Mệt lử với công cuộc cạnh tranh nội bộ

29/07/2020 - 06:07

PNO - Mỗi lần đưa con về nhà nội chơi là một lần xảy ra cuộc “cạnh tranh nội bộ” rất mệt mỏi. Chiều cao, cân nặng… là chuyện được đem ra so sánh đầu tiên. Đồ dùng, quần áo là những thứ bị săm soi kỹ lưỡng.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em năm nay 31 tuổi, đã lấy chồng sáu năm và có hai bé. Gia đình em bình thường, công việc, kinh tế đều tạm ổn. Hai con em ngoan ngoãn, bé lớn đang học mẫu giáo, bé nhỏ đi nhà trẻ. Em tự xác định mình nên tập trung vào hai con, thu vén cho gia đình được yên ổn, hạnh phúc. Duy với những sự bất ổn không sinh ra từ trong gia đình em thì em chịu, không có cách nào tránh được. 

Gia đình chồng em có hai con, chồng em là con trai út, chị Hai lập gia đình rồi nhưng có con muộn, vì vậy hai con của chị Hai cũng tầm tuổi con em. Chị Hai và mẹ chồng em có một nét tính cách rất giống nhau, đó là thói quen so sánh, bình luận, khen chê… đối với tất cả mọi chuyện.

Em có cảm giác mỗi lần đưa con về nhà nội chơi là một lần xảy ra cuộc “cạnh tranh nội bộ” rất mệt mỏi. Chiều cao, cân nặng… là chuyện được đem ra so sánh đầu tiên. Đồ dùng, quần áo là những thứ bị săm soi kỹ lưỡng.

Hàng xóm qua chơi có ai khen đứa này dễ thương là lập tức đứa khác được bồng ra trình diễn so sánh. Chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng cạnh tranh khốc liệt. Về nhà nội chơi, con em ăn hết một chén mà con chị ăn hơn một chén là em bị nghe một bài giảng về chuyện nuôi con ăn. Con chị mặc cái áo không xịn bằng con em là chị mặt mày khó chịu, mẹ lên giọng về việc tiết kiệm…

Em nghĩ con nít biết gì, sao người lớn cứ câu mâu khúc mắc những chuyện như vậy cho mệt mỏi. Mỗi lần “thua” em buồn bực lắm, mà “hơn” cũng chẳng sung sướng gì. Làm sao để chấm dứt cuộc cạnh tranh này hả chị?

Lan Bình (TP.HCM)

Em Lan Bình thân mến, 

Cạnh tranh xuất phát từ chỗ có… đối thủ cạnh tranh, chứ nếu một mình thì ai mất công cạnh tranh chi cho mệt. Vậy nên, cách dễ nhất là em nhận phần thua, nhường phần thắng cho chị Hai, mọi chuyện sẽ thay đổi. Mình “thua” bằng cách mỗi lần về nhà nội cho con ăn mặc giản dị, ăn uống bình thường không cố cho hơn người ta… Vậy đó. Em thấy cũng dễ làm, phải không? 

Chuyện dễ làm nhưng nhiều khi mình sẽ không làm. Vì mình thấy không đành lòng, phải không em? Người lớn có thể sẽ ít tổn thương hơn con trẻ. Những cảm giác về sự thua sút người khác, mặc cảm về thế yếu, nỗi khao khát những món đồ chơi xinh xắn hay cái áo đẹp… nếu hằn vào tâm hồn con trẻ sẽ thành một vết đau lớn hơn mình nghĩ. Trong trường hợp này, Hạnh Dung nghĩ mình phải đặt trẻ con ở vị trí ưu tiên nhất. Em phải bảo vệ con em thôi. 

Hãy nói chuyện với chồng, nói chuyện với chị Hai, để chị đừng “chủ xị” những cuộc cạnh tranh tại nhà nội nữa. Quyền so sánh là của mỗi người, em không thể cấm nhưng đừng nặng nhẹ trước mặt con trẻ. Cho dù “hơn” hay “thua”, ấn tượng đối với trẻ vẫn là ấn tượng không tốt đẹp gì. Hãy nhờ chồng em nói chuyện với mẹ, tức bà nội của mấy đứa nhỏ. Nhà nội là nơi để sum vầy, để anh chị em thăm hỏi lẫn nhau, các cháu thăm ông bà và ông bà vui vầy với con cháu, chứ không phải là “sàn đấu” về cân nặng hay nhan sắc, đồ xịn. Bà nội các cháu sẽ hiểu. 

Người ta muốn khơi ra sự so sánh, một phần cũng vì muốn khoe tiềm năng, khoe những cố gắng của mình. Vậy mình tạo điều kiện cho người ta khoe trước. Ở đời có người thích ngọt, thích khen, bản chất đó khó thay đổi, em cứ khen cho chị vui lòng. Chẳng cần phải hơn thua gì ở chỗ này em ạ. Con mình khỏe vui, ngoan ngoãn, mình biết, đâu cần phải đặt lên cân tiểu ly mà tranh biện với ai. Chúc em bình an, vui vẻ chọn lựa cách hành xử mới. 

Hạnh Dung

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Dã Quỳ (Đà Lạt): So sánh là quyền của họ, miễn mình đừng tham chiến

Đó là một câu chuyện rất bình thường ở một nơi mà người ta vô cùng thích con béo, con ăn nhiều. Tôi từng chứng kiến biết bao nhiêu chuyện ép con ăn dở khóc dở cười quanh mình. Ai cũng muốn con mình ăn nhiều để to, khỏe. Mấy chị em bạn dâu trong nhà tôi cũng thường như vậy. 

Con tôi bé nào cũng gầy còm nhưng tôi quan niệm nuôi con thong thả tự nhiên, không ép con bất cứ điều gì. Khi nào đói thì con tự ăn. Tôi không chạy theo thúc con ăn nên cảm thấy rất thư giãn trong chăm con. Tôi muốn con tôi khỏe mạnh, linh hoạt chứ không muốn con mình béo phì. Và quan điểm đó được tôi nói ngay lập tức mỗi khi con tôi bị mang ra so sánh. 

Để giảm bớt không khí căng thẳng, tôi thường dùng câu nửa đùa nửa thật này ngay sau khi nói rõ quan điểm: “Khó lắm mới nuôi con được như vậy đó”. Bạn có thể áp dụng thử xem sao. Tôi nghĩ ta nên đối diện với mọi câu nói ở đây thật tự nhiên, bày tỏ quan điểm rõ ràng ngay từ đầu, cố gắng không bận tâm. Nếu bạn quyết định không nói qua nói lại thì chủ đề này sẽ không thể kéo dài thành cuộc chiến. 

Hồng Hạnh (Q.9, TP.HCM): Hãy đầu hàng, vì con

Đôi khi tôi thấy thật buồn cười khi đi đâu cũng gặp những câu như bạn nói. Phản ứng của tôi khi ấy thường là chủ động nhận phần thua về mình: “Ôi, em dở lắm, chị chỉ bảo thêm giúp em…”. 

Mình thua đi bạn. Thắng thì được gì? Tôi quan niệm rằng sẽ không bao giờ bận lòng về những chuyện vặt vãnh như thế này. Phụ nữ thường có xu hướng mang cái gì đó ra so sánh khi họ biết mình thắng. Vậy chi bằng mình tự thua ngay thì cảm giác hiếu thắng của họ cũng tuột ngay, có gì đâu mà nói nữa.

Chẳng phải ta đớn hèn gì mà vì ta đã xác định rằng đấy là những chuyện linh tinh. Tôi nghĩ chúng ta nên tập bình thản trước mọi sự. Đó cũng là một cách luyện cho mình bình an. Bạn cố gắng từng 
chút nhé!

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI