Michell Obama: Người phụ nữ quyền lực chọn đứng phía sau

12/11/2018 - 06:22

PNO - Không giống bất cứ quyển hồi ký nào của bạn đời các chính trị gia Mỹ trước đó, Becoming không nhắc đến chính trường mà mang đầy màu sắc nữ quyền.

Michell Obama: Nguoi phu nu quyen luc chon dung phia sau
Hồi ký sắp ra mắt của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ - Michelle Obama

Đúng 10 năm từ khi Barack Obama trở thành Tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, quyển hồi ký Becoming của Michelle Obama ra mắt độc giả. Với tất cả nội lực và sự điềm tĩnh, Michelle rời Nhà Trắng sau hai nhiệm kỳ tổng thống của Obama và trở thành hình tượng nhân vật đặc biệt: người đàn bà độc lập trong ý chí, mạnh mẽ cất tiếng nói bảo vệ quyền của nữ giới, tràn đầy hứng khởi lan tỏa tinh thần sống tích cực và đầy yêu thương, tôn trọng thế hệ trẻ.

Hồi ký kể về cuộc đời cá nhân của Michelle, về cuộc hôn nhân với Obama và về nước Mỹ. Chia sẻ của cựu đệ nhất phu nhân đưa ra đúng thời điểm nước Mỹ có quá nhiều mâu thuẫn, chia rẽ vì sắc tộc, màu da. Nhưng lời lẽ của Michelle không hề hằn học mà đầy thấu hiểu, hy vọng.

Michelle dành 1/3 quyển sách để kể về thời niên thiếu của cô gái thông minh, lạc quan, chẳng bao giờ phải hỏi mình có được yêu thương, có bị kỳ thị không. Michelle nhớ rõ, thứ giá trị nhất mà bà và anh trai Craig nhận được chính là nền tảng giáo dục từ gia đình, về nguyên tắc kỷ luật phải tuân thủ, về kỳ vọng phải vươn lên từ cha mẹ. Thời phổ thông, một chuyên viên tư vấn học đường từng khuyên Michelle đừng cố nộp đơn vào Princeton - ngôi trường danh giá mà hơn 90% sinh viên là người da trắng. Bỏ ngoài tai lời khuyên ấy, Michelle nộp đơn và được nhận, từng ngày chứng tỏ mình xứng đáng.

Trên truyền thông, chuyện tình của Michelle và Obama được ghi nhận khi họ gặp gỡ trong công việc. Ít ai biết, điều khiến Michelle tin tưởng và lựa chọn Barack Obama là vào khoảnh khắc bà cảm nhận sự ấm áp, bình yên trong vòng tay xoa dịu của ông, trong lúc bà tuyệt vọng, đau khổ vì người cha qua đời do bạo bệnh.

Cuộc hôn nhân của họ không hề dễ dàng. Khó khăn lắm họ mới có con, rồi sau đó là chuỗi ngày tất bật mà như Michelle tự nhận: bà là người mẹ toàn thời gian nhưng chỉ là người vợ bán thời gian, bởi chồng thường xuyên vắng nhà vì công việc. Đã có lúc, Michelle chìm trong mệt mỏi, nhưng thay vì đổ lỗi, đòi bình đẳng, bà nghĩ đến mục tiêu chung: điều tốt nhất cho cuộc sống của bốn thành viên trong gia đình.

Michelle viết trong hồi ký: “Khi những ý nghĩ mâu thuẫn trỗi dậy, nếu tôi phản ứng, đòi hỏi cho cá nhân tôi, mọi thứ sẽ khác. Tôi có hai con gái và tôi muốn các con hiểu rằng, cuộc đời một phụ nữ không nhất thiết phải bắt đầu khi người đàn ông rời công việc, trở về nhà. Chúng tôi không buộc mình chờ đợi. Việc của Barack là hãy nỗ lực “bắt kịp” mẹ con tôi”.

Quyển hồi ký như thước phim quay chậm từ những ngày tháng khá lặng lẽ ở Nam Chicago đến cuộc sống của một người nổi tiếng mà Michelle phải hết sức nỗ lực cho trọn vẹn. Michelle viết: “Hai con giờ đã là những cô gái trẻ với dự định và ý hướng riêng trong đời. Chồng tôi cũng đã có thời gian cho riêng mình, không còn phải quá ưu tư về chính trường. Còn tôi, có rất nhiều điều phía trước đang đợi mình dấn thân”.

Xuyên suốt những trang sách, Michelle chủ ý gửi đi thông điệp: “Phụ nữ có thể đưa rất nhiều lý do, tự dựng lên rào cản cho mình. Tôi sinh ra trong căn nhà nhỏ, nghèo khó, với người cha đầy bệnh tật; nhưng tôi luôn nhớ về thời thơ ấu của mình với đầy ắp yêu thương, được sống trong tiếng cười. Ai cũng có cơ hội chọn lựa. Đó là sự chọn lựa cách nghĩ rằng, bạn chẳng có gì hoặc bạn có 
tất cả”. 

Thiên Như (theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI