Trong cuộc đời này, với con, may mắn nhất là được làm con của bố. Con của sau này phấn đấu cả một đời cũng chỉ mong được như bố, đủ yêu thương, hy sinh, vị tha và dũng cảm để bao bọc gia đình nhỏ của mình.
Ảnh mang tính minh họa
Con cảm ơn
Cảm ơn bố đã sinh ra con trên đời này, cho con một cuộc sống đủ đầy yêu thương. Con có được như ngày hôm nay là nhờ bao hy sinh vất vả, nhọc nhằn của bố mẹ. Con vẫn nhớ như in những giọt mồ hôi ướt đẫm đôi vai gầy của bố trong những buổi trưa, trên cánh đồng chang chang nắng mùa hạ. Chiếc máy tuốt lúa mang mùa vàng về cho bà con quê mình nhưng lấy đi của bố một đốt ngón tay. Nước mắt của ba mẹ con con lăn dài mặn chát khi thấy máu rơi, chỉ có bố vẫn bình tĩnh để cười - nụ cười khắc khổ trên khuôn mặt đầy những vết chân chim của người đàn ông cả đời lam lũ. Nụ cười ấy ám ảnh con cả trong những giấc mơ.
Làm sao con có thể quên chậu máu đỏ tươi bố nôn ra vì mắc bệnh lao lực do làm việc quá sức trong một thời gian dài. Nhìn bố tiều tụy trên giường bệnh, anh em con chẳng biết làm gì ngoài khóc, khóc thương bố đã vì chúng con, vì gia đình mình mà chẳng màng đến sức khỏe bản thân. Những tháng ngày đó, ngày nào anh em con cũng gấp hạc. Chúng con gấp ngày gấp đêm, hễ khi nào rảnh không phải học hay giúp đỡ mẹ việc nhà là chúng con lại gấp. Chúng con cố gấp cho đủ một ngàn con hạc như trong truyện mà chúng con được học, với mong ước duy nhất: bố mau khỏe để về bên chúng con. Căn nhà nhỏ bình thường vốn chật hẹp, vắng bố rồi bỗng thấy thênh thang.
Chẳng biết có phải những con hạc nhỏ đã cõng theo ước mơ to của chúng con lên trời xanh bao la hay không nhưng bố dần dần khỏe hơn. Ngày bố ra viện, anh em con vui mừng hơn cả tết. Sau một ngày cố gắng bán mấy con vịt nhà nuôi, bố trở về với cành đào đơm những bông hoa đỏ thắm ngay trước giao thừa ít phút. Thế nhưng niềm vui nho nhỏ ấy chẳng được lâu khi bố vẫn còn xanh xao, hao gầy đến xót xa. Sau cơn bạo bệnh, bố đã yếu hơn nhiều, ánh mắt bố luôn phảng phất u buồn khi nhìn ra khoảng sân trước nhà.
Không đành lòng nhìn mẹ một mình với mấy mẫu ruộng và chiếc máy cày, chẳng đợi đến khi bệnh khỏi hẳn, bố đã theo bác đi làm bảo vệ công trình ở tận Hải Dương. Anh em con mếu máo nước mắt ngắn dài can ngăn, bố chỉ nhẹ nhàng bảo: “Việc đó nhẹ nhàng, bố làm được. Bố đi làm vài năm nuôi các con ăn học rồi sẽ nghỉ”. Mẹ rơm rớm nước mắt không nói gì, lẳng lặng gấp vài bộ quần áo cũ cho vào chiếc ba-lô bạc phếch từ thời bố đi bộ đội. Mẹ biết tính bố đã quyết là làm. Trước khi đi, bố nói mẹ trả bớt ruộng, không được chạy máy cày thuê nữa. Mẹ ậm ừ để bố yên tâm nhưng ở nhà vẫn đều đều những thửa ruộng cày để rồi bây giờ khi đã có tuổi, mỗi độ trái gió trở trời, bắp tay mẹ lại ê nhức.
Năm ấy, bố bảo chỉ đi vài năm. Tuy nhiên, để chúng con được đến trường; để ngày khai giảng, chúng con được mặc bộ quần áo thơm mùi vải mới, bố đã mưu sinh nơi xứ người ngót gần 20 năm, họa hoằn dịp giỗ chạp hay tết mới về nhà. Sau này bố kể lại, có những đêm đông nằm một mình trong chiếc lều giữa cánh đồng vắng cạnh nghĩa trang để trông vật liệu xây dựng, từng cơn gió thốc vào lều lạnh đến tê tái, tiếng loài chim lạ kêu quang quác, xung quanh một màu đen đặc quánh đến rợn người, bố chỉ muốn bỏ hết để về với vợ con.
Làm sao con trả hết được công sinh thành, dưỡng dục của người. Bố cho con được nói lời cảm ơn, câu cảm ơn từ tận đáy lòng mà trước mặt bố, con ngại ngùng không dám thổ lộ.
Ảnh mang tính minh họa
Con xin lỗi
Làm con, không ít lần con khiến bố phải muộn phiền. Tính bố hiền nhưng cộc, chẳng bao giờ bố nói yêu, nói thương như mẹ; lúc nào bố cũng nghiêm khắc với anh em con. Sau biết bao trận đòn vì những trò nghịch ngợm nên với bố, con luôn sợ và xa cách.
Năm ấy, con vô tâm trong những ngày bố xa nhà, khó khăn lắm bố mới mượn được chiếc điện thoại giữa rừng núi bạt ngàn để gọi về cho gia đình. Bố hỏi thăm mọi người, bố gọi con lại nói chuyện với bố đôi câu vì “lâu lắm rồi bố chẳng nghe tiếng thằng út bô bô “bố ơi, bố ơi”. Vậy mà con đã không làm điều bố muốn. Không phải con không nhớ bố, thật ra con nhớ bố nhiều lắm. Những ngày vắng bố, mỗi khi buồn, con lại chạy ra vườn, ngồi cạnh cây hồng xiêm mà ngày nào con cũng tưới nước vì trước khi đi làm xa bố đã dặn: “Con gắng chăm cây. Khi nào cây ra quả, bố sẽ về hái cho mẹ mang bán ngoài chợ”. Vì con ngại, con sợ con sẽ òa khóc khi nghe tiếng bố. Con biết bố buồn lắm. Mấy chục năm rồi con chẳng thể nào tha thứ cho mình ngày hôm ấy vì đã làm bố buồn.
Cả đời vất vả làm lụng, hơn ai hết, bố hiểu những khó khăn của cuộc đời. Thế nên bố luôn định hướng và mong muốn con có cuộc sống ổn định với một công việc nhà nước. Ngày con đậu biên chế, khuôn mặt bố như trẻ ra vài tuổi, ánh mắt bố như có ngàn tia sáng đang nhấp nháy cười khi báo tin với bà con, hàng xóm. Hẳn khi ấy bố tự hào nhiều lắm về con. Dù vậy, trong môi trường gò bó, con chẳng chịu được. Tính con thích tự do như chim trời, công việc văn phòng lại như chiếc lồng gông cùm cả những ước mơ tuổi trẻ của con.
Đêm vắng trong cơ quan, con gọi về cho bố, chẳng nói được gì ngoài tiếng “Bố ơi!” rồi con khóc nức nở như một đứa trẻ, tiếng khóc nghẹn ngào làm bố sợ, cứ hỏi đi, hỏi lại “Răng con? Răng con?”. “Con mệt quá rồi bố ạ! Con nghỉ việc về với bố nhé, bố nuôi con một năm để con học nha bố”. Tiếng nói xen lẫn tiếng khóc. Con cứ ngỡ bố sẽ khuyên con cố gắng vượt qua vì để được vào biên chế khó lắm, bao nhiêu người mơ ước… Song, lần này bố chỉ nhẹ nhàng bảo: “Mệt quá thì về thôi con, bố nuôi con được mấy chục năm, thêm một hai năm nữa có là gì, miễn sao con vui”.
Chắc bố buồn lắm nhưng vì thương con, bố chấp nhận tất cả. Hôm ấy, con cũng buồn lắm bố à, buồn vì con lại phụ lòng bố. Nhưng rồi mọi chuyện sẽ qua vì con biết trên mọi bước đường con đi đều sẽ có bố bên cạnh.
Bố ơi, trong cuộc đời này, với con, may mắn nhất là được làm con của bố. Mai này con có cố gắng thế nào cũng chỉ mong được như bố - đủ yêu thương, hy sinh, vị tha và dũng cảm để bao bọc gia đình nhỏ của mình.
Những lời này chưa quá muộn phải không bố? Con biết bố sẽ mỉm cười khi nhận được lá thư này vì bố là bố của con và vì bố luôn yêu thương con nhất.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.