Tại tỉnh Quảng Ngãi, cửa biển Cổ Lũy từng là khu vực sầm uất với hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) và nhiều tỉnh, thành khác cập bến. Thế nhưng từ năm 2015 đến nay, cửa biển này thường xuyên bị sạt lở, bồi lấp, khiến luồng lạch bị thu hẹp, cạn dần. Nhiều đoạn, luồng lạch giờ chỉ còn rộng hơn 5m, nên chỉ có những tàu công suất nhỏ ra vào. Những tàu lớn phải đi các cảng khác, ở các tỉnh khác.
Thống kê sơ bộ, tại xã Nghĩa An hiện có khoảng hơn 300 tàu cá công suất lớn phải chuyển sang các cảng Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa hoặc các tỉnh bạn. Chiếc tàu cá là cả một gia tài của ngư dân, cho nên khi gửi tàu ở xa, ngư dân không yên tâm vì lo bị kẻ xấu phá hoại, đánh cắp các thiết bị trên tàu.
Tại cửa biển Mỹ Á (phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), những năm trở lại đây, tình trạng bồi lấp cũng ngày một nghiêm trọng, nên những tàu cá công suất lớn không thể ra vào, các chủ tàu phải tùy nghi, ra Đà Nẵng hoặc vào Quy Nhơn, tìm nơi neo đậu. Ông Trần Ngọc Sang - Phó chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ - cho biết, trước đây, luồng lạch ra vào cảng Mỹ Á sâu 4m nhưng nay chỉ còn khoảng 1,8m, buổi chiều tối chỉ còn 0,5m, nên nhiều tàu ra vào bị mắc cạn, bị sóng đánh chìm, gây thiệt hại lớn về tài sản của ngư dân.
|
Cảng Mỹ Á chỉ có tàu công suất nhỏ neo đậu vì tàu lớn không thể ra vào |
Tại Quảng Trị, luồng lạch vào cảng cá Cửa Tùng bị bồi lấp, gây nhiều thiệt hại cho ngư dân. Ông Lê Văn Sơn - Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị - cho biết, cảng cá Cửa Tùng là địa điểm phục vụ hoạt động ra khơi đánh bắt, khai thác thủy sản của ngư dân khu vực thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), xã Trung Giang (huyện Gio Linh), các xã lân cận và ngư dân các tỉnh bạn. Nhưng hiện nay, do luồng cạn, các tàu cá phải dùng thuyền nhỏ để tải sản phẩm vào bờ cũng như đưa nguyên nhiên liệu từ bờ ra tàu, phát sinh thêm nhiều chi phí.
Riêng tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 4.200 tàu cá, trong đó có gần 3.100 tàu dài trên 15m, với khoảng 37.000 lao động đi biển. Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng 2 cảng cá (Sa Huỳnh và Tịnh Kỳ) và 3 cảng neo đậu tàu thuyền (Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á).
Tuy nhiên, 3 khu neo đậu nói trên chỉ đáp ứng được hơn 30% lượng tàu cá toàn tỉnh. Đồng thời, do hạ tầng tại các cảng còn hạn chế nên nhiều tàu thuyền công suất lớn sau khi vươn khơi không về cảng được mà lại về “nhả hàng”, “ăn hàng” ở các tỉnh khác. Thực tế này khiến các dịch vụ hậu cần nghề cá tại tỉnh cũng bị ảnh hưởng lây, hàng trăm lao động tại cảng thất nghiệp…
Bà Phạm Thị Công - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An - cho biết, toàn xã có hơn 700 tàu công suất trên 90CV, 80% dân số sống bằng ngư nghiệp, cho nên xã rất mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp nạo vét luồng lạch để tạo điều kiện cho bà con ngư dân vươn khơi đánh bắt thủy hải sản, ra vào bờ thuận tiện, cũng như phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ông Trần Ngọc Sang kiến nghị: “UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm nghiên cứu, xem xét bố trí kinh phí nạo vét, thông luồng, nhằm tạo điều kiện cho tàu thuyền vào neo trú, nhất là mùa mưa bão đang đến gần”. Và mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã có kiến nghị với Chính phủ, bộ ngành trung ương quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn thiện các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch.
|
Cảng Cửa Tùng bị bồi lấp nhiều năm nay nhưng chưa được phê duyệt nạo vét |
Tại tỉnh Quảng Trị, sau tờ trình năm trước không được phản hồi, mới đây UBND huyện Vĩnh Linh lại có tờ trình đề nghị tỉnh phê duyệt phương án nạo vét khẩn cấp, khơi thông luồng lạch tại cảng cá Cửa Tùng. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh - cho biết, do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình mưa lũ diễn ra phức tạp làm cho luồng lạch trước cảng cá Cửa Tùng ngày càng bị bồi lấp nghiêm trọng, hiện nay nhiều đoạn chỉ sâu khoảng 0,5 - 1m, gây khó khăn cho ngư dân trong khai thác thủy hải sản và ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, buôn bán tại khu vực cảng.
Từ đầu năm đến nay, một số tàu cá bị mắc cạn, 1 tàu bị hư hỏng nặng, nhiều tàu dài từ 12m trở lên phải nằm bờ vì không thể ra vào cảng cá, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý tàu, giám sát sản lượng thủy sản khai thác, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
UBND huyện Vĩnh Linh đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành xem xét sớm phê duyệt phương án nạo vét khẩn cấp, khơi thông luồng lạch tại cảng cá Cửa Tùng kết hợp thu hồi sản phẩm sau nạo vét làm vật liệu san lấp theo hình thức xã hội hóa. Đồng thời, trước mắt cho phép Công ty TNHH một thành viên Ngọc Tuấn Cửa Tùng thực hiện nạo vét khẩn cấp luồng lạch tại cảng cá Cửa Tùng.
Lê Đình Dũng