bà con ngư dân trên địa bàn đang gấp rút di chuyển vào bờ. Hiện, chính quyền địa phương đang hướng dẫn tàu thuyền neo đậu và triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú".
|
Bộ đội biên phòng Quảng Bình kêu gọi tàu thuyền vào trú bão |
Ngoài ra Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình yêu cầu lãnh đạo thành phố, thị xã khẩn trương kiểm tra những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nhà yếu trước gió bão; triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn.
Trong đó, lưu ý các vị trí có nguy cơ sạt lở cao như đồi Phòng không (xã Đức Hóa), thôn 5 (thị trấn Quy Đạt), thôn Rục (xã Hồng Hóa)...; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày.
Các địa phương nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về an toàn trước khi mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò, chủ động tạm dừng hoạt động đối với các cầu phao, đò ngang khi có mưa lũ lớn.
|
Tàu cá vào âu thuyền Bắc Trạch huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tránh trú bão số 4 |
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, các huyện, thị xã, thành phố và sở, ngành có liên quan khẩn trương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công; đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch, kè biển Quảng Phúc, kè biển Nhật Lệ - Quang Phú, Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 2... chủ động đảm bảo an toàn cho công trình và người lao động.
|
Tàu thuyền nhanh chóng vào tránh trú bão tại phường Thuận An (TP Huế) - Clip: Thuận Hóa |
Thuận Hóa - An Nguyên