Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em đang gặp một chuyện lớn, rất khó suy nghĩ và quyết định. Năm ngoái vợ chồng em chuẩn bị ra nước ngoài sống. Gia đình chồng em ở nước ngoài đã làm hồ sơ bảo lãnh từ trước, có lẽ vì vậy mà hình thành một quán tính trong cả hai vợ chồng. Thủ tục được chấp thuận, chồng em hối thúc em lo xin nghỉ việc, chuẩn bị mọi thứ để đi. Con gái em cũng xin nghỉ học.
Mọi chuyện sau đó không diễn ra như mong muốn, dịch bệnh, hạn chế nhập cảnh rồi đóng cửa biên giới, gia đình em rơi vào thế kẹt. Lúc này, nhà cũng đã bán nên vợ chồng con cái phải ở nhờ nhà người quen, cũng không ở được lâu nên giờ bọn em đang phải thuê nhà ở.
Suốt gần cả năm qua, cả nhà sống trong tư thế đợi ngày đi, phải nói là rất mệt mỏi. Em trước đó công việc cũng tốt, thu nhập khá ổn. Bây giờ thì tất cả đều khó, xin đi làm trở lại cũng chưa chắc đã được. Điều đáng buồn là trong thời gian nghỉ ở nhà, vợ chồng em sinh ra bất đồng ý kiến về nhiều chuyện.
Em phát hiện ra một mặt trái trong tính cách của chồng: anh ấy coi việc ra nước ngoài sống là mục tiêu cuối cùng, gặp ai cũng khoe khoang, xài tiền như thể mình giàu lắm. Em thì nghĩ qua đó hay ở đây mình vẫn phải đi làm mới có tiền mà sống. Anh chị chồng bảo lãnh qua được là tốt, nhưng cũng không thể dựa dẫm. Thời gian đầu chắc chắn khó khăn, phải dành dụm tiền bạc. Vợ chồng không cùng ý với nhau, dẫn đến mâu thuẫn cãi vã.
Thật sự, thời gian qua em chợt nghĩ nếu sang đó rồi vợ chồng chia tay thì em biết phải làm sao? Thà em ở lại đây, em vẫn có khả năng tìm việc làm, sống độc lập. Thời gian đi còn chưa biết lúc nào, nhưng nhìn thấy trước tương lai không có bóng hạnh phúc, em không biết mình theo chồng là đúng hay sai đây?...
Thanh Hiền (TP.HCM)
|
Cứ sống mãi trong chờ đợi, nhiều lúc em phát điên - Ảnh minh họa |
Em Thanh Hiền thân mến,
Cuộc sống hay đẩy mình vào những thế bất ngờ không lường trước được. Dịch bệnh là khó khăn chung, cách đây hơn một năm, cũng ít ai ngờ nó lại nghiêm trọng đến như vậy.
Trước một khó khăn quá lớn, quá bất ngờ, mỗi người có cách đương đầu khác nhau. Có thể, cách xử sự của chồng em là một kiểu tự trấn an, tự động viên mình vượt qua khoảng thời gian trì hoãn, hướng tới ngày đi.
Mặt khác, thời gian chờ đợi bao giờ cũng mang lại cảm giác dài đằng đẵng, nếu mình chỉ biết chờ đợi mà không biết làm gì khác hơn, khoảng thời gian này sẽ là một cực hình, nặng nề, có thể tác động tới tâm lý của tất cả thành viên trong gia đình, gây ra những chuyện tiêu cực, không mong muốn. Hiểu được áp lực của tình thế, áp lực của mỗi thành viên trong gia đình, em sẽ biết cách tháo gỡ bớt khó khăn.
Em nên chủ động cùng chồng bàn kế hoạch tương lai cho cả nhà. Mình cùng đặt ra những giả định và có phương án đối phó cụ thể. Em tìm kiếm thông tin, tham khảo ý kiến anh chị, bàn bạc với chồng.
Kế hoạch A là sáu tháng nữa đi được thì tiền bạc như thế nào, dự kiến sang đến nơi nhờ anh chị những gì, công việc, chuyện học hành của con ra sao? Kế hoạch B là một năm nữa mới đi được, thì mọi chuyện sẽ như thế nào? Ngân quỹ gia đình phải phân ra các gói khác nhau, phần nào dành cho chi phí đi lại, phần nào dành cho cuộc sống mới, phần nào dành cho chờ đợi?
|
Nên bàn bạc để vạch lộ trình cụ thể cho những tháng ngày sắp tới. Ảnh minh họa |
Khi vạch ra từng công việc, lộ trình cụ thể, mình cũng sẽ thấy được trước mắt cần làm gì trong những ngày tháng chờ đợi này. Cả gia đình ngồi không một ngày, hai ngày thì được, nhưng không làm gì suốt sáu tháng, một năm thì không ổn chút nào. Lẽ tự nhiên, khi cùng vợ bàn bạc rõ các phương án, chồng em sẽ bớt chi tiêu vô bổ, tính toán được đường dài, tự xác định trách nhiệm với quyết định quan trọng này của gia đình.
Mình nghĩ đến những khó khăn để có phương án tích cực đối phó với khó khăn ấy, chứ không phải nghĩ đến khó khăn và chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của nó. Dự định tương lai này vợ chồng em đã có từ lâu, nay gặp khó khăn, mình cần linh hoạt để đối phó. Có động lực, có kế hoạch, mình sẽ vững vàng hơn, vượt qua được.
Lập kế hoạch là cũng để mai này nếu chuyện xảy ra không như ý muốn, em vẫn có thể quay về và làm lại. Lúc này, em đang trở thành trụ cột của gia đình đó, em cố gắng lên nhé.
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.