Mì ngoại lấn sân mì nội

22/12/2017 - 16:00

PNO - Theo số liệu do Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA) công bố, Việt Nam hiện xếp thứ 4 thế giới về mức tiêu thụ mì gói, sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.

Tuy nhiên, từ chợ đến siêu thị, mì ăn liền nước ngoài đang từng bước lấn sân mì nội, chiếm lĩnh thị trường. 

Mì nội khó chen chân vào phân khúc cao cấp

Hiện thị trường mì ăn liền Việt Nam (VN) đang có khoảng 50 doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ chen chân: Acecook, Masan Consumer, Asia Foods, Vifon, Việt Hưng hay Micoem... 

Trong đó, 3 DN chiếm nhiều thị phần lớn là Acecook, Masan Consumer và Asia Foods, với đủ các dòng sản phẩm từ thấp đến cao cấp. Thị trường mì gói VN có sự phân chia phân khúc rất rõ, khoảng cách giữa mì ngoại nhập và mì trong nước khá xa. 

Mì ngoại của Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… nhắm vào thói quen chuộng vị ngon, lạ của người tiêu dùng (NTD) VN, khi ăn cho cảm giác như đang ăn mì tươi, có giá khá cao, từ 22.000-39.000 đồng/gói, có đủ loại từ mì cay (xúc xích, hải sản, bò...), mì trộn,  mì udon, mì ramen đến mì khô gà cay, mì tương đen.... 

Mi ngoai lan san mi noi
Mì ngoại nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều.

Trong khi đó, mì gói của các DN trong nước vẫn “yên vị với… mùi mì gói truyền thống, việc đầu tư cho hương vị mới là khá hiếm; nên chỉ quanh quẩn mức giá bình dân, chỉ từ 3.000-9.000 đồng/gói. 

Tại TP.HCM, trên kệ hàng của hệ thống các cửa hàng tiện lợi nước ngoài, 80% nhãn hiệu mì gói là đến từ... nước ngoài. Ngược lại, tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, phần lớn vẫn là mì gói VN.

Lý giải ưu thế tạm bợ này, một số chuyên gia thị trường cho rằng, tại mỗi điểm kinh doanh, tỷ lệ mì nội - ngoại có thể khác nhau vì còn tùy thuộc vào phân khúc khách hàng cửa hàng nhắm đến. Giá mì ngoại lại khá cao, không phải NTD nào cũng mạnh tay mua.

Một bộ phận NTD chuộng mì ngoại là do hương vị lạ. Theo chuyên viên thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, xu hướng chọn mì giá cao, hàng nhập đang tăng và các DN trong nước khó chen chân được vào phân khúc này, vì tâm lý một bộ phận không nhỏ NTD chỉ mua hàng ngoại giá cao chứ không chấp nhận mua hàng nội giá cao, nhất là với những sản phẩm như mì gói. 

Tiêu thụ mì giảm do... tâm lý sợ!

Giám đốc một DN mì VN xác nhận: “Hai năm qua, sức tiêu thụ mì của công ty chúng tôi đã sụt giảm đáng kể theo xu hướng chung. Ngoài nguyên nhân do các thông tin không chính xác về mì ăn liền như mì ăn liền là sản phẩm thiếu dinh dưỡng, chứa chất độc hại (axit oxalic, transfat…) và là tác nhân gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư… khiến nhiều NTD lo ngại, chuyển sang chọn mì ngoại; còn có nguyên nhân từ sự du nhập của nhiều loại hình thức ăn nhanh của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới”. 

Xét về phân phúc giá, dòng mì phổ thông giá 3.500-3.900 đồng/gói; dòng mì trung cấp giá 6.500-7.100 đồng/gói, thường được mua với số lượng lớn.

Riêng mì gói dạng ly, tô có giá trên 10.000 đồng/sản phẩm. Mì hạng trung chủ yếu là mì trong nước và mì Thái.

Phân khúc cao cấp giá từ 23.700-35.000 đồng/gói, chủ yếu là của Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Tất cả các sản phẩm mì gói sản xuất đúng tiêu chuẩn thì đương nhiên sẽ đạt chuẩn chất lượng đúng yêu cầu. Tuy nhiên, mì gói chỉ cung cấp calo cho một bữa ăn, chứ không thể đảm bảo hàm lượng đạm, vitamin; thậm chí các loại mì gói đắt tiền được quảng cáo là có thành phần khoai tây, tôm, thịt...  cũng không thể đáp ứng đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết của một bữa ăn. Vì vậy, chỉ nên xem mì gói như một nguyên liệu chế biến, khi ăn nên bổ sung thêm thịt, trứng, rau... cho đủ năng lượng của một bữa ăn. Nếu chỉ có nhu cầu một bữa ăn nhanh, tiện thì mì gói là sản phẩm đáp ứng tốt nhất. Mặt khác, lựa chọn của NTD còn tùy ý thích về mùi vị”, bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN nói.

Thực tế, so sánh mì nội và mì ngoại, NTD có thể nhận thấy thành phần, nguyên liệu trong gói mì cũng không mấy khác biệt, chỉ khác ở mẫu mã bao bì bắt mắt hơn và cách hướng dẫn pha chế thoạt nhìn đã... muốn ăn. Đó là một lợi thế thu hút NTD mua hàng mà nhiều nhà sản xuất mì trong nước còn chưa lưu ý khai thác. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI