Mệt mỏi với sự quá quắt của ba mẹ

04/12/2023 - 13:20

PNO - Có thể do em là người hiếu nghĩa, luôn muốn báo hiếu cho ba mẹ, hoặc em bị dẫn dắt bởi những chỉ trích, phán xét nặng nề của ông bà.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em đi học đại học rồi lấy chồng ở thành phố. Ngày cưới, em nghỉ phép để về quê, chỉ cách lễ vu quy 3 ngày, nhưng ba mẹ chưa chuẩn bị gì cả. Trong vòng 3 ngày, em phải nhờ hàng xóm, họ hàng chia nhau đi mời khách và thuê rạp, chuẩn bị tất tần tật cho đám cưới. Ba mẹ “quá quắt” như vậy chỉ để thể hiện rằng mình không cần rể.

Sau khi cưới, mỗi lần vợ chồng em về quê ăn tết, ba em lại… đuổi con rể ra ngoài ngủ. Ông nói phong tục ở quê không cho phép con rể ở nhà vợ. Mà “phong tục ở quê” buộc con gái phải ở nhà phụ giúp ba mẹ, nên năm nào vợ chồng em về quê, chồng ở khách sạn, vợ con ngủ trong nhà ba mẹ. 

Ông bà cho rằng các con phải phục vụ mọi ý muốn của mình, không thì ông bà sẽ không tiếc lời mắng nhiếc. Điều này làm các em trai và em dâu em sợ hãi, xa lánh ba mẹ. Ngày nào mẹ em cũng gọi điện đòi mua “thuốc bên Mỹ”, “mua máy mát xa”, “tiền để đi khám bệnh ở bệnh viện quốc tế”… Nếu em chậm đáp ứng, ba mẹ sẽ nói rất nặng lời, thậm chí gọi điện liên tục để truy vấn, chỉ trích.

Mới đây, ông bà làm di chúc chia toàn bộ tài sản cho các con trai. Em không cần tài sản, nhưng hành xử của ba mẹ làm em vừa tổn thương, vừa xấu hổ với chồng. Chồng em là người biết lễ nghĩa, anh chưa bao giờ làm điều gì phật ý ba mẹ. Tụi em sống cách ba mẹ hơn ngàn cây số, đôi lúc thấy em quá vất vả để đáp ứng ba mẹ từ xa, anh cũng xót, nhưng chưa bao giờ ngăn cản.

Lần này, khi chia tài sản cho 3 con trai, ba em còn gọi điện cho vợ chồng em, nói: “Suy cho cùng, con trai mới là con ruột”. Ngay sau đó, ba em lại gọi vào chỉ đạo: “Thằng Tuấn (em trai em) muốn định cư ở nước ngoài, mày là chị thì phải thay mặt ba mẹ nghiên cứu hồ sơ, thủ tục giúp nó”.

Em nên nghĩ thế nào và nên bước tiếp ra sao khi đã quá mệt mỏi với ba mẹ?

Kim Mai (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mai mến,

Mệt mỏi, rã rời đều là những tín hiệu cho thấy ta đang bắt bản thân phải làm những điều quá sức. Vậy thì phải chậm lại, lắng nghe mình và cất đi những cái gánh quá nặng.

Trước nay, em luôn đáp ứng yêu cầu của ba mẹ, dù biết đó là “quá quắt”. Khoan bàn đến vai trò của ba mẹ trong việc này, bởi ta có thể xem như ông bà đã sống quá lâu trong những tư tưởng cổ hủ nên không còn khả năng nhìn nhận đúng sai.

Vậy còn em? Nếu biết quá quắt, tại sao em vẫn đáp ứng, ngay cả những yêu cầu vô lý như buộc con rể phải ngủ bên ngoài, còn con gái thì phải ngủ tại nhà ba mẹ ruột ngày tết?

Có thể do em là người hiếu nghĩa, luôn muốn báo hiếu cho ba mẹ, hoặc em bị dẫn dắt bởi những chỉ trích, phán xét nặng nề của ông bà. Thế nhưng, báo hiếu không có nghĩa là phải đáp ứng mọi ý muốn không hợp tình hợp lý của ba mẹ. Một khi người ta đã đòi hỏi quá quắt, việc ta đáp ứng tất cả chưa chắc đã tốt cho họ.

Mọi mối quan hệ cần có sự cân bằng để có thể đi được với nhau đường dài. Em phụng dưỡng ba mẹ là tốt, nhưng nhất thiết phải cân đối với điều kiện sức khỏe, thời gian và cả tinh thần của em. Không thể một bên mải đáp ứng còn một bên mặc sức đòi hỏi - điều này sẽ dẫn mối quan hệ vào chỗ khủng hoảng và em sẽ đến lúc “tháo chạy” khỏi ba mẹ giống các em trai.

Về những chỉ trích kia, nếu em cảm thấy việc đối thoại là bất khả và ông bà bất chấp lý lẽ thì hãy ngưng tìm kiếm lẽ phải ở ba mẹ. Em cần tĩnh tâm, rồi liệt kê những việc nhất thiết phải làm cho ba mẹ. Khi liệt kê ra, em sẽ thấy phần việc đó không quá nhiều.

Với những yêu cầu phát sinh không hợp lý của ba mẹ, em có thể cân nhắc và từ chối nếu thấy mình không sẵn sàng. Em cần rõ ràng với bản thân mình trước, để tự tin ứng xử với ba mẹ. Khi đó, em sẽ có “đề kháng” tốt hơn trước những “lý lẽ vô lý”.

Hãy chủ động làm chủ tình hình. Hãy chăm sóc ba mẹ bằng trái tim và cả sự sáng suốt. Đôi lúc cần chấp nhận những phật ý nhỏ để giữ thế cân bằng của mối quan hệ. Như vậy, em mới tránh được viễn cảnh “tháo chạy” khỏi ba mẹ, em nhé.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trương Mỹ Hương 05-12-2023 08:27:33

    Theo thiển ý của mình, bạn có thể đáp ứng những đòi hỏi của bố mẹ trong phạm vi mà tài chính, sức khỏe, sự hợp lý của bạn và gia đình bạn. Còn nếu bố mẹ bắt bạn phải lo cho các em ngoài khả năng của mình thì bạn nên khéo léo từ chối vì bạn còn gia đình nhỏ của mình cần chăm sóc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI