Miễn học phí cho con giáo viên: "Thầy cô không mong muốn có sự hỗ trợ này"

11/10/2024 - 06:16

PNO - Tại dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, từ mầm non đến đại học. Ưu đãi tưởng chừng nhân văn này đang gặp phải thắc mắc của dư luận: như vậy có công bằng?

Nhiều giáo viên không đồng tình

Khi nghe đề xuất miễn giảm học phí cho con của giáo viên, cô B.N. - giáo viên tại một trường tiểu học ở quận Tân Phú, TPHCM - hoàn toàn không đồng ý. Theo cô, việc này là thiếu công bằng trong giáo dục. Đóng tiền học phí để con đi học là trách nhiệm của phụ huynh. Giáo viên cũng giống những phụ huynh làm những ngành nghề khác.

Cô N. chia sẻ thêm, hiện giáo viên đã nhận được khá nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước và địa phương. Ví dụ, tính theo hệ số, giáo viên mới ra trường đã có mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Riêng ở TPHCM, giáo viên còn nhận được hỗ trợ từ Nghị quyết 08 của HĐND thành phố, mỗi tháng có thêm khoảng 5-6 triệu đồng.

Giáo viên tiểu học (và mầm non) cả nước cũng được hưởng 35% (với giáo viên THCS là 30%) phụ cấp ưu đãi từ Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là đãi ngộ mà chỉ giáo viên mới có. Chưa kể, tùy theo từng trường học khác nhau, giáo viên có con đang theo học tại trường mình đang giảng dạy cũng được trường giảm hoặc miễn học phí.

Giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TPHCM) trong một tiết dạy môn địa lý - ẢNH MINH HỌA: TRANG THƯ
Giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TPHCM) trong một tiết dạy môn địa lý - ẢNH MINH HỌA: TRANG THƯ

Cô T.H. - giáo viên tiểu học ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội - cho hay: “Tôi là giáo viên mới vào nghề được 2 năm. Hiện lương của tôi (đã gồm phụ cấp ưu đãi) được 6,8 triệu đồng/tháng. Tính cả tiền dạy buổi chiều và tiền trông bán trú, thu nhập của tôi cũng được 15-16 triệu đồng/tháng.

Tôi từng có 10 năm làm công nhân ở khu công nghiệp. Mức lương lúc đó là hơn 5 triệu đồng/tháng, với 9-10 giờ làm việc/ngày. Eo hẹp vậy, song vợ chồng tôi vẫn hoàn thành mọi đóng góp cho các con ở trường. Thu nhập từ nghề giáo của tôi hiện nay đã là mức thu nhập… trong mơ so với 10 năm làm công nhân. Nếu nói lương nhà giáo thấp nên đề xuất vậy thì còn rất nhiều lao động ở các ngành nghề khác cần được hỗ trợ nhiều hơn. Đặc biệt là con nông dân, công nhân…”.

Cho rằng đề xuất trên “có lợi” cho nhà giáo nhưng ông Nguyễn Đức Thành - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Minh An (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) - nói: “Tôi cũng như các thầy cô trong trường đều không mong muốn có sự hỗ trợ này. Không phải chúng tôi “chê” tiền, giáo viên cũng rất cần tiền. Tuy nhiên, xét trên mặt bằng xã hội, mức lương giáo viên hiện nay đã tạm ổn để chúng tôi có thể lo cho đời sống.

Nếu miễn học phí, thì nhiều lao động ở nhiều ngành nghề khác cần được miễn hơn con của giáo viên. Còn nếu là con giáo viên, thì có thể miễn học phí đối với những gia đình giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí hỗ trợ nhiều hơn nữa - thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”.

Không có sự bình đẳng

“Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao Bộ GD-ĐT lại có đề xuất này. Xuất thân là một nhà giáo, tôi thấy đề xuất của bộ rất “quá đáng”. Trong gia đình tôi cũng có nhiều người đang công tác trong ngành giáo dục, nhưng tôi không đồng ý với đề xuất đó” - tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - thẳng thắn nói.

Ông cho rằng, nếu điều này được đưa vào luật thì rất dễ xảy ra tình trạng các ngành khác cũng “đòi” chính sách tương tự. Do vậy, đây là đề xuất không hợp lý và không có sự bình đẳng.

“Không thể bỏ qua điều quan trọng nhất là sự công bằng, bình đẳng trong giáo dục. Ngay việc nhiều trường miễn học phí cùng nhiều khoản đóng góp khác cho con em giáo viên đang học tại trường cũng là việc không hay, không đảm bảo sự công bằng trong giáo dục. Việc miễn học phí chỉ nên áp dụng đối với con em các gia đình có công, gia đình chính sách” - ông Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM - cần những chính sách để ủng hộ cho một tầng lớp lao động có tri thức - giáo viên, chứ không phải chính sách ưu đãi dành cho đối tượng đặc thù. Bởi giáo viên là người có năng lực, có trình độ để tạo ra nguồn tiền chứ không hoàn toàn bị động.

Thậm chí, nhiều giáo viên, ngoài giờ đi dạy còn làm tư vấn, kinh doanh hoặc các công việc khác chứ không phải nói đến giáo viên là nói đến khó khăn, nghèo khổ. Nếu giáo viên những vùng khó khăn thì con của họ cũng đã được hưởng chính sách miễn giảm chung với xã hội.

Ông cho rằng, nghề giáo là nghề cao quý, giáo viên cần những chính sách ưu đãi của xã hội nhưng nên ưu đãi theo dạng nghề nghiệp, dựa trên Luật Nhà giáo đang được nghiên cứu. Trong đó, vừa phải có những chính sách giống các ngành nghề khác nhưng vừa phải có những chính sách kích thích để tăng hiệu quả, năng suất làm việc của giáo viên. Như vậy, xã hội mới đồng tình và vị trí của nhà giáo mới được tôn vinh một cách phù hợp.

Chưa kể giáo viên ở đô thị có thu nhập khác với giáo viên ở khu vực miền núi, khu vực khó khăn khác. Nhà giáo dạy trường chuyên hoặc các trường tại trung tâm so với nhà giáo dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa thu nhập cũng khác nhau. Vậy con của nhà giáo được miễn giảm ở đây là con của nhà giáo nào? Nhà giáo ở trường đại học có phải là nhà giáo không, nếu không miễn cho con của họ thì có công bằng không?

“Giáo dục là công bằng cho tất cả trẻ em, chứ không riêng đối tượng nào. Nhà giáo chỉ là những người có thu nhập không đồng đều và chưa tương xứng với vị trí việc làm. Nghề đặc thù thì tôn vinh thông qua thu nhập, lương không đủ sống thì tăng lương chứ không phải thông qua trợ cấp xã hội hay ưu đãi như người có công.

Nhà nước phải tính tới việc tăng tiền lương, phát triển kinh tế, cân đối giá cả để đảm bảo cuộc sống của toàn dân chứ không phải một nhóm đối tượng nhất định” - ông Trần Anh Tuấn đề xuất.

Hiện, cả nước có trên 1,05 triệu nhà giáo hưởng lương từ ngân sách. Từ ngày 1/7, giáo viên nhận lương từ 4,9 đến gần 15,9 triệu đồng/tháng, tùy cấp học và ngạch bậc. Lương nhà giáo cũng đang được đề xuất xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Ngoài ra, giáo viên có thể nhận một hoặc một số khoản phụ cấp như: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), phụ cấp ưu đãi (25 - 50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, giáo viên dạy người khuyết tật, nhà giáo là nghệ nhân.

Phải đảm bảo công bằng với các đối tượng ưu tiên khác

Tại dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Bộ cũng đề xuất tăng 1 bậc lương so với bảng lương hành chính thông thường cho những giáo viên mới được tuyển dụng, xếp lương lần đầu.

Đồng thời đề xuất mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non được tăng thêm 10%, tiểu học 5%... Từ đó góp phần nâng cao đời sống, giúp nhà giáo yên tâm công tác và tạo động lực để nhà giáo tận tâm cống hiến với nghề, trách nhiệm cao nhất với nghề.

Theo Bộ GD-ĐT, nếu Luật Nhà giáo được thông qua, ngành giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo; thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề…

Tại cuộc họp cho ý kiến lần 2 về dự thảo Luật Nhà giáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc miễn học phí cho con giáo viên chỉ áp dụng được trong các trường công lập, rất khó áp dụng với cơ sở giáo dục ngoài công lập. Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ.

Bên cạnh đó, ông còn đề nghị làm rõ các điều kiện đảm bảo cho chính sách tiền lương, phụ cấp và hỗ trợ với nhà giáo. Chẳng hạn, lấy nguồn nào để chi 9.200 tỉ đồng miễn học phí cho con giáo viên. Ông nói: “Phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác”.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thì đề nghị việc này nên theo hướng hỗ trợ các nhà giáo khó khăn, chứ không ghi vào luật, bởi “ưu đãi, chế độ đặc thù thì được nhưng đặc quyền, đặc lợi thì không nên”.

Uông Ngọc - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI