“Miễn dịch cộng đồng” khó mang lại hiệu quả

16/03/2020 - 07:23

PNO - Những ngày qua, “miễn dịch cộng đồng” là một vấn đề được nhắc nhiều giữa lúc các quốc gia tích cực chống chọi với sự lây lan của COVID-19. Khái niệm đó có phù hợp với nước ta?

 

Thủ tướng New Zealand - Jacinda Ardern - giải thích các biện pháp “trì hoãn” dịch trước khi đưa ra quyết định cách ly bắt buộc 14 ngày với mọi du khách đến nước này
Thủ tướng New Zealand - Jacinda Ardern - giải thích các biện pháp “trì hoãn” dịch trước khi đưa ra quyết định cách ly bắt buộc 14 ngày với mọi du khách đến nước này

Quan điểm trái chiều về “miễn dịch cộng đồng”

Theo nhà báo Robert Peston của ITV (Anh quốc), chính phủ muốn hạn chế tác động của COVID-19, cho phép vi-rút lan truyền toàn bộ dân cư để có khả năng miễn dịch cộng đồng, nhưng với tốc độ chậm để cứu những người phát triển triệu chứng nặng nhất, tránh gây quá tải cho hệ thống y tế. 

Trưởng cố vấn khoa học chính phủ Anh, chuyên gia Patrick Vallance, nói rằng cần khoảng 60% dân số Anh nhiễm COVID-19 (khoảng 40 triệu người) để đạt mục tiêu “miễn dịch cộng đồng”. Theo lý thuyết, đây có vẻ như là một chiến lược hợp lý, nhưng chính xác thì một quốc gia phải đánh đổi những gì?

Cơ thể chúng ta chống lại các bệnh truyền nhiễm thông qua phản ứng từ hệ thống miễn dịch. Khi hồi phục, cơ thể thường giữ lại “ký ức” miễn dịch về căn bệnh, cho phép chống lại căn bệnh tương tự trong tương lai. Đây là cách vắc-xin hoạt động, tạo ra bộ nhớ miễn dịch mà không cần phải mắc bệnh. 

Đối với COVID-19 và các chủng vi-rút corona khác xuất hiện trong vòng 20 năm qua, thế giới không có vắc-xin ngăn ngừa. Nhưng nếu đủ người phát triển miễn dịch thì căn bệnh sẽ ngừng lan rộng, bởi lúc đó, những cá nhân chưa nhiễm sẽ được bảo vệ gián tiếp bởi những người đã bình phục xung quanh. Đây là khả năng miễn dịch cộng đồng và nó là một cách rất hiệu quả để bảo vệ toàn bộ dân số chống lại bệnh truyền nhiễm.

Nếu tính đến tỷ lệ tử vong trung bình của căn bệnh hiện là 2,3% và tỷ lệ bệnh nặng 19%, phương án có thể dẫn đến cái chết của hơn 1 triệu người với hơn 8 triệu ca nhiễm nặng cần được chăm sóc y tế tích cực. 

Cuộc chiến chỉ thành công nếu không ai bị bỏ lại

Chiến lược trì hoãn khi kết hợp với giám sát và ngăn chặn, theo khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới (WHO), là phương án rất hiệu quả trong việc chống lại sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên, nếu chỉ làm chậm sự lây lan của vi-rút dựa vào khả năng miễn dịch của cộng đồng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, hàng triệu người vẫn sẽ nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong cho phần dân số khỏe mạnh là khoảng 0,5% hoặc cao hơn. Điều này có nghĩa, ngay cả trong trường hợp tốt nhất là bảo vệ được nhóm già yếu, nước Anh vẫn phải hy sinh 236.000 người. 

Ngược lại, bằng các biện pháp mạnh mẽ như phong tỏa, cô lập và đóng băng hoạt động trên diện rộng, Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của COVID-19 mà không cần đến miễn dịch cộng đồng (chỉ 0,0056% dân số bị nhiễm bệnh). Đây cũng là phương án mà hầu như toàn bộ thế giới đều lựa chọn, bao gồm nước Ý sau hơn một tháng ban bố tình trạng khẩn cấp và thất bại trong giai đoạn “kiềm chế” và Mỹ - nơi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hôm 13/3 khiến nhiều trường học, khu vui chơi đóng cửa, hạn chế xuất nhập cảnh và hủy bỏ nhiều sự kiện đông người. 

Tại Việt Nam, ngày 11/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 - đã bác bỏ quan điểm về “miễn dịch cộng đồng”. Lý do là, hệ thống y tế sẽ không đủ chống chọi với số ca nhiễm tăng đột biến, cũng như “tam tứ đại đồng đường” là bản chất xã hội của nhóm nước Á Đông (khác với các nước phương Tây, khi cộng đồng người cao tuổi tập trung ở các viện dưỡng lão). Vì vậy, cách ly, phong tỏa, rửa tay, đeo khẩu trang và khai báo bệnh hiện là phương án duy nhất để chống dịch, nếu không muốn bỏ lại bất kỳ một ai ở phía sau. 

Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI