Mệt mỏi vì muốn mua sắm món gì cũng phải đắn đo dò xét ý chồng

29/05/2022 - 06:26

PNO - Mỗi người, nhất là hai giới khác nhau, hai tính cách khác nhau, sở thích khác nhau, sẽ có những nhu cầu khác nhau trong mua sắm, đó là chuyện thường.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em lấy chồng là một người thuộc tầng lớp khác. Gia đình em xưa nay có mức sống khá, em quen với những tiện nghi vật chất tương đối đầy đủ, thậm chí là hơi cao cấp. Trong khi chồng em, hiện nay là một bác sĩ, nhưng anh xuất thân trong một gia đình nghèo, từng phải chạy ăn từng bữa. Cho nên dù thu nhập của tụi em không thấp, nhưng anh luôn tính toán, tiết kiệm từng chút một.

Em đồng ý là tiết kiệm vào lúc này là cần thiết, bởi sau đại dịch, quan niệm sống của em cũng có phần thay đổi. Kinh tế đang gặp khó khăn vì phòng mạch của anh cũng ít khách hẳn đi so với trước dịch, anh lo lắng, căng thẳng lắm. Lương em cũng bị giảm, bản thân em cũng rất tính toán kỹ lưỡng từng khoản chi tiêu. Nhưng em vẫn nghĩ cái gì cần cho đời sống thì vẫn phải chi.

Em lấy ví dụ cho chị hiểu, là hiện nay em rất muốn bắt đầu chế độ dinh dưỡng lành mạnh, trong đó có một mục mà em thích là uống các loại sữa hạt. Đi mua sữa hạt của các công ty sữa, em vừa thấy mắc quá, vừa không an tâm về chất bảo quản.

Hôm qua em nói chồng, sau nhiều đắn đo suy nghĩ, chứ không phải hứng lên là nói: "Em muốn mua một cái máy làm sữa hạt". Vừa nghe đến đó, chồng em đã cắt ngang: "Em lại nghĩ ra chuyện để tiêu tiền rồi. Uống có ly sữa, đi tậu cả con bò".

Và thế là anh ấy bắt đầu càm ràm về chuyện em mua nhiều quá, mua nhiều thứ không cần thiết, mua đến mức anh ấy phát sợ… Trong khi em thấy mình không hề sai trong việc mua sắm này. Hơn nữa, em luôn luôn mua bằng tiền của em, em không hề nói xin tiền anh ấy, không mua bằng tiền chi tiêu của cả nhà.

Chỉ có nói như thế thôi mà anh ấy đã sửng cồ lên với em, nói là em thị tiền, là em ỷ em có tiền riêng, là nếu em nghĩ thế thì cứ mua, hỏi ý kiến anh ấy làm gì. Mọi việc thành ra lớn chuyện, mệt mỏi quá chị à.

Mua sắm cái gì em cũng phải giấu diếm, có khi phải bảo rằng người này cho, người kia tặng, phải cân nhắc khi nói ra với chồng, phải phân bua, thanh minh… đến mức em cảm thấy vô cùng khó chịu. Em phải làm sao với vấn đề này đây chị?

Thanh Hà 

Em Thanh Hà thân mến,

Chi tiêu như thế nào luôn là vấn đề lớn trong mọi gia đình, ngay cả khi hai vợ chồng có thu nhập ngang bằng nhau, hay gia đình hai bên có mức sống ngang nhau. Bởi vì mỗi người, nhất là hai giới khác nhau, hai tính cách khác nhau, sở thích, đam mê khác nhau, sẽ có những nhu cầu khác nhau trong mua sắm, đó là chuyện bình thường.

Cuộc sống đang có những đổi thay khá lớn, dịch bệnh, những khó khăn chung của nền kinh tế thêm phần tác động lớn đến tâm lý mua sắm, chi tiêu của mọi người, làm tăng thêm phần phức tạp của vấn đề vốn phức tạp này, cũng là chuyện dễ hiểu.

Cho nên ngoài việc thống nhất về cách chi tiêu, cả hai vợ chồng còn phải cùng nhau thống nhất cách trò chuyện về các vấn đề chi tiêu trong gia đình: đừng quá căng thẳng, lo lắng, bực bội với những khác biệt trong nhu cầu của nhau, đừng nâng cao vấn đề (theo kiểu như chồng em nghĩ, người này nhiều tiền hơn người kia, hay người này đua đòi hơn người kia, chẳng hạn) biến vấn đề nhỏ thành vấn đề lớn (rằng đó là tính cách của hai người hay thái độ, tình cảm với nhau) mà khiến chúng thành mâu thuẫn trầm trọng.

Cả hai phải bàn bạc, thảo luận với nhau một cách thoải mái trên những nguyên tắc chung về cách chi tiêu, hiểu rõ về khả năng tài chính gia đình, cùng cân nhắc kỹ những nhu cầu chung và riêng của mỗi người... Tất  nhiên, không thể một lúc thấy hết mọi vấn đề để mà đề ra bảng nội quy nghiêm ngặt.

Trong cuộc sống hàng ngày, những tình huống mới luôn phát sinh, khi đó lại phải linh hoạt, thay đổi. Nhưng quan trọng nhất vẫn là coi tất cả những chuyện đó là những hạng mục cần bàn bạc, chia sẻ, lắng nghe, thông cảm với nhau chứ không phải là vấn đề.

Ngoài ra, để mọi việc được nhẹ nhàng hơn, em cũng nên thống nhất với chồng về một vài khoản mua sắm riêng của từng người cho những nhu cầu riêng của chính mình.

Ví như anh có thể mua thuốc lá, sắm tư trang cá nhân hay em là son phấn, váy áo… Những khoản đó không quá cần thiết phải trình bày, thuyết phục nhau. Mỗi người tôn trọng sở thích của nhau, nhất là khi chúng giới hạn chừng mực trong khả năng kinh tế của gia đình, hay khả năng tích lũy riêng của nhau.

Có thể trước thời kỳ dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng đến nay, khi kinh tế còn thoải mái, em đã từng có những chi tiêu rộng tay, nên chồng em bị "định kiến" về cách chi tiêu của em. Bây giờ, em có thay đổi, có nhận biết những khó khăn phát sinh trong hoàn cảnh điều kiện mới, thì em cũng nên cho chồng hiểu điều đó.

Cũng đừng để tự ái hay bực bội xen vào cảm xúc, khi phải giải thích hay thuyết phục chồng xem gia đình hay chính mình cần mua gì. Để có được sự tư tin khi bàn bạc với chồng, em cũng nên xem xét kỹ tính hợp lý và cần thiết khi mua một món đồ có giá trị nào đó, và những lý do để thuyết phục chồng.

Nói chung, đây là một vấn đề vừa hết sức thực tế, lại cũng rất tế nhị. Các em nhất định phải hiểu một điều: đó là việc bình thường, nếu các em chỉ gói gọn trong việc bàn bạc và thống nhất xem nên hay không nên mua cái này cái khác.

Tất cả vì lợi ích chung của cả nhà chứ không phải chỉ là sở thích của ai. Đừng thông qua chúng để mà đánh giá tính cách, phán xét hành vi và kết tội nhau. Nếu không, chuyện nhỏ thành chuyện lớn là tất nhiên!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI