Mì, bún, miến, phở ngoại chiếm chỗ trên các kệ hàng

07/10/2021 - 06:28

PNO - Trong những tháng TPHCM và các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội, các sản phẩm “ăn liền” như mì, bún, phở, miến trong nước thường xuyên hết hàng. Những sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia đã nhanh chóng xuất hiện để thế chỗ.

Lạ miệng, giá rẻ

Tại các cửa hàng tạp hóa, miến tươi, mì tươi được nhập khẩu từ Thái Lan có giá 22.000 đồng/gói 400g.  Chị Ngọc Anh - Chủ cửa hàng hải sản Ngọc Anh, ở đường số 4, Q.Bình Tân, TP.HCM - cho biết, nhu cầu mua các loại mì, bún, phở, miến khô rất cao, cửa hàng nhập về chưa đầy một ngày là hết hàng, muốn nhập tiếp thì phải đợi nhà phân phối và lúc có, lúc không.

“Thấy sức mua mạnh, tôi bán thêm các mặt hàng từ Thái Lan như miến tươi hiệu Fountain, miến đậu xanh hiệu Lady do doanh nghiệp (DN) trong nước nhập khẩu về. Tôi nhập thử vài thùng, sau hai ngày thì bán gần hết. Nhiều người mua phản hồi, miến tươi này ngon hơn miến khô, có thể dùng xào, trộn salad, cuốn chả giò nên họ khá thích”, chị Ngọc Anh nói. 

các loại miến Thái đang xuất hiện nhiều tại các cửa hàng tạp hoá.
Nhiều loại miến Thái đã xuất hiện tại các cửa hàng tạp hoá

Các loại bún, mì, miến của Thái Lan, Trung Quốc cũng đang được chủ các cửa hàng tạp hóa trên đường số 1, đường An Dương Vương, Q.Bình Tân, TPHCM rao bán online khá rầm rộ. Sản phẩm từ Trung Quốc gồm mì đũa Trường Thọ, giá 24.000 đồng/500g; miến dẹt khoai tây giá 45.000 đồng/500g; miến ăn liền Trùng Khánh dạng ly, gói; bún ốc Liễu Châu, bún sợi to Đông Bắc, giá từ 30.000 - 45.000 đồng/gói. Các sản phẩm của Thái Lan được nhập khẩu chính ngạch, có thông tin của nhà sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì, còn sản phẩm của Trung Quốc hoàn toàn không có thông tin gì. 

Anh Duy Minh - nhà phân phối miến tươi Thái Lan ở TPHCM và các tỉnh miền Trung - cho biết, các sản phẩm miến của Thái Lan rất được người tiêu dùng ưa chuộng dù tăng giá 2.000 đồng/gói so với trước khi TP.HCM giãn cách xã hội, do cước vận chuyển tăng. Các sản phẩm từ Trung Quốc cũng có chỗ đứng trong bối cảnh hàng quán đóng cửa, siêu thị liên tục hết hàng, sàn thương mại điện tử “nghẽn mạch” và người tiêu dùng cũng muốn thay đổi khẩu vị. “Miến hoặc phở khô của Việt Nam có giá khoảng 150.000 đồng/kg, khi luộc sẽ cho ra 3kg tươi. Trong khi đó, 3kg miến tươi của Thái có giá chỉ 141.000 đồng, lại vừa rẻ, ngon, vừa lạ miệng nên được người tiêu dùng đón nhận” - anh Duy Minh so sánh. 

Doanh nghiệp lo mất thị trường

Ông Lê Duy Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thực phẩm Duy Anh, chuyên sản xuất bún khô, phở, bánh tráng xuất khẩu - cho biết, công ty ông đã ngưng hoạt động từ đầu tháng 7/2021 do không thể gánh nổi chi phí khi áp dụng quy định sản xuất “ba tại chỗ”. Không riêng DN của ông mà khoảng 90% DN ngành lương thực, thực phẩm cũng phải ngừng, giảm hoạt động vì lý do này, dẫn đến nguồn cung bị đứt. Điều này đã tạo điều kiện cho các sản phẩm tương tự của Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia… tràn vào thị trường. 

Miến sản xuất tại Trung Quốc cũng được bán phổ biến tại TPHCM thời gian gần đây
Miến sản xuất tại Trung Quốc cũng được bán phổ biến tại TPHCM thời gian gần đây

Theo ông, hầu hết DN Việt Nam chưa tự sản xuất được miến tươi, nếu có thì đều theo công nghệ Thái Lan. Hơn nữa, dù là hàng nhập khẩu nhưng sản phẩm Thái vẫn in chữ Việt lên bao bì sản phẩm để người tiêu dùng nắm rõ thành phần, cách chế biến. Họ cũng tiếp thị tốt, đúng lúc, khi bún, phở, miến của DN Việt Nam vừa đứt hàng, họ tiếp cận ngay, đến tận từng tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện lợi. 

Vẫn theo ông Lê Duy Toàn, việc chậm cho phép DN trong nước mở cửa sản xuất trở lại đã tạo điều kiện cho hàng ngoại nhập các loại - không chỉ hàng thực phẩm - cạnh tranh mạnh với hàng trong nước. UBND TPHCM đã cho phép DN hoạt động trở lại nhưng còn nhiều điểm chưa rõ. DN hỏi thông tin ở xã thì xã kêu hỏi huyện, hỏi huyện thì huyện bảo làm theo chỉ thị của UBND thành phố. Có thông tin rằng người lao động được tiêm một mũi vắc-xin cũng được làm việc, nhưng văn bản của UBND cấp xã lại quy định người tiêm đủ hai mũi vắc-xin từ hai tuần trở lên mới được đi làm, nên DN phải lọc lại lực lượng lao động. Đến nay, các DN cũng chưa biết rõ người lao động phải xét nghiệm như thế nào, bao lâu một lần. 

“Chúng tôi đang đăng ký hoạt động theo mô hình “bốn xanh” và đang chờ thẩm định, nhưng cũng không rõ sẽ mất bao lâu. Tôi cho rằng, nên tạo điều kiện cho DN trong nước nhanh chóng hoạt động lại để cạnh tranh với hàng ngoại nhập vì các sản phẩm này đang vào Việt Nam ồ ạt. Nếu tình trạng này kéo dài, người Việt dùng hàng ngoại sẽ quen và không mua hàng Việt nữa” - ông Lê Duy Toàn nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI