Mẹo giảm cân phổ biến có thể gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2

18/02/2025 - 08:52

PNO - 1 phương pháp ăn kiêng phổ biến hiện nay có thể gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 ở thanh thiếu niên và trẻ em.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) được đăng trên tạp chí Cell Report ngày 14/2, phương pháp ăn kiêng phổ biến - nhịn ăn gián đoạn được các ngôi sao quảng bá những năm gần đây có thể gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 ở thanh thiếu niên.

Nhịn ăn gián đoạn là phương pháp giảm cân được nhiêu người nổi tiếng quảng bá. Ảnh: Shutter.
Nhịn ăn gián đoạn là phương pháp giảm cân được nhiêu người nổi tiếng quảng bá - Ảnh: Shutterstock

Nhịn ăn gián đoạn (Intermittent Fasting - IF) là phương pháp không ăn hoặc thay phiên các khoảng thời gian ăn uống khác nhau. Nhịn ăn gián đoạn có nhiều cách thức để thực hiện bao gồm: 16:8, 5:2, nhịn ăn có giới hạn thời gian, ăn - ngừng - ăn, nhịn ăn xen kẽ trong ngày và nhiều hình thức khác.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu phương pháp nhịn ăn gián đoạn trên những con chuột, nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 là do các tế bào beta - tế bào chuyên biệt trong tuyến tụy sản xuất insulin - ở những con chuột trẻ được cho nhịn ăn. Tuy nhiên ở những con chuột trưởng thành hay chuột già thì việc nhịn ăn gián đoạn lại không bị ảnh hưởng.

Tiến sĩ Alexander Bartelt - giáo sư về chuyển hóa tim mạch tại Đại học Kỹ thuật Munich và là đồng tác giả của nghiên cứu - cho biết: "Nhịn ăn gián đoạn được biết là có nhiều lợi ích, bao gồm thúc đẩy quá trình trao đổi chất và hỗ trợ giảm cân và bệnh tim. Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu cho thấy nó có hiệu quả, các chuyên gia vẫn chưa thống nhất về hiệu quả của nó và những tác động tiềm tàng lâu dài đến sức khỏe con người".

Bệnh tiểu đường tuýp 2 xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin mà cơ thể sản xuất không hoạt động bình thường. Ảnh: Healthline.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin mà cơ thể sản xuất không hoạt động bình thường - Ảnh: Healthline

Tiến sĩ Stephan Herzig - Giám đốc Viện nghiên cứu bệnh tiểu đường và ung thư tại Trung tâm Helmholtz Munich và là đồng tác giả của nghiên cứu - cho biết thêm: “Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận rằng việc nhịn ăn gián đoạn có lợi cho người lớn, nhưng có thể đi kèm với rủi ro cho trẻ em và thanh thiếu niên. Nếu chúng ta hiểu rõ hơn về cách thúc đẩy sự phát triển của tế bào beta khỏe mạnh, điều này sẽ mở ra hướng đi mới cho việc điều trị bệnh tiểu đường bằng cách phục hồi sản xuất insulin”.

Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã đánh giá lượng thức ăn tiêu thụ của 3 nhóm chuột: nhóm chuột 2 tháng tuổi được coi là thanh thiếu niên, nhóm chuột 8 tháng tuổi hoặc trung niên và nhóm chuột 18 tháng tuổi được gọi là ''già''.

Những con chuột được tuân theo chu kỳ nhịn ăn gián đoạn trong 24 giờ trước khi được cho ăn bình thường trong 2 ngày.

Sau 10 tuần theo dõi, các nhà nghiên cứu phát hiện độ nhạy insulin được cải thiện ở cả chuột trưởng thành và chuột già, nghĩa là quá trình trao đổi chất của chúng phản ứng tốt hơn với insulin do tuyến tụy sản xuất.

Các nhà nghiên cứu cho biết những con chuột vị thành niên có "sự suy giảm đáng lo ngại về chức năng tế bào beta". Sau đó, họ so sánh những phát hiện của mình trên chuột với dữ liệu từ mô người.

Các nhà khoa học cho biết ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, tế bào beta của họ biểu hiện "những dấu hiệu tương tự" cho thấy tế bào này không trưởng thành bình thường.

Tiến sĩ Leonardo Matta - nhà nghiên cứu về sinh học phân tử tại Trung tâm Helmholtz - cho biết: "Người ta thường cho rằng nhịn ăn gián đoạn có lợi cho tế bào beta, vì vậy chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng chuột non sản xuất ít insulin hơn sau thời gian nhịn ăn kéo dài''.

Theo số liệu mới nhất của Anh, gần 4,3 triệu người đang sống chung với bệnh tiểu đường vào năm 2021-2022. Ảnh: Mailonline.
Theo số liệu mới nhất của Anh, gần 4,3 triệu người đang sống chung với bệnh tiểu đường vào năm 2021-2022 - Ảnh: Mailonline

Bệnh tiểu đường tuýp 2 xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin mà cơ thể sản xuất không hoạt động bình thường. Hormone này cần thiết để làm giảm lượng đường trong máu.

Lượng đường trong máu cao theo thời gian có thể gây ra các cơn đau tim và đột quỵ, cũng như các vấn đề về mắt, thận và bàn chân.

Người bệnh có thể cần phải thay đổi chế độ ăn uống, uống thuốc hằng ngày và kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Các triệu chứng của bệnh bao gồm khát nước quá mức, mệt mỏi và cần đi tiểu thường xuyên hơn. Nhưng nhiều người không có dấu hiệu nào.

Theo số liệu mới nhất của Anh, gần 4,3 triệu người đang sống chung với bệnh tiểu đường vào năm 2021- 2022 và 850.000 người khác mắc bệnh tiểu đường và hoàn toàn không biết mình mắc bệnh. Bệnh tiểu đường tuýp 2 không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng bao gồm bệnh tim và đột quỵ. 90% tiểu đường tuýp 2 có liên quan đến béo phì và thường phát hiện ở độ tuổi trung niên.

Hà Di (theo Dailymail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI