Ngay cửa ngõ nối liền TP.HCM với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cầu Bình Điền (H.Bình Chánh, TP.HCM) trên Quốc lộ 1 như “nút thắt cổ chai”, là một trong những điểm đen nhất về ùn tắc giao thông. Nhiều năm qua, vào dịp lễ tết, từ cửa ngõ này men theo Quốc lộ 1 về các tỉnh miền Tây Nam bộ, đặc biệt là đoạn từ TP.HCM đến cầu Mỹ Thuận (tỉnh Vĩnh Long), đã trở thành “con đường đau khổ” với cảnh xe cộ xếp hàng phơi nắng, không nhích nổi. Vì sao con đường huyết mạch của quốc gia, khi về miền Tây, lại thường xuyên “nghẽn mạch”?
100km, đi mất nửa ngày
Những ngày qua, người dân sống dọc Quốc lộ 1 đoạn qua H.Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long phải chống chọi với bao cơn mưa bụi khi đường được nâng nền lên 1m nhằm chống ngập. Hàng dài ô tô ì ạch nối đuôi nhau qua đoạn đường vẫn còn đang thi công dang dở. Đây chính là điểm chống ngập Quốc lộ 1 đầu tiên ở miền Tây Nam bộ được triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 12/2019.
|
Miền Tây vẫn còn nhiều nơi sử dụng phà - phà Đại Ngãi kết nối Quốc lộ 60 |
Hàng chục năm qua, đây là điểm ngập trường kỳ, nước dâng hơn nửa mét mỗi đợt triều cường. Hình ảnh thường thấy nhất ở đây là nhiều học sinh buộc phải gửi lại xe đạp ở trường, xắn quần lội bì bõm để về nhà ăn bữa cơm chiều muộn…
Những đoạn Quốc lộ 1 đi qua tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu ngập nước cũng không còn là hình ảnh xa lạ… Đến tỉnh Cà Mau, từ trung tâm thành phố, muốn đến Đất Mũi - vị trí cực nam trên đất liền của Tổ quốc, điểm cuối của đường Hồ Chí Minh - du khách phải mất nửa ngày trời, dù đoạn đường chỉ dài hơn 100km.
Còn nhớ, năm 1997, khi tỉnh Cà Mau được tái lập, Quốc lộ 1 chỉ dừng lại ở chợ Cà Mau. Đoạn đường dài 110km nối TP.Cà Mau đến điểm cuối cùng của Tổ quốc phải đi bằng đường thủy. Cũng vào lúc đó, tại Cà Mau, từ trung tâm tỉnh lị, muốn đi về bất cứ huyện trực thuộc nào, cũng chỉ bằng vỏ lãi, xuồng tam bản, ca-nô... Mãi đến năm 2016, cung đường bộ cuối cùng dài 50km của đường Hồ Chí Minh từ thị trấn Năm Căn đến chót mũi Cà Mau mới được khánh thành, hiện thực hóa giấc mơ truyền đời của người dân Đất Mũi.
Mừng ở con đường “mặt tiền” là vậy, nhưng cũng ở cái hướng về miệt thứ này, có một nơi mà người Cà Mau hay gọi là “ngã ba Chia Tay”: ngả về Đá Bạc (H.Trần Văn Thời), ngã rẽ H.U Minh. Đó là cái ngã ba đường loang lổ đất, nhiều ổ voi, chi chít ổ gà đang được gấp rút thi công. Những đứa trẻ ở ấp Đá Bạc ngày ngày vẫn phải đò giang cách trở sang trường bên trung tâm xã để có thể vào lớp học. Và những học sinh lội bùn đất, băng sông, vượt kênh rạch hiện tại vẫn còn nguyên hình ảnh thường thấy ở xứ này.
Theo một công bố mới đây của Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải), các tuyến quốc lộ xuyên qua các tỉnh miền Tây Nam bộ hiện còn 37 điểm và đoạn ngập, đường hư hỏng nặng. Đặc biệt, trong đó, Quốc lộ 1 lại chiếm đến 26 điểm.
Một thống kê gần đây cho thấy, tính đến năm 2018, tổng chiều dài đường bộ hiện có ở đồng bằng sông Cửu Long tính ra đã gấp hơn hai chục lần chiều dài của Quốc lộ 1 (khoảng 2.300km). Tuy nhiên, “không giải quyết hạ tầng giao thông, đồng bằng sông Cửu Long không bao giờ phát triển được” - đó là phát biểu đầy trăn trở gần đây của một lãnh đạo TP.Cần Thơ.
Thực tế cho thấy, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công từ năm 2009, đến nay vẫn ngổn ngang. Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn đang chọn nhà đầu tư. Ngay như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành nối miền Tây với miền Đông Nam bộ, được khởi công từ năm 2014, cũng liên tục bị chậm tiến độ.
|
Đường về U Minh |
Nỗi ám ảnh dai dẳng
Mốc tọa độ GPS-0001 ở xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - điểm du lịch thu hút bao du khách bởi đây là vị trí cực nam trên đất liền của Tổ quốc, như Cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang) là cực bắc, A Pa Chải (H.Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là cực tây, Mũi Đôi (H.Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) là cực đông.
Thế nhưng, từ trung tâm TP.Cà Mau, để đến được mốc tọa độ GPS0001 - điểm cuối của đường Hồ Chí Minh ở xã Đất Mũi - du khách phải mất nửa ngày trời. Người phương xa thích ngao du sông nước thì mua vé tàu cao tốc, chi phí cao hơn vì chỉ đến được chợ xã. Dân “phượt” bằng xe máy, dù theo nhóm, cũng ít ai dám đi vào ban đêm, vì đường đầy ổ gà sâu hoắm, lỡ sụp té, “chết là chắc”.
Trưa 27/10 tại cầu Rạch Miễu (Quốc lộ 60) nối liền hai tỉnh Bến Tre - Tiền Giang, tai nạn giao thông làm một phụ nữ chết tại chỗ. Chiếc xe cứu thương mang biển số 84 của tỉnh Trà Vinh nằm chết gí bên kia đầu cầu, dù tài xế cho phát tín hiệu ưu tiên liên tục trong vô vọng. Nhiều giờ sau đó, ùn tắc giao thông tại khu vực trên vẫn chưa được vãn hồi dù lực lượng cảnh sát giao thông đã phải vất vả hướng dẫn, điều tiết các phương tiện.
Suốt thời gian qua, khu vực cầu Rạch Miễu thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn thương tâm, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông dày đặc, trong khi mặt đường, mặt cầu Rạch Miễu lại quá chật hẹp…
“Dù ngắn hơn gần 40km nhưng tôi chỉ đi Quốc lộ 60 một lần thôi là “tởn” vì kẹt xe, mặt đường nhiều đoạn quá xấu. Giờ tôi đi theo Quốc lộ 53 lên Quốc lộ 1 thì nhiều đoạn cũng kẹt xe liên miên, như ở H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long; H.Cái Bè, Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Có hai đường đi nhưng thật ra cũng chẳng có hướng chọn lựa nào tốt hơn. Chi phí xăng dầu tăng lên nên chỉ đủ sống tạm qua ngày” - anh Nguyễn Văn Quốc, ngụ tại H.Càng Long, tỉnh Trà Vinh, tài xế xe tải chở nông sản thuê lên TP.HCM, ngao ngán.
Được biết, Quốc lộ 60 là một trong những tuyến giao thông huyết mạch tại đồng bằng sông Cửu Long. Con đường này góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho Quốc lộ 1, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản cho nhiều tỉnh như Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang…
|
Ngập trên Quốc lộ 1A đoạn đi qua tỉnh Vĩnh Long |
Mới đây nhất, vào tháng 10/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất bố trí vốn cho dự án cầu Rạch Miễu 2, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét vốn chuẩn bị đầu tư xây dựng cây cầu này. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là rất cần thiết để tăng khả năng lưu thông, giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện tại.
Cầu Rạch Miễu 2 dự kiến có tổng chiều dài 17,6km, trong đó phần đường dẫn dài 15,2km, phần cầu vượt sông Tiền dài 1,9km, phần cầu vượt sông Mỹ Tho dài 530m. Tổng mức đầu tư dự án này giai đoạn 1 là 4.662 tỷ đồng và giai đoạn hoàn chỉnh là 5.485 tỷ đồng. Và dự án trên, hiện tại vẫn chỉ là… dự án.
Nhìn tổng quát, hạ tầng giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long hiện tại như một bức tranh loang lổ, dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như khai thác tiềm năng của vùng đất này. Mặt hạn chế đó đã khiến chi phí vận chuyển cao, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến bao hộ gia đình nông dân, đến cuộc sống của từng cá nhân như tài xế Nguyễn Văn Quốc.
Có ai đó nói rằng, để phát triển một vùng đất thì hãy xây dựng một con đường. Và, miền Tây Nam bộ đã có một con đường: đường nghẽn mạch.
Có diện tích hơn 4 triệu héc-ta, đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, có dân số gần 20 triệu người, đóng góp 20% GDP của cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản và 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của vùng khoảng 17-18 triệu tấn, trong đó có gần 80% khối lượng hàng hóa của vùng phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu khiến chi phí vận tải cao hơn từ 10-40%. Thu nhập của người dân đồng bằng sông Cửu Long khoảng 40 triệu đồng/người/năm, thấp hơn mức thu nhập bình quân của cả nước (48 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học hiện không đi học chiếm 13,3%. |
Từ Nhân