Không hiểu vì sao người làm thơ - nhất là những nhà thơ nữ luôn được gán cho cụm từ “đa đoan, đa tình, lận đận…”. Nhưng nhiều người làm thơ mà tôi gặp, nghe chuyện vun vén gia đình của họ, lại thấy cả một trời yêu thương ngọt ngào.
Họ khiến tôi tin rằng, trong cuộc đời này tình yêu vẫn là cổ tích đẹp đẽ nhất trong trái tim mỗi người. Tình yêu là hạt mầm đầy tràn sức sống, nếu được chăm tưới bằng yêu thương, tận tụy, vun đắp thì sẽ trở thành những cây trái sum sê, đầy bóng mát tỏa xuống mái nhà. Hai “người thơ” Đoàn Văn Mật - Lữ Thị Mai có lẽ là một trong những câu chuyện đẹp như vậy.
|
Gia đình nhà thơ Đoàn Văn Mật - Lữ Thị Mai |
“Mình vừa đi vừa nghĩ/Lúc này đây chúng ta rất nhẹ/Những thiên thần đang mọc cánh bay lên/Em thì vẫn ở bên/Áo hoa trắng trôi cùng kỷ niệm…” - ngày cưới nhau, nhà thơ Đoàn Văn Mật đã viết tặng những câu thơ đẹp như những giai điệu hạnh phúc này tặng vợ. Lữ Thị Mai nói cô thuộc hết những bài thơ chồng viết tặng mình. Anh thậm chí còn viết một bài thơ lấy tựa đề Mai, như một phác họa chân dung vợ yêu bằng chữ: “Mai đếm những ngày xa nhau… Mai yêu những bông hoa màu trắng/Mọc hằng đêm tên mười ngón tay cầm…”.
Nếu là bạn của hai người, sẽ luôn được nghe cả hai dành cho nhau những lời trìu mến và cảm động. Trong những buổi trò chuyện, một cách rất tự nhiên, nhà thơ Đoàn Văn Mật vẫn thường nhắc về gia đình, về Mai và bé Kẹo (con gái Thụy Phương, mới bốn tuổi). Những “điều ngọt ngào nhất” ấy như đã là suối nguồn trong lòng.
Đoàn Văn Mật công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, còn Lữ Thị Mai làm việc tại báo Gia đình và Xã hội. Một nữ nhà thơ mà lại còn làm báo, người ngoài nghe qua chắc dễ lầm tưởng “cái tính trên trời” của nhà thơ và đi nhiều theo đặc thù nghề nghiệp của nghề báo. Thế nhưng, điều khiến nhà thơ quân đội Đoàn Văn Mật luôn dành lời khen cho vợ chính là: anh đi làm về đến nhà thì lúc nào cơm nước cũng đã tươm tất. “Tôi thích nấu ăn lắm, nhưng nhiều khi vụng về. Thật ra tôi cũng chỉ nấu ăn thôi, còn anh thì cắm hoa, dọn dẹp trang trí nhà cửa” - Lữ Thị Mai giải thích.
Góc bếp chính là “trái tim đàn bà” mà. Bếp lửa hồng thì nhà mới ấm. “Nấu cho nhau một bữa ăn bình thường/Chỉ có thể là yêu thương…” - nhà thơ Nguyễn Phong Việt đã từng viết như vậy. Giản dị nhưng đầy ý nghĩa.
Về An Giang tham gia công tác tổ chức trại sáng tác Tạp chí Văn nghệ Quân đội, xa nhà nửa tháng, câu chuyện đầu tiên nhà thơ Đoàn Văn Mật nhắc về gia đình chính là bữa cơm nhà. Đủ thấy nhung nhớ của anh dành cho “cơm nhà” nhiều đến thế nào. Còn Lữ Thị Mai, khi nhắc đến chồng đã luôn nói về cách anh đã sống, đã đối đãi với những người xung quanh.
“Anh không chỉ luôn nặng lòng với gia đình, anh chị em họ hàng mà với cả những người xa lạ cũng đều đối xử như người thân thuộc. Có khi tôi thấy anh trò chuyện với những bác lao công, anh đánh giày ngoài phố, cứ tưởng như anh rất mực quen thân. Nhưng mà hỏi thì anh bảo không, chỉ là thấy họ vất vả quá nên hỏi thăm. Anh luôn sống vì người khác, mọi chuyện đều nghĩ cho người khác trước mới nghĩ đến mình. Trong nhà cũng vậy, đi đâu anh cũng chỉ mua đồ cho hai mẹ con, còn mỗi khi muốn mua gì cho bản thân, anh đều cân nhắc rất kỹ” - Mai tâm sự.
Ngôi nhà của hai vợ chồng lúc nào cũng đầy hoa theo những mùa hoa Hà Nội. Đoàn Văn Mật nói vui, đó là thói quen dù có tốn nhiều tiền cũng rất… khó bỏ. Vì hoa mùa nào cũng đẹp. Có những bức ảnh anh chụp cho vợ mà nhìn xung quanh, phía sau nhà đầy hoa như thể bối cảnh của một studio hay quán cà phê xinh xắn nào đó giữa lòng Hà Nội.
Điều khác biệt nhất với đôi vợ chồng nhà thơ này có lẽ ở điểm vợ không phải là người “tay hòm chìa khóa”, mà chính là chồng. Mai nói cô không có “khiếu giữ tiền”. “Hồi còn nhỏ thì cha mẹ giữ, lúc là sinh viên thì nhờ bạn bè giữ hộ. Lấy chồng rồi thì làm bao nhiêu tiền đưa hết cho anh. Bởi vì tôi rất thích mua sắm, không thể quản nổi việc chi tiêu hợp lý. Để chồng giữ tiền có nghĩa tôi đã đẩy hết phần khó cho anh. Còn tôi cứ… vô tư sống, khi nào hết tiền thì lại xin” - Lữ Thị Mai nói vui.
Đây có lẽ là “đặc tính trên trời” trội nhất của người làm thơ, nhưng Mai không bận lòng về điều đó. Cô dành hết tâm trí cho bé Kẹo. “Lúc chưa có bé, đời sống không phải âu lo nghĩ ngợi nhiều. Có bé rồi lúc nào cũng nghĩ đến con, nhất là những khi con ốm đau. Có những chiều, chỉ cần qua nhà trẻ, thoáng thấy mùi trẻ con đã đầy cảm xúc. Làm thơ bao nhiêu năm, viết bao nhiêu bài báo đi nữa thì cũng chỉ khi làm mẹ, tôi mới cảm nhận được sâu sắc cảm giác đẹp đẽ này” - Mai bộc bạch. “Bé Kẹo dễ thương lắm, đi đâu lâu một chút là muốn về nhà rồi” - nhà thơ Đoàn Văn Mật nói thêm.
Nhiều khi nhìn những hình ảnh hai vợ chồng trên facebook Mai, tôi cứ thấy gia đình họ hoàn hảo như một bức tranh được vẽ trên nền của hạnh phúc. Yêu thương đong đầy và da diết như những câu thơ viết tặng nhau: “Mình yêu nhau trời xanh cũng phải lòng/Mình yêu nhau bước ra ngoài khoảng trống/Mình yêu nhau em có thấy không?/Ngày thôi lạnh đợi chim về tổ ấm…
Người làm thơ đôi khi cá tính mạnh lắm, bản ngã cao lắm, chẳng ai chịu ai trong những tranh luận về văn chương thơ phú. Nhưng Đoàn Văn Mật - Lữ Thị Mai kể, từ ngày “bén duyên” dưới mái trường viết văn Nguyễn Du cho đến khi đối diện với “cơm áo gạo tiền”, họ vẫn đi cùng nhau, đến cùng nhau và luôn có thể ngồi xuống nói chuyện về thơ bằng những chia sẻ, nhận xét, dung hòa, học hỏi.
|
Tiểu Quyên