Miền Tây có múa rối nước

21/03/2024 - 08:28

PNO - Dạo này, du khách đến Bến Tre rất ngạc nhiên và yêu thích múa rối nước với các con rối mặc áo bà ba, quấn khăn rằn, hay nói vè và còn biết ca cải lương. Loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng đã có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long với sự tiên phong của đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh (tỉnh Bến Tre).

Duyên kỳ ngộ

Theo học ngành bảo tàng học tại TPHCM, một lần, Phạm Tấn Vũ (sinh năm 1990) đến tham quan Bảo tàng Lịch sử TPHCM và bắt gặp sân khấu múa rối nước (điểm diễn thường trực của đoàn rối Rồng Phương Nam - nhà hát nghệ thuật Phương Nam). Bị những con rối làm trò trên mặt nước “hút hồn”, Tấn Vũ chợt nảy ý tưởng: “Sau này, nếu có cơ hội, mình sẽ đưa loại hình nghệ thuật rất hay này về Bến Tre”.

Một tiết mục của đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh - Nguồn ảnh: Đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh
Một tiết mục của đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh - Nguồn ảnh: Đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh

Cái duyên với rối nước thực sự đến với Vũ vào năm 2018, khi anh gặp nghệ nhân Nguyễn Tiến Hòa (sinh năm 1957) đang công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre. 2 chú cháu nói chuyện rất “hợp rơ”, Vũ phát hiện chú Hòa từng học múa rối ở Hà Nội, từng mở đoàn rối ở Bến Tre.

Năm 1988, ông Nguyễn Tiến Hòa đã lặn lội ra tận Hà Nội “học nghề” từ các nghệ nhân nổi tiếng. Ông học cách biểu diễn, kỹ thuật điều khiển, chế tác con rối lẫn viết kịch bản, dàn dựng tiết mục. Với tất cả kiến thức thu được, nghệ nhân Nguyễn Tiến Hòa đã mở đường đưa múa rối nước về Bến Tre. Tuy nhiên, đoàn chỉ có thể duy trì khoảng vài năm rồi giải thể.

Gặp được người “chung chí hướng”, Phạm Tấn Vũ liền đề nghị nghệ nhân Nguyễn Tiến Hòa cùng mình đưa rối nước trở lại Bến Tre. Tấn Vũ sẽ đầu tư, quản trị, lo “vòng ngoài”. Nghệ nhân Nguyễn Tiến Hòa phụ trách nghệ thuật, từ tìm kiếm, làm con rối đến đạo diễn các tiết mục.

Ban đầu, đoàn đặt con rối từ Hà Nội, vẫn dựa trên nền tảng múa rối nước lâu đời của miền Bắc. Sau đó, dần dần cải biên để con rối mang dáng dấp Nam Bộ, đưa câu hò điệu lý miền Tây, bài bản cải lương vào tiết mục biểu diễn.
Kịch mục của đoàn cũng phong phú dần, có trò cổ trên nền tảng văn hóa Bắc Bộ lẫn tiết mục mang dấu ấn Nam Bộ. Điển hình như múa gáo dừa và trích đoạn Lục Vân Tiên đánh Phong Lai cứu Kiều Nguyệt Nga (30 phút) mang đậm bản sắc vùng đất Bến Tre, hiện là các tiết mục “đinh” của đoàn. “Đoàn còn có Sự tích chú Cuội, Táo quân, Thánh Gióng… và vẫn đang xây dựng, hoàn thiện các tiết mục để không trùng lắp với các đơn vị bạn ở các tỉnh, cũng để có cái đặc trưng cho mình. Hiện, chúng tôi đã tự làm con rối cho những kịch bản của chính mình” - Tấn Vũ cho biết.

Ngày 6/8/2019, đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh - đoàn rối nước duy nhất của miền Tây Nam Bộ - chính thức ra mắt và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Bến Tre, các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành, cũng như nhiều trường học ở tỉnh.

Tiếng lành đồn xa, ngoài biểu diễn phục vụ học sinh tại các trường học và phục vụ du lịch, đoàn cũng trở thành khách mời của nhiều lễ hội, sự kiện lớn tại các tỉnh thành miền Tây, như: kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (An Giang), lễ hội đường phố Vui hội trăng rằm (Tiền Giang), kỷ niệm 200 năm ngày sinh, ngày mất danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre)… Đến nay, đoàn đã phục vụ hơn 80.000 lượt khách không chỉ riêng Bến Tre mà còn ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long…

Chặng đường còn dài

Chia sẻ về những khó khăn phải đối mặt, Phạm Tấn Vũ cho biết, vấn đề đầu tiên và nan giải nhất là lực lượng diễn viên. “Cho đến bây giờ vẫn rất khó. Ban đầu toàn nhờ người quen giới thiệu vô tập thử, tập thấy thích thì các bạn gắn bó với mình luôn. Công đoạn này rất vất vả vì toàn là tay ngang, gần như không biết gì về rối nước. Được chú Tiến Hòa trực tiếp hướng dẫn, sau đó, các bạn tự mày mò, xem trên mạng để học hỏi thêm” - Vũ nói.

Nghệ nhân Nguyễn Tiến Hòa chỉ đạo dàn dựng các tiết mục của đoàn Dừa Xanh hiện nay - Ảnh: Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Dừa Xanh.
Nghệ nhân Nguyễn Tiến Hòa chỉ đạo dàn dựng các tiết mục của đoàn Dừa Xanh hiện nay - Ảnh: Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Dừa Xanh.

Hiện đoàn có khoảng 20 diễn viên trong đó có 5 bạn nữ. Người là giáo viên, kỹ sư, công tác ở ngành văn hóa, có người vốn làm nghề tự do…, đến với rối nước vì đam mê. Đây vẫn là nghề tay trái của nhiều người nên việc sắp xếp lịch tập, lịch diễn cũng không dễ dàng.

Tuy nhiên, Phạm Tấn Vũ rất tự tin và quyết tâm phát triển rối nước tại Bến Tre. Xa hơn, Vũ mong muốn góp phần đa dạng hóa đời sống tinh thần của người dân Bến Tre, nhất là các em học sinh, bà con ở vùng sâu vùng xa vẫn còn thiếu thốn điều kiện giải trí. “Tôi thấy mình vẫn đi đúng hướng. Không chỉ người dân Bến Tre mà người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng cảm thấy thú vị, thích thú khi xem rối nước” - Tấn Vũ chia sẻ.

“Tham gia Liên hoan Múa rối TPHCM vừa rồi, thấy đủ các loại hình rối thực sự rất hấp dẫn. Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư thêm các loại hình rối cạn để tiếp tục tạo ra sản phẩm văn hóa mới cho người dân Bến Tre và đồng bằng sông Cửu Long” - Phạm Tấn Vũ nói.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI