Miền Bắc “gồng mình” chống rét đậm

24/01/2024 - 06:12

PNO - Miền Bắc những ngày qua đang rét đậm, rét hại, nhiệt độ phổ biến từ 7-10 độ C, một số nơi dưới 4 độ C, thậm chí đã xuất hiện băng giá. Các địa phương đang tăng cường biện pháp bảo vệ đàn gia súc, cây trồng. Trường học tìm cách giữ ấm phòng học, nhà bán trú cho học sinh.

Giữ ấm cho trẻ em

Nhiệt độ chỉ khoảng 7-8 độ C, song các lớp học của Trường mầm non Hoa Lan (xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) vẫn nhộn nhịp, mỗi lớp chỉ vắng 1-2 em. Chị Lường Thị Thắm dắt con đến trường và bảo: “Ở lớp có thảm xốp, có chăn, nệm dày, kín gió, ấm hơn ở nhà nên mình đưa con đến gửi cô giáo”.

Đầu giờ học, các cháu vận động nhẹ trong lớp học, nước uống luôn được cô giáo giữ ấm cho đến hết ngày. Chị Thắm cũng thường nhận được tin nhắn của cô giáo vào nhóm phụ huynh nhắc các gia đình mặc áo ấm, đi tất cho con trước khi đưa đến trường.

Nhiều phụ huynh, học sinh vượt rét tới trường, sáng 23/1 - ẢNH:  GIA HÂN
Nhiều phụ huynh, học sinh vượt rét tới trường, sáng 23/1 - Ảnh: Gia Hân

Chị Sùng Thị Muôn (xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải) cho biết, ngoài việc nhắc nhở phải giữ ấm cho các cháu trước khi đến trường, trong những ngày rét phụ huynh cũng không phải mang cơm theo cho con mà các cô giáo nấu luôn bữa trưa cho trẻ để cơm canh được nóng ấm. Bà Nguyễn Thị Hải Lý - Phó hiệu trưởng Trường mầm non Mồ Dề - cho biết: “100% trẻ là người H’mông, kinh tế còn khó khăn, nhiều gia đình không lo đủ quần áo ấm cho trẻ, nhà trường cũng thiếu thiết bị chống rét, nên đã vận động nhiều nguồn hỗ trợ để trẻ có thêm quần áo ấm, chăn ấm”. 

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phình Hồ (xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), em Sùng Thị Phương nói: “Mấy ngày nay rét lắm. Các thầy cô giáo thường nhắc chúng em hạn chế ra ngoài, hướng dẫn chúng em vệ sinh cá nhân. Các thầy cô còn dặn, hễ rời khỏi chăn là phải mặc thêm áo ấm. Chúng em được cả cán bộ y tế của xã đến thăm khám sức khỏe nữa”.

Ông Nguyễn Duy Tiến - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Trường có hơn một nửa học sinh bán trú. Chúng tôi đã dặn dò gia đình chuẩn bị áo ấm cho các em. Đồng thời bổ sung chăn, nệm, tăng khẩu phần các bữa ăn; đồ ăn, nước uống luôn đảm bảo ấm nóng. Các hoạt động ngoài trời cũng tạm dừng để đảm bảo sức khỏe”.

Các trường mầm non Tả Ngài Chồ, Tả Gia Khâu, Trường tiểu học Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) được trải xốp, đệm cách nhiệt, trang bị thêm đèn sưởi thay vì đốt lửa như những năm trước. Các thầy cô giáo cũng hướng dẫn và trực tiếp cắm điện đèn sưởi. Khi chăn đắp và nhiệt độ trong phòng đã ấm thì đèn sưởi sẽ được cất đi để đảm bảo an toàn. Với các cô giáo mầm non, việc giữ an toàn cho trẻ khi sử dụng đèn sưởi càng phải kỹ lưỡng hơn.

Và sưởi ấm cho gia súc, cây trồng

Sáng 23/1, nhiệt độ tại Hà Nội là 8 độ C, hầu hết các vườn hoa của xã Mê Linh (huyện Mê Linh) đều được quây lại, hoa trồng chậu thì được đưa vào khu có mái, kín gió, nhằm tránh mưa phùn, giá rét. Nhiều vườn còn dùng ni lông quấn quanh thân cây để giữ ấm, dùng bóng điện để sưởi ấm cho cây. Với các đàn gia súc, bà con che chắn chuồng trại kỹ lưỡng để tránh gió lùa.

Tại hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai), những ngày nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, hợp tác xã phải mở hệ thống đèn sưởi 24/24 để giữ ấm cho đàn heo.

Sau đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2023, gia đình ông La Văn Dụng (xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đã tranh thủ gieo hạt bí thơm đặc sản trên mảnh đất gần 2 sào. Cây bí cao khoảng 17cm thì dự báo có đợt rét đậm, rét hại diện rộng, vợ chồng ông phải mua túi ni lông trùm cho cây non. Đàn heo 1 mẹ, 13 con mới 15 ngày tuổi cũng được ủ thêm rơm khô, lắp thêm bóng đèn sưởi ấm.

Người dân xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) che chắn cho gia súc - ẢNH: M.Đ.
Người dân xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) che chắn cho gia súc - Ảnh: M.Đ.

Nhốt 2 con bò với 1 con trâu trong chuồng, ông Vừ Chúa Xá (xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cho biết, trước đây bà con không biết cách, cứ chăn thả luôn trong những ngày rét đậm, rét hại, nên mùa đông năm nào cũng có gia súc chết. Về sau, huyện, xã đã vận động bà con làm chuồng trại kiên cố, dự trữ thức ăn cho vật nuôi ngay từ đầu mùa khô, nhờ đó mà đàn gia súc đã an toàn đi qua mùa đông.

Ông Xá chia sẻ: “Đầu năm 2022, rét làm chết gần 3.000 con gia súc của các tỉnh miền núi phía Bắc nên bà con càng thức tỉnh, làm theo hướng dẫn của cán bộ. Có chuồng xây rồi nhưng vẫn phải cẩn thận che chắn, cho chúng ăn thêm thân bắp, cám bắp, cám gạo mới đủ sức chống rét. Cán bộ xã cũng thường xuyên cập nhật cảnh báo tình hình thời tiết xuống bản để bà con nắm bắt”.

Xã Pha Long có quy mô đàn gia súc gần 1.200 con, lớn nhất huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) và cũng là xã có mùa đông rét nhất nhì huyện. Những năm gần đây cán bộ xã, huyện vận động bà con bỏ tập quán chăn thả rông, nên đàn gia súc của nhiều hộ đã được nuôi nhốt trong chuồng kiên cố.

Từ vụ gặt hè thu, bà con đã tích trữ rơm rạ, trồng thêm cỏ. “Đến trước mùa đông, bà con lại được tập huấn và thực hành tại chỗ các biện pháp chủ động phòng, chống thiên tai cho gia súc. Hiện, 95% hộ chăn nuôi trâu, bò của xã đã tích trữ được nguồn thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông. Cán bộ xã đang bám sát cơ sở để cùng bà con thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét và bảo vệ đàn gia súc” - ông Lù Chí Cường - Phó chủ tịch UBND xã Pha Long - cho biết.

Nhiệt độ tại trạm khí tượng Mẫu Sơn (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) đo được vào sáng 23/1 là -0,9 độ C. Ông Dương Trồng Mình - Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn - cho biết, trước khi gió mùa tăng cường, huyện đã tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại trên các phương tiện thông tin đại chúng để bà con chủ động.

Đoàn kiểm tra phòng, chống rét của UBND huyện còn được thành lập tại xã để trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc bà con triển khai các biện pháp chống rét cho người, vật nuôi và cây trồng. Các cán bộ thú y, khuyến nông ở cơ sở cũng tăng cường tuyên truyền cho bà con về các biện pháp bảo vệ vật nuôi, nhất là phải dự trữ thức ăn, không để gia súc bị chết vì đói rét. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI