Chợ nông sản thành chợ… chim trời
Cách trung tâm TP Tân An khoảng 30km và cách cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (tiếp giáp Campuchia) gần 50km là chợ nông sản Thạnh Hóa. Chợ nằm trên tuyến Quốc lộ 62, thuộc huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, thời gian gần đây đang “nóng” lên bởi việc bày bán động vật hoang dã, quý hiếm một cách công khai.
Tiếng là chợ nông sản nhưng tại đây “chim trời” được bày bán rất nhiều, trong khi chỉ lác đác vài gian hàng buôn bán nông sản. “Chợ chim” nằm không xa khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An) và vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) - nơi có nhiều loài động vật hoang dã, nhiều cá thể quý hiếm có trong Sách đỏ.
|
Tác giả bài viết đang được một nữ tiểu thương ở “chợ chim” Thạnh Hóa tiếp thị chim trời |
Đến “chợ chim” trong vai chủ một quán ăn đang cần tìm nguồn chim trời về phục vụ các “thượng đế”, chúng tôi được bà H. nhiệt tình tiếp thị đủ loại chim trời như cúm núm, vạc, cò, chim trích, chim quốc, gà nước, vịt trời và cả loài chim trĩ quý hiếm, con gì cũng có. “Nếu mua số lượng lớn và làm ăn lâu dài thì giá cả sẽ cạnh tranh, khuyến mãi giao hàng tận nơi” - bà H. xởi lởi.
Chỉ tay về những chiếc lồng sắt đang nhốt đủ loại chim trĩ, chim trích, vịt trời, cò, vạc… đang bày ngổn ngang, bốc mùi tanh hôi, bà H. nói tiếp: “Do sợ ngành chức năng kiểm tra nên tiểu thương chỉ trưng bày vài loại. Nếu mua số lượng nhiều, chỉ cần báo trước 1 ngày thì bao nhiêu cũng có”. Theo bà H., tất cả “chim trời” bày bán ở đây 100% là động vật hoang dã nên bao ngon. Do vậy, các quán ăn, nhà hàng ở đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM và các tỉnh miền Đông cũng không ngần ngại vượt đường xa tìm đến mua hàng.
Để tiếp tục tham khảo những loài chim quý hiếm đang bày bán tại chợ nông sản Thạnh Hóa, chúng tôi chào bà H. và đến ki-ốt của bà D. cách đó vài chục bước chân. Bà D. bày bán đa dạng các loại chim trời, từ các loài đặc sản đến chim phóng sinh, chim cảnh và các loại rắn… Chẳng cần phải cảnh giác, bà D. giới thiệu: “Mùa này cúm núm hút hàng, giá bán mỗi ký lên đến 500.000 đồng. Còn chim trĩ (trọng lượng dưới 1kg) bán 300.000 đồng/con, tùy thời điểm, giá bán có thể cao hơn”.
Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi bà D. bắt rắn bỏ vào bao bán cho một khách hàng đến từ Bình Dương. Theo vị khách, rắn hổ hành ở đây chủ yếu bắt tự nhiên nên ngon, ông hay mua về mỗi khi có dịp.
Gần 10 giờ trưa - cao điểm đón khách từ các nơi đổ về của tiểu thương ở “chợ chim”. Ông P. (Hậu Giang) đến mua cúm núm nhưng do hút hàng nên chuyển sang mua chim về nhậu. Bà Tư (Đồng Nai) cùng gia đình vượt hàng trăm cây số đến “chợ chim” Thạnh Hóa để mua chim về phóng sinh.
Nguy cơ tận diệt động vật hoang dã
Chỉ trong buổi sáng, “chợ chim” Thạnh Hóa có cả chục lượt khách đến mua động vật hoang dã. Ngoài địa chỉ trên, dọc theo Quốc lộ 1 (đoạn qua địa phận huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), vùng Đồng Tháp Mười (địa phận tiếp giáp các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang)… hoạt động buôn bán động vật hoạng dã cũng diễn ra công khai mà không ai kiểm tra, xử lý.
Việc săn bắt, tận diệt các loài chim hoang dã, di cư không chỉ tác động tiêu cực đến cân bằng sinh thái, môi trường, an toàn sức khỏe con người mà còn làm mất đa dạng sinh học và thiệt hại về môi trường; làm biến mất các loài động vật. Săn bắt và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đang từng ngày đe dọa sự tồn tại lâu dài của quần thể các loài, là một trong những mối đe dọa lớn đối với sự tồn tại của các loài động vật hoang dã. Đặc biệt, buôn bán trái phép động vật hoang dã còn dẫn đến sự xuất hiện và lây lan các bệnh truyền nhiễm mới ở người, bao gồm cả các loại vi rút mới xuất hiện.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Thái Phong - Phó giám đốc vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) - cho biết, đơn vị đã phối hợp với cơ quan công an, kiểm lâm tổ chức tuần tra, bảo vệ, ngăn chặn, chống người xâm nhập, kiểm soát chăn thả gia súc trái pháp luật. Qua đó, đã lập biên bản chuyển giao hạt kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng xử phạt vi phạm hành chính về quản lý bảo vệ phát triển rừng và quản lý lâm sản 49 vụ, 49 đương sự vi phạm chăn thả gia súc, với số tiền trên 60 triệu đồng. Ngoài ra còn cảnh cáo, giáo dục tại chỗ 390 vụ, 528 đương sự có hành vi giăng câu, giăng lưới, bắt ốc, bắt ong, câu cá… trái phép.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới, vườn quốc gia Tràm Chim kiến nghị UBND huyện Tam Nông chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục hỗ trợ lực lượng nghiệp vụ trong kiểm tra và xử lý các đối tượng xâm nhập trái phép ngay từ bên ngoài về đánh bắt thủy sản trái phép. Đồng thời, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể huyện, chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là việc săn bắt động vật hoang dã. Vườn quốc gia Tràm Chim tiếp tục tổ chức quản lý chặt chẽ đối với các hộ chăn nuôi gia súc xung quanh.
Thanh Lâm