Miền Tây, xơ xác tứ bề - Đừng để những dòng sông tắt thở

10/09/2019 - 07:38

PNO - Ở thượng nguồn, nước về ít; ở hạ nguồn, nước biển lại dâng lên khiến đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị nhốt chết trong những nguồn xả thải ô nhiễm.

Miền Tây, xơ xác tứ bề

Bài 1Nghịch cảnh ở vùng đất Chín Rồng

Bài 2Khi dòng sông rỗng ruột, phận người cũng lao đao

“Mùa khô năm nay, có thời điểm nắng nóng đến mức sinh viên của tôi bỏ trứng gà vào thau cát mang ra đường phố Cần Thơ để một lúc, trứng chín luôn. Tình trạng vòi rồng xuất hiện ven biển cũng ngày càng nhiều” - phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH) thuộc Trường đại học Cần Thơ, đưa ra những dẫn chứng cho thấy tác động của BĐKH đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ngày càng rõ rệt.

Những cảnh đối lập đáng lo 

Nhiều năm nghiên cứu về tác động của BĐKH đến khu vực ĐBSCL, PGS-TS Lê Anh Tuấn cho rằng, tình trạng khô hạn, nước biển dâng, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng rất lớn đến khu vực này. “Dù vậy, đến nay vẫn còn có những quan điểm không đồng nhất về ứng phó và thích ứng với ĐBKH. Như về tình trạng nước biển dâng và xâm nhập mặn, có những khu vực, các nhà khoa học đã nghiên cứu rất kỹ và chỉ ra rằng không nên xây dựng những công trình kiên cố để ngăn mặn vì sẽ gây ra hậu quả nặng nề, nhưng không hiểu sao, các dự án đó vẫn được triển khai” - ông Tuấn bày tỏ. 

Mien Tay, xo xac tu be - Dung de nhung  dong song tat tho
Nhiều nguồn xả thải ở đồng bằng sông Cửu Long chưa được kiểm soát, gây nguy cơ ô nhiễm trên diện rộng - Ảnh: Trung Thanh

Thêm một vấn đề khác mà vị PGS-TS này lo ngại, đó là việc phát triển năng lượng sạch - năng lượng tái tạo ở ĐBSCL quá ít, trong khi các nhà máy nhiệt điện than lại mọc lên quá nhiều.

Từng được xem là một trong những công trình tái tạo năng lượng sạch điển hình ở ĐBSCL nhưng hiện nay, nhà máy sản xuất đường kết hợp với đốt bã mía phát điện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) lại hoạt động trong tình trạng bấp bênh. Tiếp xúc với chúng tôi vào cuối tháng 8/2019, ông Hồ Thanh Hòa - Trưởng phòng Kỹ thuật Nhà máy đường Phụng Hiệp, thuộc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ - cho biết - hiện nhà máy đang hoạt động cầm chừng do nguyên liệu không đảm bảo. Theo ông Hòa, nhiều năm qua, việc tận dụng bã mía thải để đốt phát điện giúp nhà máy tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng/năm. 

Trong lúc nhà máy điện sạch ở thượng nguồn sông Hậu đang hoạt động phập phù, ở hạ lưu, các nhà máy nhiệt than lại mọc lên như nấm. Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, dọc dòng sông Hậu, từ Cần Thơ đến Trà Vinh, chỉ khoảng 80km đường sông nhưng có gần 10 nhà máy nhiệt điện than. “Ngoài các nhà máy dọc theo sông Hậu, ở ĐBSCL, còn có các nhà máy nhiệt điện dự kiến được xây dựng tại Long An, Bạc Liêu và Cà Mau. Theo quy hoạch, khu vực ĐBSCL có đến 14 nhà máy nhiệt điện than. Với quy mô phát triển công nghiệp năng lượng như vậy, từ nay đến năm 2030, ĐBSCL sẽ là nơi có mật độ nhà máy nhiệt điện dày đặc” - PGS-TS Lê Anh Tuấn bày tỏ lo ngại. 

Trên thực tế, tại cụm nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), từ đầu năm 2016, khi các nhà máy bắt đầu vận hành thử nghiệm, người dân sống xung quanh đã không chịu thấu cảnh khói bụi mù trời. Nằm cách xa nhà máy nhiệt điện hàng cây số, nhưng đồng muối Cồn Cù (xã Đông Hải, H.Duyên Hải) cũng bị nhuộm bụi đen. Hơn 100 hộ dân ở đồng muối nổi tiếng này đã khiếu nại về tình trạng muối bị nhuộm đen nhưng chẳng có đơn vị nào đứng ra bồi thường.

Trong nhiều lần trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Sinh - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng Tạo Xanh (GreenID, thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) - cho rằng, quy hoạch các nhà máy nhiệt điện than vùng ĐBSCL quá dày đặc, trong khi đây là công nghệ có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao, nhiều quốc gia trên thế giới đã ngưng sử dụng loại nhiên liệu này. “Hầu hết nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam dùng than làm nguyên liệu đốt nên nguy cơ ô nhiễm từ xỉ than rất cao. Cụ thể, xỉ chiếm khoảng 1/3 khối lượng than, nên một nhà máy sử dụng 4 triệu tấn than/năm thì phát sinh khoảng 1,3 triệu tấn xỉ/năm. ĐBSCL là vùng trũng thấp, không thể xây dựng các bãi chứa xỉ cao, nên các bãi chứa xỉ sẽ chiếm diện tích đất lớn. Để đáp ứng yêu cầu này, phải thu hồi đất nhiều và người dân địa phương sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề” - ông Sinh phân tích.

Mien Tay, xo xac tu be - Dung de nhung  dong song tat tho
Người dân đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với cuộc sống bấp bênh, khắc nghiệt Ảnh: Trung Thanh

Những dòng sông chờ chết

Một vấn nạn khác từ các nhà máy nhiệt điện than là, lượng nước khổng lồ từ các nhà máy này thải ra sẽ làm cho hệ sinh thái xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Do các nhà máy nhiệt điện than thường sử dụng một lượng nước lớn để làm mát máy nên khi lượng nước giải nhiệt khổng lồ này thải ra môi trường, sẽ gây tác động khôn lường đến hệ sinh thái.

Cụ thể, nhiệt độ từ nước thải của các nhà máy nhiệt điện có khi lên đến 400C; khi ra môi trường, nhiệt độ có thể giảm nhưng vẫn làm các loại thủy sinh, cá, tôm xung quanh khó sinh sống được. Ví dụ, một cụm nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200MW sẽ sử dụng khoảng 4,7 triệu m3/nước ngày đêm và 95% lượng nước này được dùng làm mát máy. Với lượng nước thải ra lớn như vậy, mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn” - một chuyên gia về lĩnh vực nhiệt điện than giải thích.

Mối lo ô nhiễm trên diện rộng từ nhiều nguồn xả thải ra sông ở ĐBSCL đã bắt đầu hiển hiện khi mới đây, một đoạn sông rộng lớn và dài hàng cây số ở tỉnh Hậu Giang bất ngờ chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đó là sông Cái Lớn, đoạn chảy qua địa bàn H.Long Mỹ và thị xã Long Mỹ. Tình trạng ô nhiễm chưa từng thấy và kéo dài gần cả tháng 4/2019 trên đoạn sông này khiến các loài thủy hải sản của người dân nuôi ven sông chết sạch. Nguồn nước sông ô nhiễm nghiêm trọng cũng làm cho nhà máy nước thị xã Long Mỹ dừng lấy nước sông Cái Lớn, chuyển sang khai thác nước ngầm. 

Theo xác định của cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang, đoạn sông Cái Lớn bị ô nhiễm do tiếp nhận nguồn xả thải từ nhà máy đường gần đó cùng nhiều loại nước thải ô nhiễm khác như các cơ sở xay lúa, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, nước thải đô thị…

TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế tài nguyên và môi trường, thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM - cho rằng, tình trạng ô nhiễm trầm trọng đoạn sông Cái Lớn ở Hậu Giang sẽ trở thành vấn nạn ở nhiều tỉnh thành khác, nếu không có những giải pháp kịp thời.

Ông phân tích: “Theo kịch bản về BĐKH, do ảnh hưởng của các đập thủy điện trên dòng Mê Kông, lượng nước từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL ít dần. Trong khi đó, nước biển lại dâng cao, xâm nhập sâu vào nội đồng khiến tốc độ dòng chảy trên sông ở ĐBSCL chậm lại, không đẩy được nguồn nước ô nhiễm ra biển như trước đây. Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm cục bộ ở ĐBSCL đã và đang gia tăng, nhưng các nguồn thải từ hoạt động nông nghiệp, công nghiệp cũng như nước thải đô thị hầu hết không được thu gom, xử lý. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại vì ĐBSCL phụ thuộc vào sông nước. Nguồn nước ô nhiễm trên diện rộng sẽ khiến hậu quả rất nặng nề”. 

Mien Tay, xo xac tu be - Dung de nhung  dong song tat tho
Nhà máy nhiệt điện than quá nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long đang gây lo ngại về ô nhiễm không khí lẫn tác hại đến hệ sinh thái, môi trường sông nước - Ảnh: Trung Thanh

Ông Phan Thanh Tĩnh - cán bộ dự án Tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH cho khu vực ĐBSCL (dự án do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức - GIZ thực hiện) - cũng cho rằng, ngoài vấn đề xâm nhập mặn và sạt lở, ô nhiễm năng lượng, xả thải cũng sẽ là thách thức lớn đối với ĐBSCL. “Trong giai đoạn 2019-2021, khi thực hiện chương trình thích ứng với BĐKH, chúng tôi sẽ hỗ trợ kỹ thuật, giúp các địa phương đưa ra những phương án ứng phó phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ thực hiện các chương trình về quản lý nước thải, phát triển năng lượng sạch cho ĐBSCL” - ông Tĩnh nói. 

Người dân cần thay đổi thái độ sống

Ông Hồ Long Phi - nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và BĐKH, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng, những tác động của BĐKH đến đời sống của người dân ở ĐBSCL đã hiển hiện. Do đó, trong khi chờ đợi các giải pháp quy mô lớn, người dân cũng phải chủ động thích nghi với những biến đổi; nếu không, sẽ phải đối mặt với những hậu quả đáng buồn. “Qua nhiều năm nghiên cứu khu vực chịu tác động nặng nề bởi tình trạng BĐKH ở tỉnh Bến Tre, chúng tôi nhận thấy, người dân vẫn còn sống kiểu “vô tư” như trước đây. Có rất nhiều hộ dân mắc nợ do việc trồng trọt hoa màu, nuôi cá tôm thất bát nhưng khi khảo sát, chúng tôi hỏi nếu có tiền sẽ làm gì, đa số đều nói sẽ dùng tiền để mua sắm điện thoại xịn, xe tay ga” - ông Phi dẫn chứng.

Theo ông Phi, các chương trình, dự án về ứng phó với BĐKH khu vực ĐBSCL nên tiếp cận thêm ở góc độ xã hội học để giúp người dân nhận thức được các khó khăn, chủ động thích nghi với điều kiện sống đang ngày càng khắc nghiệt: “Chúng ta phải đánh giá được người dân có muốn thích nghi hay không. Nếu muốn, mình sẽ giúp họ thích nghi như thế nào; nếu họ không muốn thích nghi mà muốn di cư đến nơi khác thì mình giúp họ những gì”.

Hoàng Nhiên - Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI