|
UBND tỉnh An Giang cam kết tăng cường khai thác cát sông để phục vụ cho các dự án làm đường cao tốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Huỳnh Lợi |
Nguồn cung nhỏ giọt
Ông Nguyễn Duy Lâm - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho hay, từ nay đến năm 2025, nhiều dự án xây đường cao tốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được triển khai cùng lúc, kéo theo nhu cầu cát đắp nền vô cùng lớn. Riêng 4 dự án đường cao tốc gồm Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh cần khoảng 47,81 triệu m3 cát.
Đến nay, chính quyền các địa phương ở vùng ĐBSCL đã cấp 64 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3, công suất khai thác khoảng 17 triệu m3/năm, trong đó có 14 triệu m3 cát san nền. Qua khảo sát, trữ lượng cát san lấp hiện nay chỉ còn khoảng 37 triệu m3 trong khi một số giấy phép đã hết hạn, một số không được gia hạn, chất lượng cát của một số mỏ không đạt cho việc đắp nền đường.
Gần đây, qua khảo sát, các đơn vị chuyên môn ghi nhận 24 mỏ cát ở ĐBSCL có chất lượng đạt tiêu chuẩn để san lấp. Cơ quan chức năng đã đề xuất tăng công suất khai thác của các mỏ này thêm 50% trong 2 năm nhằm khai thác được thêm 6,17 triệu m3 cát phục vụ cho việc làm đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nhưng số này cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu.
Để có 18,5 triệu m3 cát san nền đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT đã đề nghị UBND tỉnh An Giang cấp 7 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp 7 triệu m3 và tỉnh Vĩnh Long 5 triệu m3 nhưng đến nay, UBND tỉnh An Giang chỉ hứa cấp 1,1 triệu m3, UBND tỉnh Đồng Tháp hứa cấp 1,9 triệu m3, UBND tỉnh Vĩnh Long vẫn đang tìm mỏ cát.
Ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - cho hay, nguồn cát ở tỉnh này ngày càng giảm, bờ sông lại đang bị sạt lở nên địa phương phải tăng cường kiểm soát việc khai thác cát. Ngoài ra, chất lượng cát của một số mỏ không đáp ứng yêu cầu đắp nền đường. “Tuy nhiên, trước nhu cầu bức thiết về cát để làm đường cao tốc, UBND tỉnh sẽ nỗ lực tìm nguồn” - ông nói.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang rất lo lắng do đã bàn giao 89% mặt bằng dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, hơn 88% mặt bằng dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau và đang triển khai thi công nhưng lại thiếu trầm trọng cát san lấp.
Các tỉnh cần chia sẻ vật liệu san lấp
Để sớm có nguồn cát làm đường cao tốc, Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị UBND các tỉnh ĐBSCL rà soát, khẩn trương nâng 50% công suất ở những mỏ có cát đạt chất lượng.
|
Từ nay đến năm 2025, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long triển khai rất nhiều dự án giao thông, nhu cầu cát san lấp rất lớn - Ảnh: Huỳnh Lợi |
Theo ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) - ở vùng ĐBSCL, ngoài tỉnh An Giang và Đồng Tháp, 9 tỉnh khác đã cấp giấy phép thăm dò 30 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 39 triệu m3 đất và cát. Số lượng này đủ để đáp ứng nhu cầu của những dự án làm đường cao tốc trong vùng. Do đó, cần tính toán tiến độ khai thác toàn vùng và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, điều tiết lượng cát cần khai thác của từng địa phương để cung ứng hợp lý cho các dự án.
Theo Bộ TNMT, qua thăm dò, có khoảng 34 triệu m3 đất ở tỉnh Long An có thể dùng đắp nền nhưng cần Bộ GTVT thẩm định lại. Bên cạnh đó, cần xem xét các mỏ đá ở tỉnh An Giang và nguồn cát biển ở tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng theo quy hoạch với trữ lượng khoảng 13,9 tỉ m3.
Ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - thông tin: “UBND tỉnh đã cấp 6 giấy phép khai thác mỏ đá với trữ lượng hơn 21 triệu m3. Tỉnh An Giang có khá nhiều mỏ đá nhưng quan điểm của UBND tỉnh là không khai thác quá mức, nhằm bảo vệ môi trường và cảnh quan. Dù vậy, do nhu cầu cấp thiết của các dự án trọng điểm, nếu các đơn vị chuyên môn cần, UBND tỉnh sẽ tính toán để có mức hỗ trợ hợp lý”.
Ông nói thêm, UBND tỉnh đã cấp 15 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng 19 triệu m3, trong đó ưu tiên cung ứng cát cho các dự án trong tỉnh và bố trí hơn 9 triệu m3 cho dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tới đây, UBND tỉnh sẽ nâng công suất khai thác ở các mỏ đang hoạt động, tính toán cấp phép cho các mỏ mới, xem xét các mỏ dự phòng và kiến nghị Bộ TNMT hỗ trợ việc đánh giá tác động của việc khai thác quá nhiều trong thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Văn Được - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An - cho rằng, lượng đất của tỉnh chủ yếu phục vụ các công trình của địa phương và sản xuất gạch. Do trữ lượng dồi dào, chính quyền tỉnh sẵn sàng hỗ trợ đất cho dự án cao tốc. Vấn đề là các bộ, ngành chuyên môn cần có đánh giá về tiêu chuẩn, chất lượng đất, giá cả, điều kiện khai thác và vận chuyển.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến nguồn vật liệu san lấp cho các dự án làm đường cao tốc ở ĐBSCL. Nếu các địa phương cùng chung sức thì nguồn vật liệu hiện có thừa sức cung cấp cho 4 dự án xây đường cao tốc ở ĐBSCL. Ông đề nghị Bộ GTVT đưa ra tiêu chuẩn chất lượng đối với cát biển, đất và đá dùng để san lấp nền đường cao tốc, đồng thời lập biểu đồ chi tiết nhu cầu từng loại vật liệu san lấp cho từng năm, giá cả; Bộ TNMT thống kê lại trữ lượng các mỏ cát sông, cát biển, mỏ đá và đất ở ĐBSCL, phân bổ thời gian khai thác hợp lý theo nhu cầu của các dự án.
Ông cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành nhanh chóng nâng công suất khai thác mỏ cát hiện tại thêm 50%, tăng công suất khai thác mỏ đá và đất 200%, xem xét cấp lại giấy phép khai thác cát ở những mỏ đã hết hạn, khảo sát những mỏ dự phòng, đưa vào hoạt động các mỏ mới phục vụ cho các dự án xây đường cao tốc, không để xảy ra sốt giá vật liệu san nền.
Các công trình trọng điểm của TPHCM có nguy cơ thiếu cát Ngày 14/3, liên hệ với một công ty chuyên cung cấp cát đóng trụ sở ở quận Bình Thạnh, TPHCM, chúng tôi được biết, cát san lấp có giá 330.000 đồng/m3. Nhân viên công ty cho biết, giá sỉ hay lẻ đều như nhau do cát san lấp đang khan hiếm khắp nơi. Ông Trần Đình Vương - Phó giám đốc một công ty thiết kế và xây dựng có trụ sở ở TPHCM - cho hay, cát san lấp thường được chia thành nhiều loại (thông thường là 3 loại) tùy vào độ sạch của cát. Cách đây khoảng 2 năm, cát san lấp loại 1 (tạp chất dưới 10%) có giá bán lẻ khoảng 200.000 đồng/m3. Từ năm ngoái đến nay, giá cát ngày càng tăng do khan hiếm cát. Không chỉ thiếu cát san lấp cho các công trình dân dụng, các công trình trọng điểm của TPHCM cũng có nguy cơ thiếu cát. Mới đây, báo cáo về dự án xây dựng đường Vành Đai 3 qua TPHCM, Sở GTVT TPHCM đã đề cập tình trạng khan hiếm vật liệu, nhất là đất, cát đắp nền đường. Đường Vành Đai 3 có tổng chiều dài 76km, đi qua TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương khởi công các dự án thành phần trước ngày 30/6/2023. Dự kiến, việc xây dựng đường Vành Đai 3 đoạn qua TPHCM cần hơn 14,8 triệu m3 vật liệu, trong đó có hơn 1,6 triệu m3 đất đắp nền, hơn 7,2 triệu m3 cát đắp nền, gần 1,5 triệu m3 cát xây dựng và 4,4 triệu m3 đá xây dựng. Theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, qua khảo sát và làm việc với lãnh đạo các địa phương trong vùng, nguồn vật liệu xây dựng đang khan hiếm, khó cung cấp đúng theo tiến độ dự án này. Sơn Vinh |
Huỳnh Lợi