Từ 1/2/2017 sẽ áp dụng nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tăng mức phạt gấp 10 lần hành vi tiểu tiện bậy ngoài đường từ 300.000đ lên 3 triệu đồng là thông tin hiện đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người.
Tại TP.HCM, nơi có hơn 10 triệu dân sinh sống cùng hàng trăm điểm tham quan du lịch, việc xử phạt khiến nhiều người e ngại tính khả thi bởi vẫn chưa giải được bài toán thiếu nhà vệ sinh công cộng (NVS CC).
Đỏ mắt tìm NVSCC
TP.HCM hiện chỉ có hơn 200 NVSCC, trong đó đa phần là NVS cũ, xập xệ, kém vệ sinh, nằm chủ yếu ở các khu vực chợ, trạm xe buýt, công viên ở trung tâm TP.HCM.
18g ngày 29/11, chúng tôi thử dạo một vòng khu vực trung tâm TP.HCM. Ngay “mũi tàu” công viên Lê Lai (giáp đường Nguyễn Trãi - Lê Lai), có một NVS nằm cạnh quán cà phê, nhưng “nhà” này lại không nằm ở mặt tiền đường; khách có nhu cầu phải men theo một cầu thang bộ, chui xuống hầm. Bước vào NVS nam, có thể thấy ngay sự dơ bẩn từ bồn rửa mặt đến bồn vệ sinh... do không được quét dọn, dội rửa.
Khi chúng tôi phàn nàn, người đàn ông 50 tuổi ở trần, quắc mắt: “Không đi thì thôi, lôi thôi quá!”. Khi chúng tôi vừa ra khỏi NVS, một thanh niên chở một cô gái mặc đầm dừng xe máy lại; cô gái nhanh chóng bước xuống hầm, nhưng chưa đầy 30 giây sau đã tất tả bước vội ra cằn nhằn: “Dơ như quỷ, thà nhịn còn hơn”.
NVS nằm ở khu vực bùng binh Nguyễn Tri Phương (Q.10), nhìn bên ngoài khá khang trang, có cả số điện thoại đường dây nóng, có quầy bán nước giải khát. Nhưng khi chúng tôi bước thử vào NVS này thì thấy ngay dưới sàn, nước ngập ngụa, lênh láng, cáu bẩn; bên trong khu vệ sinh, một chiếc bồn đựng nước bằng nhựa đã cũ nát. Như các NVSCC khác, chỗ này cũng thu 2.000đ/ lượt.
Một điểm vệ sinh nằm đối diện công viên Văn Lang (đường Hùng Vương, Q.5) cũng có mô hình tương tự như ở NVS vừa kể trên, nhưng chỉ có một phòng dùng chung cho cả nam lẫn nữ. Do không được dội rửa nên mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Số lượng ít, nhếch nhác, xuống cấp… nhưng dù sao, ở khu vực trung tâm thành phố, khách có “nhu cầu” còn có chỗ “xả”; tại nhiều địa bàn khác, người có nhu cầu phải “đỏ con mắt” tìm NVS. Ông Nguyễn Hữu Hùng, 56 tuổi, chạy xe ôm ở khu vực dưới dạ cầu Ông Lãnh, đại lộ Võ Văn Kiệt (Q.1) “thách” tôi: “Anh thử đi dọc đại lộ Võ Văn Kiệt này, đến cuối điểm giao với quốc lộ 1A (P.An Lạc, Q.Bình Tân) xem có NVSCC?”.
Không chỉ có đại lộ Võ Văn Kiệt hay đại lộ Nguyễn Văn Linh (nối Q.7 và H.Bình Chánh), đoạn đường từ hầm Thủ Thiêm qua đại lộ Mai Chí Thọ (Q.2) đến tận điểm giao với đường dẫn lên đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây dài hàng chục cây số cũng tuyệt nhiên không có NVSCC nào.
Trên đoạn đường này, cánh tài xế đường dài Bắc-Nam từ cao tốc qua hầm Thủ Thiêm thường kháo nhau về những địa điểm để “xả nước cứu thân”, đó là đoạn dốc cầu Cá Trê Nhỏ, Cá Trê Lớn và đoạn dẫn vào đường Trần Não, qua cầu Thủ Thiêm, là những điểm có lau sậy um tùm.
Một điều đáng nói nữa là, ở khu vực trung tâm TP.HCM, NVSCC chỉ mở cửa vào ban ngày; từ 20g trở đi, hầu hết đều đóng cửa, trừ những NVS “3 sao” do một ngân hàng đầu tư còn sáng đèn phục vụ khách ở công viên 23/9, công viên Tao Đàn.
Thậm chí, NVSCC lớn nằm ở bến xe Lê Hồng Phong (Q.10) còn đóng cửa từ lúc 17g30 mỗi ngày. Từ 20g trở đi, nhiều người từ quán nhậu ra, bụng căng bia bọt, nhu cầu “xả nước” tăng cao là “cao điểm” của hành vi tiểu tiện bừa bãi.
|
Dù mới 18g, nhưng NVSCC ở bến xe Lê Hồng Phong (góc đường Lê Hồng Phong - Trần Phú, Q.10) đã đóng cửa |
21g ngày 29/11, chúng tôi chứng kiến rất nhiều đấng mày râu dừng xe "xả nước" bên những bức tường ven đường. Khi tôi nói nửa đùa nửa thật “không sợ phạt à?”, một “thủ phạm” tỏ ra bực bội: “Phạt cái gì? Làm NVS đi rồi hẵng phạt!”.
NVS hiện đại: Tiếp tục chờ
Nói về dự án xã hội hóa đầu tư 1.000 NVSCC hiện đại, thân thiện trên địa bàn TP.HCM mà Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM cho biết, vẫn phải chờ bởi khó khăn lớn nhất là vị trí xây dựng và kinh phí đầu tư.
Hiện nay, có ba nhà đầu tư đề xuất tham gia dự án, trong đó có đơn vị sẽ xây dựng hoàn toàn miễn phí, đơn vị khác xây dựng xong thì xin thu phí khách sử dụng, đơn vị còn lại xin được hỗ trợ gián tiếp để bù chi phí xây dựng bằng hình thức được đặt bảng quảng cáo tại một số địa điểm...
Riêng việc thu phí và hỗ trợ bằng hình thức quảng cáo cho nhà đầu tư, các sở ngành liên quan đang xem xét. Hiện nay, UBND các quận 1, 3, 5 cùng các nhà đầu tư đang khảo sát địa điểm, vị trí đặt NVSCC; nếu được thông qua, cũng phải thỏa thuận với người dân sống gần khu vực, mới bắt đầu triển khai xây dựng.
Trong khi chờ đợi dự án 1.000 NVSCC hiện đại này, một số quận đã thay đổi dần, nâng cấp NVSCC để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng việc này cũng gặp nhiều cái khó. Bà Quách Túy Hồng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.1, đơn vị quản lý 26 NVSCC trên địa bàn quận nhìn nhận, có tình trạng thiếu NVSCC do khó tìm địa điểm để đặt. Trước đây, đơn vị này quản lý hơn 40 NVSCC thì nay chỉ còn 26 “nhà”, do nhiều địa điểm đã bị cao ốc, biệt thự mới xây chiếm chỗ, phải di dời và nếu không tìm được chỗ khác thì phải dẹp luôn.
Theo bà Hồng, NVSCC nhếch nhác còn do ý thức người sử dụng. Thậm chí có 5/26 NVSCC tại các chợ Bến Thành, Dân Sinh, Tân Định, Thái Bình được công ty nâng cấp rất hiện đại, có máy lạnh, wifi , camera, vòi nước cảm ứng và người sử dụng phải làm thẻ từ, nhưng vẫn còn tình trạng người dân vô ý thức nhét vải, khăn, vứt tàn thuốc xuống bồn cầu gây nghẹt hoặc người nghiện quăng kim tiêm khắp nơi trong NVSCC (chợ Thái Bình) gây lo ngại cho người sử dụng.
Về việc NVSCC thường đóng cửa sớm, theo bà Hồng, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng và mức độ phức tạp của khu vực đặt NVSCC. Ví dụ, hai NVSCC tại chợ Bến Thành và Thái Bình do tiểu thương buôn bán ban đêm nên mở cửa từ 6g sáng đến 22g; các NVSCC còn lại đặt trên vỉa hè, công viên chỉ mở cửa từ 6g đến 18g bởi sau thời điểm đó, khách vãng lai ít sử dụng mà chủ yếu là thành phần bất hảo lợi dụng vào hút, chích, thậm chí có trường hợp uy hiếp nhân viên để lấy hết tiền trong thùng…
Sắp tới Nghị định 155/2016/ NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tăng mức phạt tiền với hành vi gây mất vệ sinh nơi công cộng lại gấp gần 10 lần so với trước, trong đó phạt từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Liệu việc này có khả thi trong tình trạng NVSCC vừa thiếu vừa nhếch nhác như hiện nay?
|
NVSCC “3 sao” tại công viên Tao Đàn (Q.1), niềm mơ ước của nhiều người dân TP.HCM, nhưng hiện còn rất hiếm |
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại thuộc Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng, tăng mức phạt là cần thiết để xây dựng hình ảnh TP văn minh, sạch đẹp. Tuy nhiên, có điều chưa ổn là mức phạt tăng quá cao.
Khách quan mà nói, NVSCC ở các đô thị hiện nay còn rất hạn chế về số lượng và chất lượng; việc “xả” không đúng nơi quy định một phần xuất phát từ công tác xây dựng, quy hoạch, quản lý môi trường đô thị của các ban ngành chưa tốt.
Do vậy, cần cân nhắc lại nội dung quy định trên theo hướng vẫn tăng mức xử phạt đối với hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định nhưng phải tăng ở một biên độ hợp lý để vừa đảm bảo tính răn đe, vừa đảm bảo tính khả thi trên thực tế.
Hoài An - Thu Hồng