'Mệt ba mẹ lắm rồi'

27/02/2019 - 06:00

PNO - Một ngày, chị em tôi phải nói câu này không biết bao nhiêu lần, với bao nhiêu âm vực khác nhau nhưng lại có cùng mục đích là... dập tắt lửa “chiến tranh”.

Chiến tranh ở đâu ra, xin thưa, là của đôi vợ chồng già, còn có cách gọi khác, là ba mẹ của chúng tôi.

Càng về già, người ta càng trẻ con. Chúng tôi thấy câu ấy không sai chút nào. Ba tôi năm nay bảy lăm. Ông mới về nghỉ ngơi chính thức mấy năm nay vì sau khi nghỉ hưu, thấy mình còn làm được việc nên ông đi làm tiếp. Mẹ tôi sáu mươi bảy nhưng về nghỉ ngơi gần hai chục năm nay vì mất sức. 

Người về sớm người về muộn cũng là lý do để ba mẹ tôi... châm lửa. Ba chọc mẹ về hưu ù lì, suốt ngày ngắm ông táo nên đầu óc đen thui không biết tình hình thế giới. Mẹ tôi về nghỉ mất sức nhưng thật ra còn bỏ ra nhiều sức lực hơn để lo cho chồng con, tiếp theo là đám cháu. Bình thường, ba chọc hoài không sao, đụng cơn, mẹ làm mặt giận. Nhiều khi chị em tôi tưởng mình lọt vào lớp mẫu giáo, có hai bạn nhỏ tóc bạc ngây thơ.

'Met ba me lam roi'
Ảnh minh hoạ

Từ chuyện con gà ra đống thóc. Mẹ kể tội ba chê mẹ già cổ hủ rồi lan sang chuyện mẹ trồng được giàn bầu lúc lỉu trái, ba trách mẹ ngày nào cũng cho ăn bầu, còn bắt xách bầu đi biếu từng nhà. Ba đe mẹ từ mai trồng gì là ba tưới nước sôi ráng chịu. Rồi đến chuyện ngày trẻ, ba từng để ý cô đó mà bị từ chối. Cô đó đâu đẹp bằng mẹ nhưng lại chê ba. Còn ba, thay vì hãnh diện vì nhờ cô kia từ chối mà gặp mẹ thì lại: “Người ta xấu nhưng thông minh, đâu như ai kia, có khi hồi đó ế quá...”. 

Khỏi nói cũng biết, ngọn lửa chiến tranh lại dâng cao.

Vào mùa đông, những ngón tay ba bị nứt nẻ. Mẹ khuyên ba đừng ăn thịt gà, gạo nếp hay uống rượu nữa. Ba nói, có mấy món ngon thì cấm tiệt. Mẹ quát, nhìn bàn tay ông kìa. Ba cũng nóng mặt, “đã thế tôi cứ ăn, ăn nhiều cho mau chết”. Và rồi mẹ quay sang dỗi hờn, nói ba không thương mẹ, ba ưng chết sớm cho rảnh để mẹ một mình ở lại, hết thương thì ly hôn đi, mỗi người một nhà khỏi trông thấy nhau… 

Nhiều khi ba mẹ làm dữ đến độ bắt tôi lấy giấy ra viết đơn xin ly hôn giùm. Tôi có một tay cầm bút, một tờ giấy mà ba mẹ thi nhau người này kể tội người kia, đôi khi còn chêm vào thơ ca hò vè. Tôi ngồi nghe hai người hát hò vui vẻ, “thôi đơn ai nấy tự viết đi, con đi ăn cơm đã, đói lắm rồi”.

Và hai người già, trước đó ở hai chiến tuyến bỗng đoàn kết chung vai, chĩa mũi dùi sang tôi: “Đó, đẻ nó ra, nuôi khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho nó, trông con cho nó, để giờ nhờ tí xíu nó cũng than”.

Hàng xóm thi thoảng cũng qua méc và ái ngại “ông bà không ưa nhau nên cãi miết”. Chị em tôi cười, mối tình của ba mẹ đẹp nhất cơ quan khi ấy, thư ba mẹ viết cho nhau cất chật cái hòm tôn. Ba chị em tôi là gái, người ngoài xì xầm, ba cười “cứ con vợ sinh là tôi yêu hết”. Ba hơn mẹ gần chục tuổi nên đó giờ ba thường bảo bọc mẹ, nhưng về già ba lại hay trêu ghẹo quá đà, nhiều lần làm chúng tôi xính vính.

Tôi ở xa, mỗi lần nhận điện thoại của mẹ là biết ngay nhà có chuyện. Tôi xúi, “con mua vé cho mẹ vào ở với con nha. Con cúp máy đặt vé liền nè”.

Và điện thoại mẹ vang lên ngay sau đó. Mẹ nói nếu đi ba ở nhà với ai, ai nấu cơm ổng ăn… Ngày trẻ, ba đã yêu mẹ như thế. Cưới nhau về, sinh ba đứa con thì ba chỉ có mặt khi sinh tôi, hai đứa kia mẹ phải vượt cạn một mình vì ba đi công trình xa không về kịp. Dù vì công việc nhưng ba luôn áy náy và tìm cách bù đắp cho mẹ và chị em tôi. Là đàn ông nhưng ba nấu cơm rất ngon. Ba giành luôn phần giặt quần áo vì tay ba khỏe vò mới sạch. Ngày trẻ nói lời yêu thương quan tâm không ngại, giờ già rồi ba tự dưng... ngượng. Thay vì hỏi han mẹ thì ba chọn cách ngược lại là chọc cho mẹ giận chơi.

Và đám con cứ phải nói: mệt ba mẹ lắm rồi nghe!

Mệt thì mệt vậy, sau một giấc ngủ là khỏe re, hôm sau, “đôi chim già” lại bắt đầu hành trình mới là trêu chọc nhau, để rồi nhẹ thì nguýt háy, nặng thì tối về đám con nghe mách tội. Nhưng trong thâm tâm, chị em tôi mong ngày nào cũng “có chuyện” để yên tâm rằng ba mẹ vẫn ở đây, vẫn yêu thương nhau, vẫn bình yên và mạnh khỏe. 

Ngọc Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI