Từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch hằng năm, miền Tây Nam bộ lại vào mùa nước lũ tràn đồng. Mùa nước nổi đã quá đỗi quen thuộc và trở thành thứ không thể thiếu đối với người dân các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long như Đồng Tháp, An Giang. Nhưng trong nhiều năm qua, điều này đang hiếm dần.
Thượng nguồn không có lũ
Chúng tôi đến hai tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long vào một buổi chiều muộn cuối tháng 9/2022. Ngó về đầu nguồn Cửu Long, mây đen vần vũ như báo hiệu tiếp tục những ngày mưa nhiều, nước lũ tràn đồng.
Ông Võ Minh Hoàng - Phó bí thư, Trưởng khối vận xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang - nói ngắn gọn: “Ở đây bây giờ đâu còn thấy lũ nữa. Đê bao khép kín hết rồi”. Theo ông, muốn tìm lũ, nhìn lũ thì nên đến chỗ khác.
|
Anh Bùi Văn Tụ (phường An Bình B, TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đặt lú ở con mương sền sệt nước ngay vùng đầu nguồn lũ - Ảnh: Từ Nhân |
Cũng theo ông Võ Minh Hoàng, diện tích xã Khánh Bình khoảng 800ha. Do có đê bao khép kín nên bà con trồng 500ha xoài chuyên canh, chiếm hơn 2/3 diện tích, chỉ còn khoảng 20ha trồng lúa. Nước lũ có về địa phương, cũng chảy tràn dọc tuyến biên giới với nước bạn Campuchia.
Ở xã Khánh Bình, có búng Bình Thiên - một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Búng Bình Thiên (còn gọi là hồ Nước Trời) rộng khoảng 200ha, có độ sâu trung bình từ 5 - 7m. Nước hồ quanh năm trong vắt.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, đỉnh lũ năm nay sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày 9 - 11/10. Dự báo, đỉnh lũ tại Tân Châu (An Giang) dao động từ 3,4 - 3,6m; tại Châu Đốc dao động ở mức 3 - 3,2m. So với trung bình nhiều năm (1996-2021) đỉnh lũ tại Tân Châu và Châu Đốc năm nay thấp hơn từ 0,31 - 0,51m. Nếu tính từ mùa lũ năm 2011, đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long không còn mùa lũ lớn nào. Sơn Vinh |
Trước đây, người ta vẫn ví búng Bình Thiên là túi chứa nước khổng lồ, là túi cá đồng vô tận mà thiên nhiên ban tặng cho con người và vùng đất này. Thế mà giữa trưa tháng Chín, đứng trên cầu C3 nối nước cửa búng ra con sông Bình Di đang chảy về hạ nguồn, chỉ thấy lác đác vài chiếc ghe treo chân vịt, ít chiếc xuồng nhỏ phơi dây lưới, hiếm thấy bóng người. Bà Nguyễn Thị Phận (ấp Búng Nhỏ, xã Khánh Bình) nói với từ dưới bờ hồ lên khi chúng tôi bắt chuyện: “Cá mắm ở đây còn bao nhiêu đâu mà đi bắt”.
Bà Phận đang hái rau nhút chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Trên mặt búng Lớn, rau nhút bện nhau thành từng mảng lớn rộng hàng chục mét vuông. Từng mảng rau nhút to như sắp lan kín mặt hồ, cho thấy cảnh nườm nượp ghe xuồng săn bắt cá ngày xưa giờ không còn nữa. Theo bà Phận, bây giờ, cá về rất ít, cá có sẵn trong hồ còn ít hơn.
|
Bỏ sông lên đồng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ (xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đi làm mướn ngay trong mùa nước nổi |
Bên sông Bình Di - con sông nhỏ như vành đai bao quanh H.An Phú rồi hợp lưu với dòng sông Hậu ở TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang, anh Nguyễn Văn Gài (ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú) ngồi dưới góc căn nhà sàn, vót đống nan tre để giăng lưới. Mới hôm qua, anh giăng hơn 100m lưới bữa đầu tiên, được cả thảy sáu con cá rô, tạm đủ bữa ăn qua ngày cùng vợ và bốn đứa con.
Chiếc xuồng nhỏ của anh, ngang hơn cánh tay, dài chưa đầy thước rưỡi, nằm núp nắng dưới mép bờ ruộng sau nhà. Anh nói: “Đừng có lội xuống ruộng, ngứa dữ lắm. Nước chưa có về nhiều đâu. Toàn nước rạ ngâm phèn không đó”. Anh cho hay, nước ở nơi trũng nhất của cánh đồng vùng này chỉ ngang bụng. Trước đây, anh Gài chở cá linh thuê cho thương lái hoặc chủ vựa cá. Hai năm nay, cá vựa không nhiều, anh đánh lưới cá rô đồng mùa lũ, rồi làm mướn.
An Phú là huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang, còn TP.Hồng Ngự cũng là một trong các địa phương đầu nguồn đón lũ của tỉnh Đồng Tháp. Lúc này, con kênh Trung Ương đang dẫn nước lũ đục ngầu về khắp cánh đồng Hồng Ngự.
Quệt mồ hôi trên trán, anh Bùi Văn Tụ (khóm 1, phường An Bình B, TP.Hồng Ngự) len lỏi dưới con mương sền sệt nước quanh cánh đồng để đặt bốn chiếc lú bắt cá tạp, cá trắng để làm mồi nhử ếch vào ban đêm. Anh Tụ có 1,3ha đất ruộng ngoài đê bao ở phía bên kia kênh, do làm lúa hai vụ nên chỉ vừa đủ ăn. Nhiều năm rồi, nước về mang phù sa không nhiều nên lúa chưa được 700kg/công (khoảng 35 giạ/1.000m2). “Hai năm nay không trúng. Mong nước mang phù sa về. Nước về thì nhẹ phân cho lúa dữ lắm” - anh nói.
Ngồi uống ly trà trong căn chòi giữa đồng An Phong, nhìn ra dãy liếp ớt chỉ thiên vừa xuống bầu, ông Phan Văn Dũng (ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) chép miệng: “Lũ miền Tây giờ khác xưa lắm rồi”. Ông kể, khoảng 10 năm trước, năm nào nước cũng lên ngang lưng quần. Mấy năm nay, đồng cạn hết, có xả đê, nước cũng không lên nổi.
Hạ nguồn vắng cá tôm
Cũng trong những ngày cuối tháng 9, ở cuối nguồn dòng Cửu Long, dọc theo Quốc lộ 61C, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường nam sông Hậu (thuộc các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu), nhiều cánh đồng chỉ xăm xắp nước, nguồn chủ yếu là nước trữ đồng và do trời mưa. Tận dụng lúc nông nhàn, nhiều gia đình đẩy côn, giăng lưới, đặt lú để bắt các loại cá rô đồng, cá lóc, cá trê, cá phi sẵn có trong tự nhiên.
|
Anh Trương Văn Út (xã Vĩnh Thành, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) với mớ cá ít ỏi sau một ngày đặt dớn |
Đã gần chạng vạng, ông Trần Văn Tùng (ấp Mỹ Đông I, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) vẫn chưa chịu dừng tay sau gần bốn giờ đẩy côn bắt cá trên mảnh ruộng có nước ngang bắp vế chân. Ông Tùng đánh bắt cá bằng côn hàng chục năm qua. Côn là dụng cụ gồm hai cây tre gắn chặt vào hai bên thân xuồng, trên thân tre gắn các thanh sắt để ma sát vào mặt ruộng sình, tạo tiếng động. Sau khi thả giàn côn xuống ruộng ngập nước, người đẩy côn quan sát bọt nước, thấy có cá thì dùng nơm bắt.
Mỗi ngày, ông Tùng bắt được từ 3 - 10kg cá, bán giá 30.000-40.000 đồng/kg cá rô đồng, 50.000-70.000 đồng/kg cá lóc, thu được trung bình khoảng 300.000-400.000 đồng. “Nhiều thanh niên đi cả buổi mà có nhiêu cá đâu. Mùa giáp hạt mà gắng được vậy là mừng lắm rồi” - ông nói.
Cách khoảnh ruộng nơi ông Tùng đẩy côn không xa là cánh đồng ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Quới, nước dâng chưa đến đầu gối. Anh Nguyễn Văn Thành cũng đang đẩy côn. Từ sáng đến trưa, anh Thành thu được chưa đến 3kg cá. Đẩy côn mưu sinh hàng chục mùa nước, anh Thành nhận xét, mùa nước nổi ngày càng lạ, nguồn lợi từ con nước cũng vơi dần: “Con nước năm nay đã lên trễ mà cá cũng đâu mất tăm, chỉ có ốc bươu vàng là nhiều, trứng đỏ cả gốc rạ”.
Tôi nhớ câu nói của một lão nông nuôi cá bè ven cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ: “Hơn 20 năm sống trên sông Hậu, tôi thấy dòng chảy đã thay đổi nhiều. Trước đây, vào mùa nước lũ thì nước chảy chỉ một chiều. Bây giờ, dường như mùa nước lũ không còn nữa, mà lúc nào cũng chỉ có nước lớn, nước ròng. Gần đây, tình trạng xâm nhập mặn cũng gần tới nơi này rồi. Cá thiên nhiên về đây rất ít, đặc biệt giờ không còn các loại cá lớn cỡ vài chục ký nữa”.
Chuyển đổi để thích nghi
Ngang dọc cánh đồng bạt ngàn thuộc ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là những con kênh thẳng tắp. Cạnh con kênh T5, mảnh ruộng trồng lúa mùa nổi 6,5ha của ông Nguyễn Văn Nào đang vượt nước xanh rì.
|
Cây lúa mùa nước nổi nơi đầu nguồn sông Cửu Long vẫn đang chờ con nước về |
Vừa đi thăm nước đồng sau cơn mưa về, ông Nguyễn Văn Nào nói: “Nước vẫn ngang ống quyển chân, cây lúa thì cứ chồm chồm vượt rồi. Mong con nước về sớm sớm cho vừa đủ, cây lúa vượt nước tự nhiên, mới mong trúng mùa”. Gia đình ông dự kiến sẽ thu hoạch giống lúa “trời cho” này vào tháng Chạp tới. Hiện 23 xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Lợi đang trồng khoảng trên 125ha lúa mùa nổi.
Hồi năm rồi, ông Nào trồng 1,5ha lúa mùa nổi, cho năng suất 1,2 tấn/ha, giá bán 16.000 đồng/kg. Do không tốn chi phí phân, thuốc, chỉ tốn tiền máy xới, công thu hoạch nên vợ chồng ông lời khoảng 20 triệu đồng.
Sau vụ lúa mùa nổi, vợ chồng ông tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có để đậy đất rẫy, trồng mì. Vụ mì vừa rồi, năng suất đạt 30 tạ/công, giá bán 300.000 đồng/tạ. Trừ chi phí đầu tư giống, nhân công, phân bón khoảng 2,5 triệu đồng/công, vợ chồng ông thu lợi nhuận khoảng 6,5 triệu đồng/công, cao hơn nhiều so với lúa mùa nổi trước đó. “Trồng lúa mùa nổi khỏe lắm, không chăm sóc gì mấy, cho ra hạt gạo tự nhiên, an toàn. Bà con ở đây rất mong phát triển loại lúa này” - ông Nào chia sẻ.
Hộ ông Nào là một trong 32 hộ xã viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Lợi. Mùa lúa năm rồi, chỉ có 17 hộ tham gia hợp tác xã với tổng diện tích khoảng 70ha. Năm nay, số xã viên tăng, tổng diện tích trồng lúa mùa nổi tăng lên 125,2ha. Ông Võ Văn Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã này - cho hay, toàn bộ lúa mùa nổi đều đã được bao tiêu.
Thời điểm này, nông dân ở TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang áp dụng mô hình lúa mùa - cá - vịt. Do là năm đầu áp dụng nên chỉ có bốn hộ tổ hợp tác tham gia. Ông Nguyễn Đức Trung - Tổ trưởng tổ hợp tác mô hình lúa mùa nổi - cá - vịt - cho biết, do làm lúa 2 vụ/năm cho lợi nhuận không cao nên bà con chuyển sang trồng lúa mùa nổi kết hợp chăn nuôi để có lợi nhuận cao hơn. Phải chờ đến kỳ thu hoạch vào cuối năm 2022 mới rõ hiệu quả. “Cái lợi lớn nhất của lúa mùa nổi là nông dân không dùng phân, thuốc hóa học, vừa an toàn, vừa đỡ tốn chi phí” - ông nói.
Tuần trước, tại hội nghị sơ kết vụ thu đông, vụ mùa năm 2022 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 vùng Nam Bộ, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao.
Trao đổi với chúng tôi về mô hình trồng lúa mùa nổi kết hợp nuôi cá đồng, ông Dương Phú Xuân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hồng Ngự - cho biết, đây là hướng đi đúng, phù hợp: “Giờ mà chỉ trồng lúa cao sản đơn thuần thì không “ăn” nữa. Chúng tôi đang nghiên cứu xem loài cá nào ăn ở tầng đáy, loài nào ăn ở tầng mặt để tận dụng hết diện tích đất và nước, tăng nguồn thu. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức ngày hội thu hoạch lúa, cá nhằm tuyên truyền rộng rãi cho nông dân. Khi phát triển mô hình lên hàng trăm, hàng ngàn héc-ta, chúng tôi cũng phải tính đến thị trường tiêu thụ”.
Ông Lê Quốc Điền - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết, toàn tỉnh có 190.000ha lúa, trong đó lúa hữu cơ (như lúa mùa) chỉ chiếm 1%: “Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, nếu chỉ trồng lúa, nông dân cần khoảng 2ha/hộ mới đạt hạng khá, trong khi thực tế, mỗi hộ chỉ có trung bình 0,5ha. Do đó, phải tìm cách để bà con tăng thu nhập với số đất có hạn”.
Tìm cách tăng thu nhập cho nông dân Trong hội nghị sơ kết vụ mùa tuần trước, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đặt câu hỏi với lãnh đạo sở nông nghiệp các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ: “Chúng ta nói môi trường, chúng ta nói về biến đổi khí hậu, còn nông dân nghĩ gì, cần gì, cụ thể là về thu nhập?”. Ông dẫn lại câu nói của một lão nông ở xã biên giới Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp: “Chỉ cần lúa có giá, nông dân sẵn sàng ra đồng ngủ để giữ lúa. Giá lúa thấp thì nông dân sẽ bỏ ruộng”. Ông nói, đó chính là mất an ninh lương thực. Theo ông, có ba điều mà nếu cán bộ ngành nông nghiệp không hiểu được thì rất khó để vận hành. Đó là chiến lược, quy hoạch, kế hoạch: “Sẽ mâu thuẫn khi càng cơ giới hóa, hiện đại hóa thì nông dân càng ở không, rồi phải đi làm thuê ở các tỉnh, thành khác. Đừng coi thu nhập của nông dân trên một diện tích gieo trồng là phụ. Phải coi đó là một nghề. Mục tiêu của nông nghiệp thông minh là giúp nông dân rảnh tay để làm thứ khác, có nhiều tiền hơn”. Theo ông, mọi sự thay đổi phải từ cấp cơ sở. |
Từ Nhân