Mẹo trị con biếng ăn của một bà mẹ Hà Nội

13/09/2015 - 09:48

PNO - Hồi bé 3 tuổi, vì cháu được thương chiều nên bé ngày càng biếng ăn, đến bữa cơm cả bố lẫn mẹ nói mỏi miệng mà con không nuốt.

Con trai chị Mai Thu Hiền (34 tuổi, khu đô thị mới Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) năm nay đã lên 6 tuổi. Hồi cháu được 3 tuổi, cháu ở với bà nội. Vì bà có tí "con đầu cháu sớm" nên thương chiều hết mực, sau cháu càng ngày càng biếng ăn.

 Hành trình gian nan

“Mình dành toàn tâm toàn sức chăm sóc mà bé vẫn cứ biếng ăn và ngậm cơm mãi, ốm liên tục, thường xuyên sổ mũi và ho, người gầy nhẳng. Áp dụng bao nhiêu cách trên mạng hướng dẫn mà chẳng có cách nào có hiệu quả. Một lần tình cờ mình tìm được trang cá nhân của một chị rất được hâm mộ trên mạng xã hội với các bài viết về chăm sóc gia đình và nấu ăn.

Meo tri con bieng an cua mot ba me Ha Noi
Chị Hiền và cậu con trai 6 tuổi.

Mình đã đọc được bài viết chia sẻ về cách trị tật con biếng ăn, ngậm cơm của chị. Vì tin tưởng nên dù cách của chị không giống với những gì mà mình biết trước đó, mình vẫn thử áp dụng cho con. Và kết quả đã không làm mình thất vọng”.

Chị cho biết, trước đó chị đã cố gắng làm theo các cách trị bé ngậm cơm theo chỉ dẫn, kinh nghiệm trên sách, báo, diễn đàn, của nhiều mẹ đi trước, nhưng không ăn thua. Chị cũng đã để tự nhiên cho bé muốn ăn bao nhiêu thì ăn, không ép con để con ăn ngon miệng, cũng không ăn thua.

Thậm chí, chị còn mua Pediakid, Pediasuare, cốm tiêu hóa, trà kích thích ăn ngon, nhưng vẫn không được. Vì thế, chị Hiền bắt đầu chiến dịch “nhồi nhét” như những gì người mẹ trong bài viết đã chia sẻ, đó là chặng đường dài và đòi hỏi phải kiên trì hết mức.

Chị Hiền giao toàn bộ công việc ở quán ăn cho chồng để toàn tâm, toàn sức chăm sóc con. Sáng ngủ dậy, chị ép bé ăn 1 bát bún (phở, cháo…) đầy, nhiều thịt, rau. Sau đó 30 phút, chị cho con uống 1 bình sữa. Chị đã mua rất nhiều đồ ăn vặt về để đầy bàn, đầy tủ để kích thích sự thèm ăn của bé, cho bé ăn vặt thoải mái, bừa bãi, thích ăn bất cứ lúc nào cũng được, miễn là ăn. Từ phô mai, xúc xích, sữa chua, váng sữa, bánh, kẹo, nước ép, hoa quả… lúc nào cũng chật ních tủ. 

Dù con có ăn vặt ngang dạ cỡ nào, bữa trưa chị Hiền vẫn ép bé ăn một tô cơm đầy đủ rau, thịt… Bé ăn ngậm, ăn rất lâu, cả tiếng mới hết, chị để sẵn cái roi trên bàn, dọa. Chị và con trai học đếm, chị giao hẹn đếm đến một con số hợp lý là bé phải nuốt xong, không là bị tét đít. Bé cũng chạy đua với mẹ, vì đã từng bị ăn đòn đau rồi nên biết sợ. Chị áng chừng, khi thấy bụng con no rồi sẽ cho nghỉ.

Chiều, chị Hiền cho bé ăn bữa phụ, cháo, mì, bún, chút hoa quả rồi để kệ, cho bé thích ăn vặt gì thì ăn, chị không cấm. Bữa tối, chị vẫn tiếp tục nhồi nhét bé một bát cơm đầy, rồi chị lại để tự do cho con ăn vặt ngay sau đó, kể cả sắp đến giờ đi ngủ.

Kết quả bất ngờ

Chỉ vài ngày sau đó, bé bắt đầu ăn nhiều hơn, tất nhiên ăn vặt cũng vô tội vạ hơn, cái gì bé cũng muốn nếm thử, khả năng cảm nhận và đánh giá ẩm thực của bé tăng lên rất nhanh.

Sau 2 tháng chị áp dụng phương pháp này, con đang từ 16kg tăng lên gần 20kg. Lúc này, chị không ép nữa, cũng không ngay lập tức cắt các suất ăn vặt của con. Rất bất ngờ, con trai chị tự đi vào khuôn khổ, tự ăn và ăn một cách thích thú, ngon miệng, không cần ai nhắc nhở.

Dần dần, bé cũng tự bỏ thói quen ăn vặt (vì cơ thể bé đã đủ chất, và bé ăn mãi mấy món đó cũng chán miệng rồi nên không thích ăn nữa). Bé chỉ ăn chủ yếu các bữa chính, ăn sữa chua và hoa quả các bữa phụ, bà nội cũng hay cùng bé làm các món tráng miệng ngon nên bé rất thích ăn.

Kể từ đó, bé ăn rất tốt, luôn ý thức ăn hết khẩu phần và biết tự chọn thực đơn cho mình. Ví dụ, buổi tối chị hỏi ý bé, bé sẽ yêu cầu sáng hôm sau ăn món gì, trưa và chiều thích những món gì... và mỗi bữa ăn, bé ngồi vào bàn ăn ngoan, ăn nhanh, vừa ăn vừa khen ngon.

Trộm vía hai năm nay, chị Hiền nuôi bé dễ dàng hơn rất nhiều, lúc nào đói, bé tự tìm đồ ăn, có hôm đến giờ ăn mà mẹ với bà bận chưa kịp dọn cơm là bé nhắc nhở và đòi ăn loạn lên. Cũng kể từ đó, bé chấm dứt các trận ốm, không ho hắng và sổ mũi lần nào nữa, nếu có thì cũng chỉ 1 ngày là tự khỏi.

Chị Hiền chia sẻ: “Kinh nghiệm của mình chỉ có thế, có thể các bạn nghĩ là không tốt, nhưng đừng quá tin vào những lời khuyên sách vở, đừng lo sợ bé ăn vặt không tốt, nuôi con là mẹ phải sử dụng nhiều đến giác quan thứ 6 và thiên biến vạn hóa sao cho phù hợp với con mình”.

Sơn Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI