Ngồi trong căn nhà gỗ, bên ngoài lác đác mưa, anh Tư Phương ngân nga mấy câu hát nao lòng: “Mùa nước lên, con sóng dâng đầy/ Anh Sáu giăng câu cá linh bầy theo lưới.../ Canh chua đồng ngoại nấu, mà thơm ngọt dòng phù sa”. Chưa dứt câu ca, anh Tư đã buông tiếng thở dài. Hết tháng Bảy âm lịch rồi mà nước sông chưa dâng đầy nên đâu có cá linh theo lưới. Năm nay, đất Chín Rồng đang xác xơ chờ mùa nước nổi.
Lỗi hẹn tiệc chiêu đãi cá linh mùa lũ
Cuối tháng 8/2019, theo lời hẹn, chúng tôi về miền Tây Nam bộ tìm gặp anh Bùi Văn Sơn ở xã Hòa Lạc, H.Phú Tân, tỉnh An Giang - để được anh chiêu đãi các sản vật mùa nước nổi. Thế nhưng, vừa gặp chúng tôi, anh Sơn buông tiếng thở dài: “Tui thất hứa với mấy anh rồi, mùa nước nổi chưa về, tìm đỏ mắt không ra con cá linh”. Như để thanh minh, anh Sơn kéo tủ lấy ra gần chục tay lưới được gói trong mấy bao bóng. Hơn một năm rồi, nước lũ chưa về nên lưới vẫn còn nằm im trong hộc tủ.
|
Lũ không về nên cuộc sống của nhiều gia đình ở miền Tây Nam bộ cũng kiệt quệ theo |
Mùa nước nổi năm ngoái, với chục tay lưới, mỗi ngày, anh Sơn kiếm được gần 1 triệu đồng. Người ta nói, tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ, nhưng năm nay đã hết tháng Bảy từ lâu rồi mà cánh đồng Hòa Lạc vẫn khô queo, những người kiếm sống thời vụ vào mùa nước nổi như anh Sơn đành thất nghiệp. “Cỡ tuổi như tui trở xuống, người ta bỏ đi Bình Dương hết rồi. Tui kẹt mấy đứa nhỏ nên mới ráng ở lại, thời tiết bây giờ ngộ quá” - anh Sơn than.
Cả đời bám trụ ở đất Phú Tân, gần sông Tiền lẫn sông Hậu, ông Ba Chúng (ở xã Hòa Lạc) đã quá quen với mùa nước nổi. Thế nhưng, gần chục năm nay, con nước thất thường, những người giàu kinh nghiệm sông nước như ông cũng không thể nào đoán nổi. Nhắc đến sản vật mùa nước nổi, ông Ba Chúng lắc đầu chua chát: “Còn đâu nữa mà gọi là sản vật”.
Những năm gần đây, sản vật mùa nước nổi mỗi năm một ít đi, người dân không đủ sống. Nghề truyền đời như đi bỏ lẳng (một loại bẫy để bắt cá) cũng bỗng dưng biến mất trên đất Phú Tân. Mấy năm trước, người ta nghỉ mùa lúa, đi làm cá là đủ sống; còn bây giờ, nghỉ mùa lúa thì chỉ còn đường đi Bình Dương. Người dân miền Tây bị thất nghiệp ngay trên mảnh đất được mệnh danh là vùng trù phú nhất cả nước. Chỉ cần nghĩ đến điều đó, những lão nông như ông Ba Chúng đã rưng rưng.
Ngược về H.An Phú, chúng tôi tìm đến nhà anh Tư Phương ở xã Vĩnh Hội Đông. Ngồi trong căn nhà gỗ, bên ngoài lác đác mưa, anh Tư Phương ngân nga mấy câu nhạc buồn: “Mùa nước lên, con sông dâng đầy/ Anh Sáu giăng câu cá linh bầy theo lưới.../ Canh chua đồng ngoại nấu, mà thơm ngọt dòng phù sa”. Chưa dứt câu ca, anh Tư Phương đã buông tiếng thở dài. Không thở dài sao được khi tháng Chín dương lịch rồi mà mấy trăm cái lọp bắt cá chạch của anh vẫn nằm chỏng chơ sau mái hiên. Nước lũ không về, đám lọp trở nên vô dụng.
Cuối tháng Bảy năm ngoái, khi chúng tôi đến, cánh đồng Vĩnh Hội Đông trắng một màu nước, nông dân phải thu hoạch vội hoa màu để chạy lũ. Còn bây giờ, cánh đồng vẫn trơ trọi với màu xanh cỏ dại. Từ lâu rồi, cuộc sống của những nông dân như anh Phương phụ thuộc rất lớn vào con nước, lũ về thì tất tả thu hoạch chạy lũ nhưng không có lũ thì... đói.
Qua vùng Tân Châu (tỉnh An Giang) hay Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), chúng tôi gặp hàng trăm nhà dân đang “treo lưới chờ thời”. Nhiều người chờ không nổi, đã bán rẻ ngư cụ, đi xứ khác làm ăn. Anh Nguyễn Hoàng Anh - quê ở H.Hồng Ngự - cho biết, mọi năm, 3 tháng nước nổi có thể nuôi sống gia đình anh cả năm vì mỗi ký cá linh cũng bán được 250.000-300.000 đồng. Gồng mình hai tháng nay chờ lũ, cả nhà anh “xất bất xang bang”.
“Cả đời gắn bó với sông nước, tui chưa bao giờ nghĩ đến cảnh mình phải lên thành phố kiếm việc khác mưu sinh. Nhưng giờ nước lũ không về, tui không biết lấy gì sống, thôi đành đi tìm việc khác vậy” - anh Hoàng Anh buồn rầu.
Sản vật vắng dần, nhiều người bỏ xứ
Trong những ngày người dân miền Tây mỏi mòn chờ mùa nước nổi, tôi đến chợ Lê Hồng Phong tìm gặp chị Mai - chủ tiệm Tư Xê chuyên bán đặc sản Biển Hồ - để hỏi xem nguồn cá từ Campuchia ra sao. Mọi năm, cứ vào khoảng tháng Bảy, tiệm Tư Xê bắt đầu mang sản vật của sông nước Biển Hồ về Sài Gòn. Đó là những con khô cá trèn, cá leo và cá tra... treo lủng lẳng, nhìn rất bắt mắt. Năm nay, cảm giác như những món cá khô đặc sản ở sạp Tư Xê giảm đáng kể.
|
Không có mùa nước nổi, nhiều thanh niên ở miền Tây Nam bộ bỏ quê lên Sài Gòn, Bình Dương kiếm việc làm, phần lớn người ở lại là người già và trẻ em |
Cảm nhận được tâm trạng của tôi, chị Mai nói ngay: “Chưa có đặc sản mùa nước nổi”. Theo chị Mai, do cá ở Biển Hồ ngày một ít nên nguồn cung về cho sạp của chị cũng giảm đáng kể. “Năm nay, nghe đâu Biển Hồ đang thiếu nước, các loại cá đặc sản mùa lũ cũng rất hiếm, không có hàng để bán” - chị Mai bộc bạch. Thông tin chị Mai cung cấp cũng trùng khớp với thông tin chúng tôi tiếp nhận được từ một số nhà khoa học chuyên theo dõi tình hình lũ trên dòng Mê Kông. Giữa tháng 7/2019, Biển Hồ vẫn trong tình trạng “trơ đáy” nên lượng cá đánh bắt được rất ít.
Về H.An Phú, tỉnh An Giang cuối tháng Tám, chúng tôi tìm đỏ mắt vẫn không thấy chợ cá Kinh Ruột ở cánh đồng Phú Hội. Năm ngoái, khi ghé ngang khu chợ này, chúng tôi choáng ngợp bởi hình ảnh ghe xuồng chở theo cá linh, cua đồng, rắn bông súng, cá sặc, cá rô, mua bán tấp nập. Năm nay, ở ngã tư sông Kinh Ruột, không có đặc sản mùa nước nổi, cũng chẳng có ghe thuyền.
Ông Lê Văn Hên - ở H.An Phú - cho biết, chợ cá Kinh Ruột đã có từ mấy chục năm qua; năm nay, nước nổi không về, chợ cá “biến mất”. Vắng chợ, những người cao niên như ông bỗng thấy buồn. Chợ cá Kinh Ruột không chỉ là điểm mưu sinh mà còn là nét văn hóa mùa nước nổi của người dân An Giang. Một thực tế mà những người như ông Hên giật mình nhận ra là, mùa nước nổi đang biến mất ở miền Tây. Ông luôn tự hỏi, nếu đất Chín Rồng không còn mùa nước nổi, những người cả đời bám trụ sông nước như ông có sống nổi không?
Nước lũ không về, dân Đồng Tháp Mười buồn nẫu ruột. Năm nay, chị Tư Kim - ở H.Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, có mấy chục năm làm nghề thu mua đặc sản mùa nước nổi - gần như thất nghiệp. Mọi năm, vào mùa nước nổi, mỗi ngày chị đều có một chuyến xe chở đặc sản về bán cho người Sài Gòn. Còn bây giờ, cá cũng chỉ là cá nuôi, rau là rau trồng, không còn những đồ “rặt đồng” mà người Sài Gòn ưa thích, chị Tư Kim cũng bỏ nghề.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề “săn” đặc sản nước nổi, chị Tư Kim nhận ra, có một miền Tây đang rất khác. Ở đó, con nước không còn dâng lên cánh đồng, không còn những chiếc ghe chở đầy đặc sản. Những người “thợ săn” mùa nước nổi bây giờ đang là công nhân trong những nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Những phiên chợ mùa nước nổi năm nào, giờ chỉ còn trong câu hát...
Sơn Vinh
( Còn tiếp)