Miền Bắc: Quất, bưởi cảnh rớt giá, ế ẩm

24/01/2022 - 11:35

PNO - Nếu những năm trước, thương lái luôn tấp nập ở các nhà vườn mua quất, bưởi từ đầu tháng Chạp, năm nay ngoài rằm mới bắt đầu lác đác khách đến mua sỉ dù giá bán năm nay đã thấp hơn rất nhiều.

Nhà vườn chật vật  

20 tháng Chạp, mấy trăm cây quất thế (quất tạo dáng bonsai) nhà ông Lê Văn Nam (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) vẫn còn nguyên ngoài ruộng. Mọi năm các cơ quan, doanh nghiệp tìm đến mua rất nhiều. Thương lái cũng đặt hàng từ rất sớm, quãng 20 tháng Chạp là đã vãn cả vườn, ông Nam chỉ giữ lại một số cây để bán lẻ cho khách quen. Thế nhưng, những ngày này, cả gia đình ông đang phải xoay xở, tìm đủ cách để… thanh lý vườn.

Ông Nam gọi điện khắp các mối buôn, các con đăng thông tin lên Facebook, giá bán sỉ công khai chỉ 150.000 đồng - 250.000 đồng/cây. Nhưng cũng chỉ lác đác khách lẻ hỏi mua.

Quất cảnh, bưởi cảnh của nhiều nhà vườn vẫn “đứng im” trong những ngày cận tết
Quất cảnh, bưởi cảnh của nhiều nhà vườn vẫn “đứng im” trong những ngày cận tết

Chuyên trồng quất thế cao quá đầu người đã nhiều năm, anh Phạm (thôn Công Luận, thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cho biết năm nay cũng không còn cảnh tấp nập xe tải lớn, xe tải nhỏ chen nhau chật triền đê chờ mua như mọi năm.

Anh Phạm cho biết lượng cây bán sỉ được rất ít, có những vườn cả bán lẻ lẫn bán sỉ mà đến giờ mới “giải phóng” được chưa đầy một nửa diện tích. Những mối quen ở các tỉnh đều giảm lượng cây nhập, không ít người còn sợ không tiêu thụ được đã bỏ luôn không mua.

Bán lẻ ở các chợ cây tết khó khăn nên cả gia đình anh Phạm phải tìm đủ mọi cách xoay xở. Người trẻ rao bán trên mạng xã hội, bố mẹ già ngồi bán ven đê, thanh niên khỏe mạnh thì xếp cây lên xe tải nhỏ, vượt sông sang huyện Thường Tín, TP. Hà Nội đi… bán rong khắp các xã. 

Các vườn bưởi cảnh nổi tiếng ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) cũng đang im lìm, vắng vẻ. Chị Nguyễn Thị An - một chủ vườn bưởi ở xã Thắng Lợi - cho biết: “Bưởi cảnh luôn có giá cao, đặc biệt là những gốc cổ thụ. Mối buôn ở các tỉnh năm nay không dám lấy hàng. Chúng tôi xác định không bán tháo. Nhiều nhà vẫn vớt vát bằng cách chở đi các chợ cây tết bán lẻ. Nhưng như thế cũng hên xui, tiền thuê xe cẩu, thuê xe tải, thuê chỗ ngồi… rồi có khi lại phải thuê xe chở về. Không ít nhà không bán được, đành cắt trái để bán cho bà con bày mâm ngũ quả”.

Mất công sức cả năm 

Không như trồng hoa tết ngắn ngày, có thể linh hoạt theo tình hình thị trường, người trồng quất, bưởi cảnh từ đầu năm là đã phải phủ xanh cây xuống các cánh đồng. Quất, bưởi cảnh cũng không thể đa dạng như hoa, chỉ có cây lớn, cây nhỏ, cây thế, cây bonsai nên bà con cũng khó có thể linh hoạt chuyển hướng để giảm thiểu thiệt hại.

Bà Hoàng Thị Nguyệt (xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Đầu năm là chúng tôi phải mua cây lớn nhỏ về trồng, phân bón thì dùng phân hữu cơ như đỗ tương, phân cá… nên tốn nhiều chi phí hơn phân hóa học. Rồi phải thuê nhân công vun bầu cho gốc, gò - tạo dáng cho cây… Cả năm dốc vốn vào quất chờ đến cuối năm mới được thu, nhưng như năm nay xem như mất tết”.

Ông Ba - một lão nông ở ngoại ô TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình)  - than thở: “Mấy xã trồng quất quanh đây đều chung cảnh ế ẩm. Nhà tôi hơn hai mươi năm trồng quất, chưa phải mang đi chợ bán lẻ một cây nào. Nhưng năm nay buồn lắm, từ đầu tháng Chạp đến giờ chỉ có khách lẻ đến vườn”.

Ông Ba cho biết năm nay giá phân bón tăng cao gấp ba, giá bán cây giảm 30%, thậm chí còn giảm đến 50% mà vẫn tiêu thụ rất chậm. 

Làng quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) có lợi thế hơn các vùng trồng quất khác của miền Bắc nhờ nằm gần trung tâm Hà Nội. Lượng khách lẻ là người dân nội thành cũng đã giúp người Tứ Liên “vớt vát” khá nhiều trong mùa dịch. Dù vậy, ông Thành - chủ một vườn quất ở đây - cho biết: “Những khách quen của vườn chuyển sang chơi cây nhỏ hơn, giá mềm hơn so với mọi năm. Sức mua chỉ được bằng 60 - 70% mọi năm”. 

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI