Không tuyển nổi 50% chỉ tiêu
Việc Bộ GD-ĐT đặt ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (phải đạt 17 điểm) đối với các trường đại học (ĐH) sư phạm đã khiến không ít trường điêu đứng vì không tuyển được sinh viên. Tại hội nghị hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ĐH và trường sư phạm do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, giáo sư Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho hay có nhiều trường sư phạm không tuyển nổi 50-60% chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh 2018.
Ở các khu vực miền núi phía Bắc, thí sinh trúng tuyển đếm trên đầu ngón tay. Điều này mâu thuẫn với tình trạng thiếu giáo viên từ nay đến năm 2021. Ông cho rằng, phải tính toán như thế nào để vẫn bảo đảm chất lượng đầu vào cho các trường sư phạm song còn phải tính đến yếu tố chọn lựa người say mê nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) sư phạm tuyển đạt 76,84% chỉ tiêu, nhưng khoảng 30% thí sinh trúng tuyển không nhập học. Điều này cho thấy trường sư phạm đã không tuyển đủ chỉ tiêu mà đến cả người trúng tuyển cũng quay lưng.Đó là câu chuyện dài đã được dự báo từ trước nhưng dường như bộ chủ quản vẫn chỉ lo phần ngọn của vấn đề.
|
Thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm chỉ có thể bằng cách chăm lo đời sống, chính sách lương giáo viên |
Hôm nay chạy theo sửa chính sách tuyển sinh này, ngày mai lại nghĩ ra giải pháp nọ thì ngành sư phạm vẫn sẽ không tuyển sinh được. Bởi vì gốc rễ của vấn đề là ngành này đã mất sức hút. Việc làm ở đầu ra thiếu hấp dẫn, lương thấp, nhiều áp lực. Vậy thì khi làm chính sách, bộ phải “bốc thuốc” đúng chỗ mới mong cắt được bệnh.
Nhiều ý kiến cho rằng quy hoạch hệ thống các trường sư phạm cũng là giải pháp để cải thiện đầu vào. Cả nước hiện có hơn 100 cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm (14 trường ĐH, 33 CĐ và 2 trung cấp). Không ít trường gặp khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo chồng chéo, chất lượng chưa đồng đều...
Miễn học phí là giải pháp lỗi thời
Khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới thì các địa phương rất cần đội ngũ giáo viên giỏi. Muốn vậy, cần đặt ra yêu cầu nhưng phải có điều kiện. Điều kiện ở đây là bảo đảm đầu ra cho sinh viên sư phạm. Chính sách miễn học phí đã không còn đủ sức thuyết phục để thu hút học sinh giỏi vào trường.
Bởi hiện nay, người học sẵn sàng đầu tư học phí miễn nhìn thấy tương lai của ngành nghề, đầu ra có việc làm, mức lương, môi trường làm việc tốt. Nếu không làm tốt được những điều này thì khó có thể thu hút học sinh giỏi đầu quân vào các trường sư phạm.
Thực tế, việc đầu tư ngân sách cho sinh viên ngành sư phạm trong thời gian qua chưa gắn với trách nhiệm người thụ hưởng. Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm áp dụng từ năm 1998 đã bộc lộ hạn chế, lỗi thời.
Nếu nhìn tổng thể bức tranh sinh viên sư phạm ra trường khó tìm kiếm việc làm với nguồn đầu tư cho chính sách cấp bù để miễn học phí sẽ thấy sự lãng phí không hề nhỏ. Vì vậy, các trường sư phạm đề xuất phải hướng đến chính sách đầu ra về lương giáo viên thay cho chính sách miễn học phí.
Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhiều lần nhấn mạnh: cần nhanh chóng bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm vì chính sách này gây nhiều lãng phí. Rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp hoặc không phục vụ ngành sư phạm. Không phải vì miễn học phí mà thu hút được học sinh giỏi, thậm chí còn gây ra tác dụng ngược.
Theo ông Dũng, cho vay tín dụng sư phạm có ưu điểm hơn so với việc miễn học phí. Nếu ra trường làm trong ngành sư phạm thì sẽ hoàn trả cho sinh viên, còn nếu làm ngoài ngành thì sinh viên phải hoàn trả lại. Nhưng về lâu dài, cần phải tính đến việc chăm lo đời sống, chính sách lương giáo viên... mới có thể thu hút được người giỏi theo học ngành sư phạm.
Ở nhiều nước trên thế giới không có chính sách tài chính riêng cho sinh viên ngành sư phạm như nước ta. Thay vào đó, họ có chính sách cho sinh viên tất cả các ngành, được tham gia tín dụng với lãi suất thấp, học bổng… Để thu hút người giỏi trở thành giáo viên, những nước Hàn Quốc, Phần Lan, Singapore… chọn cách trả lương rất cao cho giáo viên và vì thế họ có thể đưa ra các tiêu chí tuyển sinh gắt gao. Người giỏi vẫn đua nhau vào ngành sư phạm vì chính sách “hậu mãi” quá hấp dẫn.
Làm trong ngành giáo dục được miễn trả nợ vay
Chính phủ vừa công bố dự thảo nghị định quy định chính sách tín dụng và hoàn trả khoản vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Nghị định này áp dụng với người theo học ngành đào tạo giáo viên tại các trường trung cấp, CĐ, ĐH và các cơ sở đào tạo được phép đào tạo giáo viên.
Theo đó, người học sư phạm sẽ được hưởng chính sách tín dụng sư phạm, tức cho vay để hỗ trợ chi trả chi phí đào tạo phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt trong toàn khóa học. Cụ thể: mức vay bằng mức học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên học; chi trả chi phí sinh hoạt cá nhân trong thời gian đào tạo, tối đa 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên và thời gian vay không quá 10 tháng/năm học với lãi suất 0,5%/tháng.
Sinh viên ra trường làm trong ngành sư phạm tối thiểu 5 năm sẽ không phải hoàn trả khoản vay tín dụng sư phạm. Trong vòng hai năm từ khi tốt nghiệp mà không công tác trong ngành mới phải hoàn trả khoản vay. Nếu học sinh, sinh viên sư phạm không làm việc trong ngành giáo dục phải trả 100% khoản vay tín dụng và lãi suất của khoản vay.
|
Tiêu Hà