Trong 10 ngày nghỉ tết Ất Tỵ (từ 25 tháng Chạp đến mùng Năm tháng Giêng), tuyến metro số 1 đã vận chuyển hơn 761.000 lượt khách, doanh thu đạt 11,7 tỉ đồng.
Metro thay thế xe ôm, taxi
Ngày 2/2, vừa từ quê miền Trung đến bến xe Miền Đông mới, cả nhà chị Lê Thị Hồng Diệp lên metro đi từ Suối Tiên về chợ Bến Thành, sau đó đi xe buýt về nhà ở quận 4, tốn tổng cộng chỉ 100.000 đồng. Các năm trước, từ bến xe Miền Đông mới, gia đình chị đi taxi về nhà, tốn 500.000 đồng mà lâu tới nơi do dừng đèn đỏ nhiều, đường kẹt xe. Khi đi một mình, chị gọi xe ôm “công nghệ”. Chị nhận xét: “Tôi thấy đi metro nhanh hơn, không lo kẹt xe, nắng nôi”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày đầu năm Ất Tỵ, các nhà ga của tuyến metro số 1 luôn đông người, đông nhất là ở nhà ga ngầm Bến Thành, quận 1; một số bãi đậu xe máy ở nhà ga trên cao luôn chật kín xe, có khi phải ngưng nhận xe do hết chỗ. Mặc dù tàu chạy 200 chuyến/ngày, tần suất 8-12 phút/chuyến, ghế ngồi bên trong tàu luôn kín chỗ, rất đông khách phải đứng.
![Metro - bước chuyển tích cực cho giao thông công cộng TPHCM Hành khách chờ tàu tại nhà ga của tuyến metro số 1 ẢNH: VŨ QUYỀN](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250206/images/2785_1-3.jpg) |
Hành khách chờ tàu tại nhà ga của tuyến metro số 1 ẢNH: VŨ QUYỀN |
Anh Lý Trung Hậu - sinh viên đại học năm thứ ba - cho biết, thời gian đầu, khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) miễn phí vé, anh đã nhiều lần đi metro. Theo anh, đi metro có nhiều tiện lợi: tàu chạy nhanh nên đỡ tốn thời gian; khi ngồi trên tàu, hành khách không lo mưa nắng, lại còn được ngắm thành phố từ trên cao.
Tuy nhiên, từ khu B ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM đến cơ sở 1 của trường, nếu chọn xe buýt thì chỉ cần lên 1 chuyến với thời gian di chuyển khoảng 1 giờ 30 phút, còn nếu chọn metro thì phải đi thêm 3 chuyến xe buýt, tổng thời gian di chuyển khoảng 1 giờ 10 phút. Như vậy, đi metro tiết kiệm được 20 phút nhưng chi phí lại cao hơn nhiều.
Bên cạnh đó, việc lên xuống tàu, đón và lên xuống xe buýt cũng vất vả hơn so với việc chỉ ngồi trên 1 chuyến xe buýt. Khi chọn đi metro, có hôm, anh phải chạy xe đến nhà ga thứ năm mới có chỗ gửi xe máy do 4 nhà ga trước đó đều trưng bảng tạm ngưng nhận xe vì hết chỗ.
Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) - đơn vị vận hành tuyến metro số 1 - trong tháng đầu, do miễn phí, lượng khách đi metro rất đông.
Trong 2 tuần đầu, trung bình mỗi ngày, tuyến metro này đón 110.000 lượt khách, đạt 300% so với kế hoạch (khoảng 40.000 lượt khách/ngày), riêng ngày 1/1/2025 đón 275.144 lượt khách. Trong 10 ngày nghỉ tết Ất Tỵ (từ 25 tháng Chạp đến mùng Năm tháng Giêng), tuyến metro số 1 đã vận chuyển hơn 761.000 lượt khách, doanh thu đạt 11,7 tỉ đồng. Trong đó, lượng khách đông nhất và doanh thu cao nhất là mùng Hai tết (120.315 lượt, hơn 1,8 tỉ đồng).
Ông Phạm Vương Bảo - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM - cho hay, trung tâm đã tổ chức kết nối 61 tuyến xe buýt với 14 nhà ga của tuyến metro số 1. Trong đó, có 44 tuyến xe buýt sẵn có và 17 tuyến mới mở có mã số từ 153 đến 169. Các tuyến xe buýt mới có nhiệm vụ vận chuyển hành khách từ các khu vực lân cận như các bến xe buýt, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, trường đại học, cao đẳng đến các ga metro.
“Qua thống kê, lượng hành khách đi trên các tuyến xe buýt sẵn có kết nối với tuyến metro số 1 tăng khoảng 10% so với trước khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, lượng hành khách trên các tuyến xe buýt mới mở cũng đang tăng dần. Đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy tuyến metro số 1 góp phần đáng kể vào việc thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng để đi lại”. Ông PHẠM VƯƠNG BẢO |
Tăng sự tiện lợi để người dân chọn Metro, xe buýt
Theo ông Phạm Vương Bảo, khi các tuyến xe buýt mới kết nối tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, trung tâm đã theo dõi tình hình đi lại trên các tuyến xe buýt hằng ngày, đồng thời ghi nhận ý kiến đóng góp của hành khách để điều chỉnh lộ trình, bổ sung các điểm đón, trả khách cho phù hợp.
Sau thời gian miễn phí đi metro, trung tâm tiếp tục theo dõi tình hình đi lại để đánh giá đúng nhu cầu đi metro và xe buýt. Trên cơ sở đó, trung tâm sẽ phối hợp các đơn vị liên quan điều chỉnh mạng lưới tuyến xe buýt nhằm tăng mức độ tiếp cận, tăng sự thuận tiện để tăng số người dân đi xe buýt.
Đại diện HURC1 cho biết, trong thời gian tới, công ty sẽ có những hoạt động để thu hút thêm hành khách, như giảm giá vé cho học sinh, sinh viên, người cao tuổi; đẩy mạnh chương trình vé tháng metro; kết nối với các ngân hàng để có các chương trình khuyến mãi cho khách hàng thanh toán vé đi metro không dùng tiền mặt; kêu gọi các nhãn hàng mở các chương trình tặng quà, khuyến mãi cho hành khách.
![Metro - bước chuyển tích cực cho giao thông công cộng TPHCM Việc đi tàu điện có nhiều sự thuận lợi như nhanh, được ngắm thành phố từ trên cao, không sợ nắng mưa](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250206/images/706_2-5.jpg) |
Việc đi tàu điện có nhiều sự thuận lợi như nhanh, được ngắm thành phố từ trên cao, không sợ nắng mưa |
Công ty cũng sẽ tiếp tục phát triển và tối ưu hóa nền tảng ứng dụng HCMC Metro HURC, với các tính năng như thông tin vé, hành trình, bản đồ, thông tin nhà ga, đóng góp ý kiến…
Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc - thành viên tổ chuyên gia tư vấn đề án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TPHCM - đánh giá, tuyến metro số 1 chỉ là 20km đầu tiên trong tổng số 510km đường sắt đô thị mà chính quyền TPHCM đã có kế hoạch phát triển trong thời gian tới: “Lúc này, những tác động tích cực của đường sắt đô thị như giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn sẽ chưa được nhìn thấy rõ cho đến khi mạng lưới đường sắt đô thị hình thành”.
Theo ông, tuyến metro số 1 đã và đang tạo được sự thay đổi trong thói quen lấy phương tiện giao thông cá nhân làm trọng tâm như hiện nay, thúc đẩy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Tuy nhiên, sự thay đổi này chỉ đang diễn ra với những người có hướng di chuyển hằng ngày đến các vị trí dọc theo tuyến metro số 1 mà thôi. Đặc biệt, việc phải đổi từ xe buýt, xe máy, xe đạp qua tàu điện hoặc ngược lại quá nhiều lần trong hành trình sẽ khiến việc đi tàu điện có thể trở nên bất tiện.
Cũng theo tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, theo đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị vừa được Bộ Chính trị phê duyệt, năm 2027, TPHCM sẽ đồng loạt khởi công 7 tuyến metro để đến năm 2035 hoàn thành 355km. Những kinh nghiệm từ quá trình xây dựng tuyến metro số 1 đã được chuyển hóa vào 43 đề xuất trong đề án gửi Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội.
Điểm trọng tâm trong các đề xuất này là tăng cường phân quyền, tạo sự tự chủ cho chính quyền đô thị trong việc triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, việc phát triển các đô thị nén theo mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) như là một bộ phận không thể tách rời của đường sắt đô thị sẽ giúp hệ thống đường sắt đô thị được hình thành trong sự phát triển hài hòa của đô thị, giúp huy động nguồn lực từ đất đai để phát triển đường sắt đô thị.
Ông cho rằng, người dân sẽ sử dụng phương tiện giao thông công cộng ngày càng nhiều nếu nó tiện lợi và có chi phí phù hợp. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin bằng mọi nền tảng. Ở chiều ngược lại, cần có thêm những chính sách hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân. Có thể thấy, việc xử lý mạnh tay với vi phạm giao thông trong thời gian gần đây cũng góp phần thúc đẩy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Vũ Quyền
Liên thông metro với các loại hình giao thông khác Để phát huy tối đa hiệu quả, tuyến metro cần liên thông tốt hơn với các loại hình giao thông khác. Hiện nay, hệ thống giao thông công cộng ở TPHCM - bao gồm metro và xe buýt - đã có những cải thiện đáng kể, góp phần giải quyết các vấn đề giao thông đô thị. Tuy nhiên, để đáp ứng toàn diện nhu cầu của người dân và xử lý triệt để các thách thức như ùn tắc giao thông, thời gian di chuyển và chi phí, hệ thống này vẫn cần được hoàn thiện thêm. Một trong những điểm chưa hoàn thiện là sự kết nối giữa các phương thức vận tải chưa thực sự đồng bộ. Tuyến metro số 1 đã đi vào hoạt động nhưng sự kết nối với xe buýt, xe đạp công cộng hay các bãi đậu xe vẫn còn hạn chế, có thể làm giảm phần nào sự thuận tiện khi hành khách cần chuyển đổi giữa các loại hình giao thông trong hành trình của mình. Do đó, cần cải thiện khả năng kết nối này. Về chi phí, sự phát triển các chính sách hỗ trợ như bán vé liên tuyến hay mở rộng đối tượng được ưu đãi chi phí sẽ dần tạo động lực để người dân lựa chọn phương tiện giao thông công cộng thay vì phương tiện giao thông cá nhân. Đây là xu hướng mà nhiều thành phố đã áp dụng thành công và TPHCM có thể học hỏi. Phó giáo sư, tiến sĩ NGUYỄN ANH TUẤN - Phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông Vận tải TPHCM |
![Metro - bước chuyển tích cực cho giao thông công cộng TPHCM](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250206/images/4336_2-6.jpg)
Cần cung cấp thêm dịch vụ trung chuyển cho metro Việc khai thác tuyến metro số 1 là một bước tiến trong việc cung cấp loại hình giao thông công cộng cho người dân TPHCM. Đây sẽ là tiền đề, động lực để phát triển giao thông công cộng chất lượng cao, nhằm sớm giải tỏa áp lực giao thông cho thành phố. Cần tái cấu trúc mạng lưới xe buýt để tích hợp vào metro, tạo sự thuận lợi tối đa cho hành khách. Có 2 lý do khiến lượng khách vượt xa dự đoán trong thời gian đầu vận hành metro: do người dân tò mò, muốn đi thử cho biết (không có nhu cầu thực); do việc đi lại bằng metro thuận lợi hơn nhiều so với đi xe máy, đặc biệt là khi chi phí đi lại được miễn trong thời gian đầu. Khoảng 5-6 tháng sau, lượng hành khách ổn định, mới biết chính xác mức độ chấp nhận của người dân và tác động của metro lên hành vi đi lại. Nói cách khác, bây giờ vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của metro. Với chỉ 1 tuyến metro được đưa vào vận hành, tác động của nó lên giao thông toàn TPHCM là rất nhỏ. Theo phân tích của tôi, tuyến metro số 1 chỉ bao phủ được khoảng 150.000 dân và chiếm chưa tới 2% dân số TPHCM. Vì vậy, tác động của tuyến metro số 1 chỉ cục bộ và giải tỏa áp lực giao thông trên đường bộ dọc theo xa lộ Hà Nội mà thôi. Để tăng tác động của metro lên các vấn nạn giao thông, cần cung cấp thêm dịch vụ trung chuyển bằng xe buýt nhỏ hoặc xe “công nghệ” để giúp người dân tiếp cận các điểm đến mà metro chưa bao phủ tới. Nếu kết hợp tốt cả metro và mạng lưới xe buýt thì TPHCM sẽ nâng độ bao phủ của giao thông công cộng lên rất nhiều, từ 2% lên 42% dân số. Ngoài ra, giá đi metro, xe buýt và xe trung chuyển cũng cần hợp lý để người dân thay đổi thói quen đi lại. Nên chọn giải pháp giá tích hợp, cho phép người dùng chuyển đổi giữa các phương tiện giao thông công cộng khác nhau mà không phải trả thêm tiền hay mua thêm vé. Với nền tảng công nghệ số như hiện nay, việc này không khó. Đặc biệt, cần xây dựng bãi xe, nhà xe và cung cấp dịch vụ giữ xe xung quanh trạm metro để khuyến khích đậu xe máy ở ga rồi chuyển qua đi metro (park and ride). Phó giáo sư, tiến sĩ HỒ QUỐC CHINH (Trường đại học Sydney, Úc) |
![Metro - bước chuyển tích cực cho giao thông công cộng TPHCM](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250206/images/1593_2-2.jpg)
Đầu tư, quản lý, vận hành metro bài bản Sự hào hứng đón nhận metro của cư dân TPHCM có thể được xem là tín hiệu tích cực để phát triển loại hình giao thông công cộng hiện đại này. Tuy nhiên, để metro dần trở nên thân thuộc, hiện hữu trong tiềm thức và luôn là sự lựa chọn ưu tiên khi dịch chuyển của cư dân thành phố, thiết nghĩ, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các lợi ích đối với cá nhân, cộng đồng khi tham gia giao thông bằng metro. Việc tuyên truyền này cần được thực hiện với nhiều phương thức, lồng ghép với tuyên truyền về văn hóa giao thông nói chung và sử dụng metro nói riêng, chú trọng tuyên truyền cho giới trẻ vốn có nhu cầu đi lại nhiều, cũng là đối tượng quyết định xu hướng sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó, cần không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ metro, gồm tiện lợi, sạch sẽ, an toàn, văn minh. Giá vé metro cần hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân để khuyến khích họ đi tàu điện. Cần có những chính sách hỗ trợ giá vé cho các đối tượng ưu tiên như học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp. Xa hơn, cần tính đến tính đồng bộ trong phát triển giữa metro và các hệ thống giao thông công cộng nhằm đảm bảo sự tiện lợi nhất cho người dân trong lịch trình di chuyển của họ. Đồng thời, cũng cần tính toán để việc phát triển giao thông song hành với sự phát triển kinh tế, xã hội. Ví dụ, phải có đánh giá tác động của metro đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, các dịch vụ mua sắm, y tế, giáo dục, vui chơi giải trí để có những điều chỉnh phù hợp trong quy hoạch và tổ chức phát triển các phân khu đô thị. Việc quản lý và vận hành hệ thống metro cần chuyên nghiệp, hiệu quả, an toàn và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Tiến sĩ BÙI NGỌC HIỀN (Học viện Cán bộ TPHCM) |
Vũ Quyền - Quốc Ngọc (ghi)