Miền Tây ùn ứ gạo, đồng loạt xin được xuất khẩu

22/04/2020 - 14:06

PNO - Nhiều tỉnh/thành kiến nghị dỡ bỏ hạn ngạch, đưa hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường ngay tại Hội nghị về tình hình xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn mặn sáng nay 22/4, tại TPHCM doThứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chủ trì.

Theo đại diện UBND tỉnh Long An, hiện nguồn cung gạo trong nước đang dồi dào, sản lượng không giảm dù có hạn mặn, thị trường cũng đang tiêu thụ tốt nên việc áp hạn ngạch xuất khẩu gạo không hợp lý.

Đại diện này cũng cho biết, nguồn cung ứng gạo của Long An đang tốt, sản lượng dư xuất khẩu… Hiện chúng ta đã đảm bảo an ninh lương thực thì cần phải xem xét mở lại, quan trọng là giải pháp. Ngay cả gạo tẻ cũng nên xuất khẩu.

Địa phương muốn bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo. Ảnh: Quốc Thái
Nhiều địa phương muốn bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo - Ảnh minh họa

Long An cũng đề xuất Chính phủ nên giao địa phương lưu kho đảm bảo an ninh lương thực chứ không cần giao cho kho của Tổng cục Dự trữ. Các địa phương phải cam kết, nơi nào vi phạm có chế tài.

Thống nhất quan điểm của tỉnh Long An, ông Trương Quang Hoài Nam - Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - đề nghị cho phép doanh nghiệp tiếp tục mở tờ khai thông quan xuất khẩu, đặc biệt ưu tiên các tờ khai đã giao trong tháng Ba và sắp tới tại cảng. Cần Thơ đã giao tới cảng là 76.000 tấn gạo. Hiện các doanh nghiệp đã mở tờ khai hơn 43.000 tấn gạo từ tháng Ba, thiệt hại đến nay rất lớn.

Đại diện tỉnh Kiên Giang cho biết, các doanh nghiệp của tỉnh tồn đọng tại cảng lên tới 12.000 tấn. Địa phương này kiến nghị cần cho xuất khẩu ngay gạo tồn tại cảng, sau đó cho xuất lại bình thường không cần hạn ngạch.

Cũng tại hội nghị sáng 22/4,  một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo phản ánh, khi tiến hành thực hiện khai tờ khai đăng ký trên hệ thống tự động của Tổng cục Hải quan, lượng gạo này nằm trong hạn ngạch 400.000 tấn của Bộ Công thương. Dù hệ thống báo đăng ký thành công nhưng đến sáng hôm sau, khi kiểm tra lại, thông tin tờ khai đã bị mất một cách khó hiểu.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, 9.700 tấn gạo trên sà lan nằm trên sông, còn chưa kể lượng gạo tồn tại cảng do mất hết thông tin trên dữ liệu hải quan, thiệt hại ước tính hơn trăm tỉ đồng do thông tin tờ khai bị mất. Ngay tại hội nghị, doanh nghiệp này đã đề nghị Tổng cục Hải quan phải kiểm tra và cho biết lý do, đồng thời nhờ Bộ Công thương tìm hướng giải quyết.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, có hai yếu tố rất khó xác định là tình hình dịch bệnh và tâm lý của người dân. Nếu trong điều kiện bình thường việc duy trì xuất khẩu như các năm sẽ không có vấn đề, nhưng khi tâm lý người dân mua gạo dự trữ vì dịch bệnh. "Nếu cùng một thời điểm, mỗi gia đình chỉ mua thêm 20kg thôi, chúng ta lấy đâu đủ lượng gạo để bán?", ông Khánh đặt giả thiết.

Đại diện Bộ Công thương khẳng định, cơ quan quản lý sẵn sàng chịu trách nhiệm trước nhân dân trong điều hành xuất khẩu gạo. Nhưng, ông mong được sự chia sẻ của địa phương, doanh nghiệp trước tình huống đặc biệt lần đầu phải đối mặt như hiện nay.

Trước phản ảnh việc tờ khai hải quan bị mất tại hệ thống tự động của Tổng cục Hải quan, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị Tổng cục Hải quan phải kiểm tra lại, nếu lượng gạo xuất khẩu theo đúng quy định Hải quan phải giải quyết ngay, không để doanh nghiệp thiệt hại thêm.

Cũng trong sáng nay 22/4, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã ký công văn hỏa tốc trao đổi với Bộ Tài chính về việc xuất khẩu nếp (bao gồm: thóc nếp, gạo nếp, tấm nếp) trong tháng 4/2020 được thực hiện theo nhu cầu thị trường.

Đồng thời, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính phối hợp chỉ đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu cơ quan hải quan tại các cửa khẩu quốc tế: thống kê số lượng gạo của các thương nhân hiện đang ở cảng/cửa khẩu nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu theo phương thức điều hành xuất khẩu gạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thống kê số lượng gạo của các thương nhân đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu nhưng có dấu hiệu khai khống để giữ chỗ (thí dụ như không có số container và/hoặc số seal và/hoặc tên tàu và cho tới nay chưa thực hiện tờ khai hải quan xuất khẩu đã được đăng ký).

Trên cơ sở thống kê số lượng gạo còn tồn đọng tại các cảng, số lượng tờ khai có biểu hiện khai khống mà Tổng cục Hải quan báo cáo, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến gấp về phương án điều phối hạn ngạch và sử dụng 100.000 tấn gạo được tạm ứng trước theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng để xử lý cho các thương nhân có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan để hai Bộ cùng phối hợp xem xét, quyết định phương án xử lý trên cơ sở bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, dễ thực hiện, dễ giám sát.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI