Mi mọc ngược đâm vào mắt phải làm sao?

05/06/2022 - 08:01

PNO - Các triệu chứng thường gặp của quặm mi là cảm giác tồn tại dị vật tại mắt hoặc cộm xốn, đỏ mắt, chảy nước mắt, ngứa mắt, mắt nhạy cảm với ánh sáng và gió, nhìn mờ.

* Tôi hay bị cộm xốn, chảy nước mắt, cứ tưởng do bụi bay vào, nào ngờ khi soi gương thì nhìn thấy rõ vài sợi lông mi của mí mắt dưới mọc ngược đâm vào trong mắt. Tôi cố gắng dụi mắt, dùng tay khều gạt sợi lông mi, thậm chí nhổ đi nhưng chỉ được một thời gian những sợi lông mi lại mọc ngược như cũ. Tôi cần làm gì để khắc phục tình trạng này?

Nguyễn Thị Thu Hà (35 tuổi, ngụ tại TP.Thủ Đức)

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Đình Minh Huy, giảng viên bộ môn mắt Trường đại học Y Dược TPHCM, trả lời: Quặm mi là lông mi của bạn quặt ngược vào phía bề mặt nhãn cầu. Tình trạng này sẽ gây ra sự cọ xát trực tiếp của lông mi và da mi lên đôi mắt, từ đó dẫn đến kích thích, làm đỏ mắt, cảm giác khó chịu, thậm chí viêm loét giác mạc, không được can thiệp kịp thời có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến thị lực. Các triệu chứng thường gặp của quặm mi là cảm giác tồn tại dị vật tại mắt hoặc cộm xốn, đỏ mắt, chảy nước mắt, ngứa mắt, mắt nhạy cảm với ánh sáng và gió, nhìn mờ. 

Quặm mi có thể xuất hiện ở mi trên hoặc mi dưới hoặc cả hai, xảy ra ở một mắt hoặc cả hai mắt, thường được chẩn đoán thông qua khám mắt trên lâm sàng. Việc điều trị quặm mi sẽ tùy vào mức độ triệu chứng và các nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân. Ví dụ tổn thương giác mạc gây viêm, sẹo giác mạc thì điều trị bôi trơn bề mặt nhãn cầu tại chỗ hoặc đặt kính áp tròng băng mắt. Ngoài ra, còn có phương pháp tiêm Botulinum Toxin A, cuối cùng là phẫu thuật tạo hình mi mắt. Tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác tình trạng quặm mi, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.

Trâm Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI