"Midnight Diner": Hương vị cuộc sống

22/12/2020 - 19:11

PNO - “Midnight Diner” ("Quán ăn đêm", tên gốc: “Shinya Shokudo”) là bộ phim tôn vinh những khoảnh khắc giản đơn mà lấp lánh của cuộc sống.

Ở Shinjuku, khu vực sầm uất, náo nhiệt bậc nhất thủ đô Tokyo có một quán ăn đêm nhỏ bé. Quán được điều hành bởi một ông chủ giấu tên, hoạt động cố định từ 12 giờ đêm đến 7 giờ sáng. Thực đơn của quán gồm bất cứ món gì khách yêu cầu, miễn là nằm trong khả năng của ông chủ.

Không gian đặc biệt này cũng là khởi nguồn của những câu chuyện cà kê bất tận, những câu chuyện bé nhỏ, giản dị và đời thường như rút ra từ một cuốn nhật ký, vậy mà chưa bao giờ hết mới mẻ, lôi cuốn với khán giả xem phim. 

nhìn đời nhẹ tênh, chấp nhận sự bất toàn của cuộc đời để tìm kiếm hạnh phúc và cái đẹp
Midnight Diner nhìn đời nhẹ tênh, chấp nhận sự bất toàn của cuộc đời để tìm kiếm hạnh phúc và cái đẹp

Midnight Diner không phải phim ẩm thực, mà chỉ mượn ẩm thực để kể chuyện cuộc sống. Bộ phim có một góc nhìn thú vị khi hình dung thức ăn là đặc điểm nhận dạng của mỗi con người. Nó bao hàm một thế giới riêng tư, với những thói quen, sở thích, những tâm sự cá nhân, cũng như những mối quan hệ, những kết nối tinh thần, những kỷ niệm. Ở đó, có những khoảnh khắc ngắn ngủi mà ngân vang mãi trong đời, khiến ta bất giác mỉm cười hoặc âm thầm tiếc nuối mỗi khi nhớ lại.

Bởi vậy, với Midnight Diner, ăn uống không chỉ nhằm thỏa mãn cơn đói hay thưởng thức ẩm thực, mà là lưu giữ những gì ý nghĩa với mỗi chúng ta trước khi nó kịp tàn phai.

Ở một tập phim, có vị khách tìm đến quán ăn vì món mận muối, bởi mẹ ông qua đời đã bốn năm nên món mận bà làm cũng đã hết. Trong khi đó, một vị khách khác lại “trung thành” với bánh kẹp mỳ xào (yakisoba dog), món ăn mà thuở thiếu thời anh vẫn thưởng thức cùng người bạn thân, trước khi cuộc đời họ rẽ theo hai ngả khác nhau.

Midnight Diner xoay quanh những câu chuyện nhỏ bé, giản dị, đời thường được gợi ra bên bàn ăn
Midnight Diner xoay quanh những câu chuyện nhỏ bé, giản dị, đời thường.

Trong quán ăn đêm khiêm tốn ấy, dường như món ăn nào cũng mang hình bóng của một thời đã qua, với những người bạn cũ, những người tình cũ, những dự định dang dở, những ước mơ không thành. Ký ức của các nhân vật đan xen vào nhau, chồng lấn lên nhau, dệt nên miền hoài niệm mênh mang mà mỗi khán giả đều có thể thấy mình trong đó.

Tuy nhiên, bên cạnh những khoảnh khắc buồn, tiếc nuối về quá khứ, Midnight Diner còn đem đến thông điệp về sự trân trọng cuộc sống, với lời nhắn nhủ con người hãy sống hết mình cho hiện tại.

Quán ăn đêm không chỉ là nơi các thực khách chìm vào hồi tưởng của riêng mình, mà ở đó, họ còn tìm kiếm sự kết nối và cảm giác thuộc về - thứ ngày càng trở nên xa xỉ trong xã hội hiện đại. Khi ấy, thức ăn vừa đóng vai trò cầu nối giữa những tâm hồn cô độc, vừa là niềm vui nhỏ bé, riêng tư của mỗi người sau một ngày làm việc vất vả.

Nếu bỏ qua những khác biệt về tuổi tác, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống và lối sống, thì những vị khách mà quán ăn đón tiếp đều là cư dân của một siêu đô thị sầm uất. Cuộc sống ở đó náo nhiệt và dồn dập, luôn hối thúc con người ta tiến lên phía trước, đồng thời đòi hỏi sự cạnh tranh không ngừng nghỉ. Thế nhưng, cái mà những cư dân ấy kiếm tìm không chỉ là chỗ đứng trong xã hội, mà còn là một nơi trú ẩn cho tâm hồn, giúp họ giải tỏa áp lực và phục hồi năng lượng.

Midnight Diner chính là hình dung rất ấm áp của những người sáng tạo về một nơi lắng nghe những tâm sự của con người, chấp nhận sự yếu đuối của họ mà không phán xét, để rồi ủi an, xoa dịu họ bằng những món ăn nóng hổi. Ở đó, vị khách nào cũng được tiếp đón ân cần, dù họ là ai, làm nghề gì, dù họ giàu có, thành đạt hay đang chật vật làm lại cuộc đời sau những biến cố.

Bộ phim mang thông điệp nhân văn, đề cao sự thấu hiểu, sẻ chia giữa người với người
Bộ phim mang thông điệp nhân văn, đề cao sự thấu hiểu, sẻ chia giữa người với người

Câu chuyện và không khí của Midnight Diner cũng gợi nhớ đến phong cách của đạo diễn huyền thoại người Nhật Yasujiro Ozu. Tuy không thể sánh ngang với những tác phẩm kinh điển, bộ phim cũng là nỗ lực kế thừa di sản của bậc thầy, không chỉ ở sự thanh thoát, tinh giản trong ngôn ngữ điện ảnh mà còn là cách nhìn đời nhẹ tênh, chấp nhận sự bất toàn của cuộc đời để tìm kiếm hạnh phúc và cái đẹp.

Lúc sinh thời, Ozu tự nhận mình chỉ là người làm đậu phụ, dù đối với khán giả, ông là một trong những đạo diễn vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Midnight Diner dường như cũng mang tinh thần của ông, tinh thần hướng tới cái lớn, cái phổ quát bằng cách trung thành với những gì giản đơn, bé nhỏ nhất.

Năm 1952, Ozu cho ra mắt The Flavor of Green Tea over Rice (Ochazuke no aji - Hương vị cơm chan nước trà). Chỉ với món ăn ấy, ông đã gói gọn những mâu thuẫn gia đình, từ những cãi vã, giận hờn đến sự thấu hiểu, hòa giải của một cặp vợ chồng trung lưu Nhật Bản thời hậu chiến. Hai người vốn không hòa hợp do đến với nhau bằng hôn nhân sắp đặt, nhưng đến tận cùng, họ vẫn quyết định chấp nhận đối phương bằng sự tôn trọng, văn minh trong ứng xử.

Trailer Midnight Diner :

 

Trùng hợp thay, Midnight Diner mùa đầu tiên cũng có một tập xoay quanh món cơm chan nước trà. Đây là món ăn yêu thích của một nhóm bạn ba người, dù mỗi người lại dùng nó với món ăn kèm khác nhau. Và giống như bất cứ mối quan hệ nào khác, tình bạn của họ cũng bị đặt trước những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống.

Có một lần, sự bất hòa, mâu thuẫn giữa ba người lên đến đỉnh điểm, khiến nhóm bạn có nguy cơ tan rã. Khi đó, ông chủ quán đã nói với một người trong nhóm, rằng cuộc sống cũng giống như cơm chan nước trà, hãy cứ đơn giản là thưởng thức nó chứ không cần tìm kiếm căn nguyên cho mọi sự. Câu nói nhẹ nhõm ấy hóa ra lại đại diện cho tinh thần và triết lý sống của người Nhật, rằng cuộc sống vẫn luôn đẹp đẽ và xứng đáng để tận hưởng, mặc cho sự bất toàn, rạn vỡ bên trong.

Minh Trang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI