Mệt mỏi với cuộc đời nhạt nhẽo

24/06/2019 - 11:30

PNO - Đỉnh cao nhất của đời em có vẻ cũng làng nhàng, buồn tẻ, mệt mỏi nữa. Em nghĩ tới nghĩ lui hoài, nhiều khi thấy nuối tiếc. Có thể, em chưa bao giờ biết hạnh phúc thực sự là gì.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em lấy chồng từ năm 24 tuổi, tính ra cũng đã mười tám năm chia sẻ cuộc đời với người mình chọn. Nhưng thỉnh thoảng em vẫn nghĩ không biết hồi đó mình có thực sự được chọn không, hay là đua theo bạn bè, họ lấy chồng rồi mình cũng lấy chồng. Chồng em lúc đó là thầy dạy em trong trường đại học, nhiều người ngưỡng mộ, nên khi đám cưới em coi như mình đã thắng. Bây giờ thực sự nghĩ lại đôi khi cảm thấy mình đã thua. 

Mấy đứa bạn em lấy chồng kinh doanh, nhiều cặp thành đạt giàu có. Chồng em giờ vẫn là giáo viên. Em đi làm va chạm nhiều, thấy chồng mình cũng… thường thôi, dù khi anh đi dạy, nhiều sinh viên vẫn hâm mộ thầy hơn mức bình thường. Em có hai đứa con, dù rất yêu thương con nhưng em biết con mình cũng thuộc loại trẻ em bình thường, không phải là thần đồng đất Việt. 

Tuổi này, người ta nói mình đã leo lên đỉnh dốc cuộc đời, sau đó chỉ là tuột xuống dốc mà thôi. Đỉnh cao nhất của đời em có vẻ cũng làng nhàng, buồn tẻ, mệt mỏi nữa. Em nghĩ tới nghĩ lui hoài, nhiều khi thấy nuối tiếc. Có thể, em chưa bao giờ biết hạnh phúc thực sự là gì. Bây giờ, chẳng còn nhiều thời gian, cũng không còn trẻ trung nữa, cuộc đời mình rồi sẽ bình thường nhạt nhẽo vậy cho đến cuối đời hay sao?

Thúy Linh (TP.HCM)

Met moi voi cuoc doi nhat nheo
Đỉnh cao hạnh phúc là như thế nào, có lẽ em chưa được nếm. Hình minh họa.


Em Thúy Linh thân mến, 

Tuổi 40 của phụ nữ thường được coi như độ tuổi bắt đầu tận hưởng cuộc sống. Nhưng đây cũng là độ tuổi mà những cơn khủng hoảng trung niên âm thầm xuất hiện và nhiều khi tạo cảm giác thất vọng, hụt hẫng về cuộc đời, về bản thân.

Nói vậy, để em có thể hình dung những gì đến với em cũng là một “triệu chứng” bình thường, có phần do đặc điểm tâm sinh lý, tuổi tác nữa. Thực tế, nó là một hiện tượng phổ biến chứ không phải là sự bất hạnh của riêng em.

Khi bước vào tuổi trung niên, người ta nhận thức rõ những giới hạn của bản thân. Những kỳ vọng bay bổng có phần phi thực tế của thời tuổi trẻ nguội dần, những kỳ vọng quá cao được điều chỉnh xuống. Cuộc đời không phải cứ đi lên cao mãi. Ngay cả những người thành công, công việc tiến triển tốt cũng có cảm giác mọi chuyện chậm dần lại. Người ta nghĩ nhiều hơn về bản thân, về mục tiêu của đời mình, chất lượng của cuộc sống hiện tại… 

Đây là một đoạn thời gian khó khăn, nhưng cũng là một cơ hội để mình cân bằng lại cuộc sống. Mình có thể đối mặt với nó, em ạ. Đừng cố gắng làm lơ nó. Mình đối mặt với nó như một sự việc bình thường: cuộc đời có lúc nhanh lúc chậm, cơ thể có lúc đau ốm, lúc khỏe mạnh, mình cũng có khi tích cực, khi tiêu cực.

Nhận thấy mọi chuyện đều bình thường, đó là một dấu hiệu tốt chứ không xấu. Hãy bắt đầu những điều mình muốn làm. Và nhớ rằng những gì mình trải qua, có thể chồng mình cũng đang trải qua. Hãy nói chuyện với anh ấy, đừng ôm giữ những chuyện này như một nỗi buồn riêng. Ở tuổi này, có thể có những chuyến đi chơi cùng nhau, để hâm nóng tình cảm. Giá trị của cuộc sống gia đình mình không thể đánh giá bằng cách so sánh với người khác, gia đình khác. 

Thông thường, qua “cơn” này, cảm hứng sống sẽ dần dần được khôi phục. Sau 5, 10 năm nhìn lại, mình sẽ thấy hài lòng với cuộc đời mình. Biết mình đang ở trong giai đoạn “thấp điểm”, cũng nên tự giảm bớt áp lực cho bản thân, chia sẻ với bạn bè nhiều hơn để thấy mình không đơn độc, và tìm được tiếng nói đồng cảm. Mình không thể tránh nó, thì hãy coi nó như một đoạn đời tất yếu phải qua. Chúc em thanh thản bước qua những ngày tháng này.

Thân mến, 
Hạnh Dung

Mời quý vị chat với Hạnh Dung trong ô cửa sổ bên phải bài viết hoặc gửi thư cho Hạnh Dung theo địa chỉ:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI