Miễn học phí khó đảm bảo chất lượng giáo dục THCS

24/08/2018 - 15:20

PNO - PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng, dù đã miễn học phí cấp tiểu học nhưng trường lớp cho khu vực miền núi vẫn chưa đảm bảo. Nếu tính không thu học phí với cấp THCS, có thể gây khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng

Miễn phí phải đi đôi với chất lượng

Mien hoc phi kho dam bao chat luong giao duc THCS
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan đề nghị cần đi đôi việc miễn học phí và chất lượng đào tạo

Tại Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức sáng 24/8, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thanh thiếu niên, Nhi đồng, đề xuất: cần phải tính toán kỹ vấn đề miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi tới  cấpTHCS tại các trường công lập. Đây là đề xuất được bổ sung vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và được Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương cách đây vài ngày.

Theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, chính sách thu học phí cần phải dựa vào khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước. Có một thực tế là vừa qua, Việt Nam đã tiến hành miễn học phí đối với cấp học tiểu học. Tuy nhiên, việc phổ cập tiểu học vẫn chưa đi đôi với chất lượng đào tạo. Vấn đề trường lớp, cơ sở vật chất ở khu vực miền núi vẫn còn là vấn đề đáng bàn.

“Muốn không thu học phí tới cấp học THCS, chúng ta phải tính kỹ, nếu không sẽ rất khó khăn cho các trường phổ thông bảo đảm chất lượng. Miễn phí phải đảm bảo được cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục”, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh.

Do đó, vị chuyên gia này kiến nghị nên áp dụng tính đúng, tính đủ để xác định mức thu học phí của từng đối tượng; đảm bảo chi thường xuyên cho cơ sở vật chất. Nếu quy lại tất cả ở mức thấp thì chỉ đảm bảo nhu cầu cần thiết.

Bên cạnh đó, bà Tâm Đan cũng đặt vấn đề, nếu phổ cập không thu học phí thì phải xác định được thời gian áp dụng là khi nào, cần ghi hẳn vào vào luật chứ không ghi chung chung để “chính phủ quy định lộ trình thực hiện như trong” như trong dự thảo.

Hỗ trợ học phí cho cơ sở giáo dục ngoài công lập: Chẳng để làm gì!

Ngoài miễn phí cho học sinh từ 5 tuổi tới THCS của các trường công lập, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) còn đề xuất hỗ trợ một phần nhóm đối tượng học sinh này thuộc các trường tư thục và dân lập. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc làm không cần thiết, nhất là trong bối cảnh ngân sách quốc gia còn hạn hẹp như hiện nay.

Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, về nguyên tắc, tất cả các trường học, cấp học, bậc học, loại hình trường học công và tư đều phải thực hiện đủ thu, chi. Với các trường tư thục, Nhà nước không cấp ngân sách, học phí và nguồn xã hội hóa được tự thỏa thuận với người học để đảm bảo đủ chi.

“Mỗi năm, nhà nước có thể hỗ trợ một gia đình một học sinh 5 triệu đồng. Điều này chẳng đề làm gì. Bởi một năm họ sẵn sàng đóng cho con em mình trên dưới 100 triệu đồng”, thầy Nguyễn Xuân Khang lấy ví dụ.

Hiệu trưởng trường Marie Curie cho rằng, những ai có điều kiện để học trường tư thì Nhà nước không phải lo, Nhà nước chỉ cần tập trung cho những người chưa đủ điều kiện để học ở khu vực này.

Chính sách không vẽ ra tiền cho giáo viên

Để cải cách chính sách lương đối với nhà giáo, tại Hội nghị, đi ngược lại ý kiến số đông, cần ưu tiên lương nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng: “chính sách không vẽ ra được tiền”.

Theo thầy Khang, điều quan trọng là cải thiện năng suất lao động để tạo ra của cải vật chất. “Cũng như các ngành khác, ngành giáo dục phải cơ cấu lại hệ thống các trường công lập, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, giảm biên chế thừa, cho nghỉ việc những người năng lực yếu kém… Làm được việc này năng suất lao động sẽ tăng, lương nhà giáo sẽ tăng. Không cần chính sách ưu đãi kiên cường nào khác”.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề khó nhưng phải làm, là cần bỏ biên chế vĩnh viễn trong ngành giáo dục, để người lao động nâng cao năng lực và phẩm chất, khắc phục tình trạng ỷ lại, ăn bám, dựa dẫm...

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI