MH17 bị bắn rơi: Nga hết đường "chối tội"?

30/09/2016 - 06:30

PNO - Với những chứng cứ vô cùng sát thực cùng với sự cứng rắn của các nhà lãnh đạo các nước, Nga khó có thể "thoái thác" được trách nhiệm trong vụ việc bắn rơi máy bay MH17 này.

Ngày 29-9, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tuyên bố sẽ làm áp lực trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an LHQ buộc Nga hợp tác để truy tố kẻ bắn rơi chiếc máy bay MH17 của Malaysia.

“Từng nạn nhân bị giết vì tên lửa được mang sang từ Nga, được bắn với sự biết trước của Nga đều đang yêu cầu công lý. Và chúng tôi sẽ nỗ lực không mệt mỏi để đảm bảo công lý được thực thi” - Thủ tướng Turnbull cho biết.

Theo Thủ tướng Turnbull, ngoài Úc, Hà Lan cũng sẽ có hành động theo đuổi truy tố thủ phạm.

MH17 bi ban roi: Nga het duong
Nga khó có thể thoái thác trách nhiệm trong vụ bắn rơi MH17

Hôm 28/9, nhóm điều tra quốc tế do Hà Lan lãnh đạo (JIT) đã tổ chức họp báo ở thành phố Nieuwegein của Hà Lan, công bố kết luận sơ bộ về vụ chiếc máy bay Boeing 777 thuộc chuyến bay MH17 (bay từ Amsterdam /Hà Lan đến Kuala Lumpur/Malaysia), bị bắn rơi trên bầu trời Donetsk/Ukraine ngày 17/7/2014, khiến 298 người trên máy bay thiệt mạng.

Các nhà nghiên cứu, bao gồm các đại diện đến từ Australia, Malaysia, Ukraine và Bỉ cho biết, kết luận của họ dựa trên những bằng chứng phong phú, bao gồm cả kiểm tra pháp y, lời khai của nhân chứng, hình ảnh vệ tinh, dữ liệu radar và số liệu chặn thu các cuộc gọi điện thoại.

Các nhà điều tra cho biết, họ đã so sánh mảnh của tên lửa Buk lấy từ hiện trường tai nạn với nhiều loại tên lửa từ series 9M38, đồng thời cũng phát nổ một quả tên lửa 9M38 trong một cuộc thử nghiệm tại Phần Lan và thấy rằng chúng hoàn toàn trùng khớp.

Kết quả khám nghiệm tử thi đã tìm thấy những mảnh vỡ của tên lửa Buk trên thi thể của phi hành đoàn MH17. Dấu vết của kính buồng lái, cho thấy các mảnh vỡ đâm máy bay "từ bên ngoài". Do đó, nhóm điều tra đã kết luận rằng, tên lửa Buk phóng từ mặt đất đã bắn rơi máy bay Boeing 777.

Nhóm điều tra quốc tế còn đưa ra kết luận rằng, hệ thống tên lửa Buk này được chuyển từ Nga sang miền Đông Ukraine và sau đó lại được đưa quay trở lại lãnh thổ Nga. Dữ liệu vệ tinh từ Mỹ và Cơ quan Vũ trụ châu Âu, cùng với lời khai của nhiều nhân chứng xác nhận điều này.

Ông Wilbert Paulissen chỉ rõ, hệ thống tên lửa phòng không này đã được đưa từ lãnh thổ của Nga sang khu vực do lực lượng ly khai Donetsk quản lý bằng một chiếc xe tải Volvo màu trắng, và sau khi phóng xong đã được đưa trở lại lãnh thổ Liên bang Nga.

Theo khoảng 100 nhân chứng, hình ảnh và video cho thấy nó được hộ tống bởi một số xe quân sự khác, có “những người đàn ông mặc quân phục vũ trang bảo vệ".

JIT cho biết họ đã xác định được một phần lớn các tuyến đường mà chiếc xe Volvo đã vận chuyển hệ thống Buk từ Nga sang miền Đông Ukraine và được triển khai bên trong khu vực kiểm soát của quân ly khai Donetsk.

Ông Paulissen nói rằng, các bằng chứng khác bao gồm kết quả chặn thu các cuộc gọi điện thoại giữa các nhà lãnh đạo nổi dậy. Ngoài ra còn có hình ảnh, phân tích và dữ liệu xác thực, cộng với một đoạn video “chưa từng được biết đến” thu được từ một nhân chứng.

Như vậy với những chứng cứ vô cùng sát thực và sự cứng rắn của các nhà lãnh đạo các nước, Nga khó có thể "thoái thác" được trách nhiệm trong vụ việc bắn rơi máy bay MH17 này.

Tiêu Giao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI