Miền Bắc quá lạnh, bệnh nhân lớn tuổi tăng cao

26/01/2024 - 06:15

PNO - Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc đang tiếp tục trải qua những ngày lạnh sâu, nhiệt độ thấp nhất dưới 10 độ C. Thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều người cao tuổi phải nhập viện vì bệnh tim mạch, hô hấp.

Nhiều ca chuyển nặng

Vốn có tiền sử bị tiểu đường nhiều năm nay, buổi sáng thức dậy, ông H.T.K. (78 tuổi, Long Biên, Hà Nội) bỗng xuất hiện cơn đau ngực cảm giác như bị dao đâm kèm theo triệu chứng nghẹt thở. Cơn đau còn xuất hiện ở phần gáy, kèm theo choáng váng, buồn nôn. Lúc này, các con ông vẫn chưa đi làm nên kịp thời đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, ông K. được chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Nhờ được cấp cứu kịp thời, mở thông động mạch vành nên bệnh nhân hiện đang bình phục trở lại.

Bệnh nhân điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Bệnh nhân điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Tuấn Anh - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho hay, thời tiết chuyển lạnh sâu là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người phải nhập viện vì các bệnh lý tim mạch. Trong đó, chủ yếu người cao tuổi như ông K. và những người có tiền sử bệnh tim mạch. “Mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch” - vị bác sĩ lý giải.

Cùng với bệnh tim mạch, bệnh hô hấp cũng đang tấn công người cao tuổi và người có bệnh mạn tính. Ông T.B.T. (80 tuổi, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhiều năm nay. Dù đã hạn chế ra ngoài, song thời tiết lạnh vẫn khiến bệnh ông tái phát. Tại Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh), bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, cảm giác như lồng ngực bị bóp nghẹt. Ông đã được hỗ trợ thở máy và chăm sóc toàn diện.

Bác sĩ Phạm Thị Út Trang - Phó trưởng khoa Nội Bệnh viện Bãi Cháy - cho biết, trong tuần này, do ảnh hưởng của thời tiết, số người đến khám và nhập viện điều trị bệnh COPD gia tăng. Trung bình mỗi ngày, Khoa Hô hấp của bệnh viện khám cho khoảng 20-30 bệnh nhân mắc bệnh COPD. Trong đó, khoảng 20-30% người bệnh phải nhập viện, không ít ca bệnh chuyển nặng, phải thở máy. Do phổi là cơ quan trực tiếp giao lưu với môi trường bên ngoài khi con người hít thở nên khi thời tiết, môi trường thay đổi, phổi sẽ bị tác động. Với những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, người có bệnh lý nền như bệnh mạn tính hô hấp, phổi lại càng dễ bị tổn thương. 

Tăng cường quản lý bệnh mạn tính

Theo bác sĩ Ngô Tuấn Anh, dù đã tích cực tuyên truyền nhưng hiện nay, đa số người dân hiện vẫn không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp, từ đó dẫn tới các hệ lụy về tim mạch. Theo thống kê, chỉ 1/3 bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc. Khi thời tiết chuyển sang lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên. Ngoài ra, huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi tắm... Đặc biệt, người bị bệnh tiểu đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm.

Chính vì vậy, bác sĩ Ngô Tuấn Anh khuyến cáo người dân tuân thủ hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ để kiểm soát tốt bệnh nền. “Các thuốc tăng huyết áp cần được uống liên tục, suốt đời, không được ngừng đột ngột và có theo dõi của nhân viên y tế. Những bệnh nhân có bệnh động mạch vành nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời” - bác sĩ Ngô Tuấn Anh lưu ý.

Ông cũng khuyên người cao tuổi giữ ấm cho cơ thể, tránh ra ngoài trời lạnh đột ngột. Lúc tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh. Khi có cơn tăng huyết áp, không nên giảm huyết áp quá nhanh. Điều này rất nguy hiểm do sự phản ứng của mạch máu ở người già không tốt, nếu giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể không thích ứng được sẽ xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.

Với những bệnh nhân mắc bệnh COPD, bác sĩ Phạm Thị Út Trang khuyên, để bệnh không tái phát trong mùa đông, người cao tuổi cần được quản lý, theo dõi bệnh thường xuyên. Ngoài ra, bệnh nhân nên tiêm phòng cúm, phế cầu định kỳ, tránh khói bụi, bỏ hút thuốc lá cũng như thực hiện các biện pháp dự phòng, giữ ấm cơ thể. 

Không để người nhà bệnh nhân nằm ngoài trời giá rét

Đầu giờ chiều ngày 25/1, khu vực hành lang trước Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai gần như chật kín người nhà bệnh nhân. Để chống lại cái rét, hầu hết người dân phải đội mũ len, trùm chăn kín, ngồi co ro trên ghế đá. Nhiều người còn tận dụng bốt gác nhôm kính, trải tạm tấm chiếu để ngả lưng. Để giảm bớt giá rét, bệnh viện đã bố trí nhiều đèn sưởi tại khu vực này, ước chừng 20 mét được bố trí một đèn. Ngoài ra, bệnh viện còn dùng đèn sưởi cơ động để sưởi ấm cho người nhà bệnh nhân. “Dù không gian rộng, song nếu đứng gần đèn cũng đỡ được phần nào cảm giác rét mướt” - một thân nhân bệnh nhân chia sẻ.

Trước tình hình thời tiết lạnh kéo dài, Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác phòng, chống rét cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Theo đó, ngoài việc phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh như xếp hàng chờ khám, chẩn đoán hình ảnh, điều trị nội trú... sở yêu cầu thực hiện phòng, chống rét cho người nhà bệnh nhân một cách hợp lý. Không để người nhà nằm ngoài hành lang hoặc ghế đá ngoài trời, gây nguy hại đến sức khỏe.

Huyền Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI