Mềm như nước, tinh như hoa

18/02/2021 - 07:59

PNO - Khi con trẻ có cả ngàn cách để học một chủ đề, thì giáo viên hay cha mẹ chỉ có một cách để khuyến khích chúng: cho chúng lòng tin vào chính bản thân và ở đó khi chúng cần. Năng lực của nước là mềm mại, để những đóa hoa tinh tế bung nở.

Hồi còn là đứa học trò quê, tôi từng được vợ của thầy hiệu trưởng đưa từ thị xã ra thành phố để dự thi Thuyết trình văn học tỉnh. Trong lúc ăn sáng, cô đặt tay lên đầu tôi, trìu mến hỏi: “Con ổn không?”. Khi trả lời cô, hai dòng nước mắt của tôi chảy dài. Cô cứ để tay lên đỉnh đầu tôi như vậy, một lúc rất lâu. 

Khi bàn luận về điều quan trọng nhất với giáo dục, tôi nhớ bàn tay ấy - bàn tay của cô giáo chưa dạy tôi một ngày nào. Khoảnh khắc đó nhắc tôi rằng, con người có thể ấm áp thế nào, có thể hạnh phúc thế nào, có thể huyền diệu thế nào. Khoảnh khắc đó tạo ra một cảm giác khác trong trái tim tôi, rằng tôi không đơn độc. 

Loài người có cái thế giới gọi là nội tâm và hơn bảy tỷ thế giới nội tâm mênh mông tồn tại bí mật, sâu kín, mờ ảo, bên dưới những hài hước, hào nhoáng, hạnh phúc, lạc quan, bình yên, thấu cảm, vỗ về… đang được trình bày chăm chỉ, hoàn hảo trên cõi mạng. Mỗi ngày, có hàng trăm triệu câu chuyện được kể bởi hàng trăm triệu người dùng trên mạng xã hội toàn thế giới, nhưng cái đơn độc của đứa bé năm xưa ở một làng quê nhỏ dường như vẫn còn nguyên đó. Thỉnh thoảng lại có tin một đứa học trò uống thuốc ngủ vì bị ức chế, một đứa con nhảy lầu vì cô độc. Những dòng tin quá đau đớn và buồn. 

Tôi luôn tự hỏi phần mềm nào, nền tảng công nghệ nào để người ta trút vào đó nỗi oan ức, nỗi tuyệt vọng, nỗi thống khổ, nỗi cô độc, sự yếu ớt, những hoài nghi, những tổn thương tan nát? Loài người là một loài ca ngợi sự hoàn mỹ: thành công vượt trội, thành tựu đột phá, vẻ đẹp hoàn hảo, nhân cách rạng ngời. Chúng ta có quá nhiều dịch vụ làm cho hoàn hảo hơn, lung linh hơn, to lớn vĩ đại hơn; mà lại rất ít dịch vụ làm cho bình thường hơn, giản dị hơn, hiền lành hơn, dịu dàng hơn. 

Chúng ta khuyến khích những đứa trẻ vui tươi, hoạt bát, mà ít khi chừa những khoảng trống cho những đứa trẻ trầm tư, sâu sắc. Chúng ta đánh giá cao những âm thanh rộn rã mà ít khi trân trọng, thưởng lãm những lặng lẽ, im lìm. Chúng ta từ chối những biểu hiện “bất thường” của con trẻ: những cơn giận dữ, những lần chống trả bằng sự bất tuân, những quần áo tóc tai phá cách, những ánh mắt thách thức yếu ớt; bằng những mệnh lệnh, những quy tắc, những hình phạt. Chúng ta mong muốn mọi thứ ngay hàng thẳng lối. Nhưng loài người đâu có sống theo hình phẳng, họ sống thật sự ở hình cong, hình sin. 

Thật sự khó để yêu cầu giáo dục đại trà có thể đáp ứng hình cong, hình sin trong thế giới nội tâm mênh mông của con người. Chúng ta phải gọi tên các chuẩn, tiêu chí để ứng dụng rộng rãi và nhất quán: phải đảm bảo tính hệ thống. Cái áp lực từ hệ thống đè nặng lên vai từng giáo viên, từng học trò, khiến cho trái tim họ đôi lần phải khép lại. Một bàn tay ấm áp, một ánh nhìn cảm thông cần có thời gian; cần có sự hạnh phúc rộng mở từ bên trong. Một người thầy đầy gánh nặng, đầy đau đớn đâu thể đặt tay lên đứa trẻ mà khiến nó cảm thấy ủi an?

Thomas Friedman, Yuval Noah Harari, hai gương mặt nổi bật trong việc dự đoán tương lai nhân loại trong thế kỷ này, đều nhấn mạnh đến tính “người” (human being). Điểm chung của họ là kêu gọi loài người “chậm lại”, tự chủ và sáng suốt, kêu gọi mọi người “mềm ra”, thả lỏng mình đi, thay vì để mặc mình quay cuồng trong “mắt bão” của công nghệ. Khi AI có thể đọc con người rõ hơn con người thông qua hàng triệu lần click, hàng tỷ lần quẹt trên các thiết bị thông minh, thì con người dường như ngày càng thiếu thời gian hơn cho việc hiểu bản thân. Họ sử dụng nhiều thời gian để giúp máy móc hiểu họ, nhưng lại dùng quá ít thời gian để tự giúp mình làm được điều đó.

Sự bùng nổ của “làn sóng thứ ba”: làn sóng các ứng dụng công nghệ, đã tạo ra hàng trăm ngàn ứng dụng giáo dục, nội dung giáo dục trên internet. Mọi chủ đề, mọi nhân vật đều có thể dễ dàng tìm kiếm chỉ bằng các từ khóa. Hàng triệu người thầy trên khắp thế giới xuất hiện chỉ bằng một cú click chuột, một lần quẹt trên điện thoại thông minh. Chưa bao giờ việc học lại dễ dàng như thế, nhưng cũng chưa bao giờ việc dạy lại thách thức đến thế. Giờ đây, trong mắt con trẻ không chỉ có vài chục thầy cô giáo ở trường và hai người lớn ở nhà. Các con còn có hàng trăm ngàn thầy cô trên khắp thế giới, và có hàng trăm ngàn cha mẹ khác để đối chiếu, so sánh. Chúng ta không còn độc quyền trong chuyện dạy dỗ con cái, học trò của mình. 

Giờ đây, chúng ta cần lùi lại. 

Cái bóng sừng sững của chúng ta đã từng chắn giữa con và thế giới, thì giờ phải lùi xuống, đứng ngay bên cạnh để con dõng dạc bước lên. Khi xưa chúng ta dõng dạc la mắng, còn con khoanh tay lắng nghe, thì nay chúng ta mời con ngồi vào bàn để cùng trao đổi. Khi xưa chúng ta bắt con chép phạt mà không cần nghe con giải thích, thì nay chúng ta cho phép con lựa chọn một trong những cách mà các con có thể chuộc lỗi. Khi xưa chúng ta lên lớp dạy cho các con một chủ đề, sau đó chờ các con làm bài tập và chấm điểm, thì nay chúng ta cho các con nghiên cứu trước và trình bày nghiên cứu của mình. Cũng 45 phút gặp nhau, nhưng chúng ta gặp các con trong sự ngưỡng mộ, niềm khích lệ, sự thoải mái vui vẻ, thì chúng ta có đủ thời gian cho những đứa trẻ âm thầm. 

Mọi đứa trẻ đều có thể là những đứa trẻ âm thầm. Trong những ngày bình thường, chúng hớn hở tươi vui, nhưng quãng thời gian nào đó, chúng rút lui vào thinh lặng. Chúng cần người lớn công nhận và khuyến khích vào những khi lòng tràn đầy hớn hở hăng hái. Chúng cần người lớn ngồi yên nắm tay, trìu mến xoa đầu, hay ôm vào lòng, những khi chúng rút lui vào thinh lặng. Vấn đề là người lớn có đủ tinh tế để nhìn thấy chúng những lúc ấy không?

Chúng ta có thừa các quy tắc, vì công việc của chúng ta là sản sinh ra quy tắc. Chúng ta khát khao làm ngăn nắp mọi thứ, và cũng đồng thời làm xơ cứng mọi thứ. Có những thứ lẽ ra rất đẹp, như một buổi đón nhận một thư viện thiện nguyện, thì ban tổ chức cử ra một em học trò và đọc diễn cảm một bài phát biểu “đao to búa lớn”. Trong khi chỉ cần các con nói vài lời giản dị, hoặc chẳng cần nói gì cả, mà chỉ cần hưởng thụ bằng cách đọc sách thôi. Và hãy yên lặng để các con đọc sách. Hãy tắt loa đi. Chúng ta chỉ cần giản dị đi, mềm mại đi, sâu lắng đi, còn các con sẽ tự bung tỏa, tự hài hước, tự học. Mọi cái cây đều cần tưới nước, trong loại ánh nắng và không gian phù hợp với riêng chúng. 

Giáo dục cá nhân hóa là cụm từ sang trọng trong giáo dục. Trong quá khứ, chỉ có nhà quyền thế mới có khả năng cá nhân hóa giáo dục: họ thuê các gia sư về dạy cho con cái mình. Khi giáo dục đại trà tại các nhà thờ xuất hiện, và sau đó là giáo dục nhà nước theo yêu cầu từ các công xưởng, thì tính cá nhân trong giáo dục dần dần bị mai một. 

Nhưng thế kỷ XXI không còn là thế kỷ công xưởng nữa. Chúng ta có một thế kỷ của sự sáng tạo cá nhân, của sự hài hòa về tinh thần, của khát khao hiện thực hóa tiềm năng con người; một thế kỷ của môi trường sống và tồn vong của toàn nhân loại. Một thế kỷ của tình thương, sự bao dung chấp nhận khác biệt; của nhận thức về cá nhân trong nhận thức đầy đủ và toàn vẹn về loài người, về thế giới. Và một điều mà chúng ta dè dặt khi nói về, đó là sự nhận thức về tâm linh. 

Bản ngã của con người là thứ xa xỉ nhất trong giáo dục, mà thế kỷ XXI phải đối mặt. Vì đó là nhu cầu hiểu biết cơ bản, để họ tự phân định mình với máy móc, để họ tìm thấy ý nghĩa cuộc đời. Chưa bao giờ việc dạy trở nên thách thức như vậy, vì công thức đâu để dạy con trẻ nhận thức về bản ngã của mình?

Đặt ra các câu hỏi lớn như vậy để chuẩn bị cho cái ngày mà giáo viên và cha mẹ quay về tự cấu trúc tâm thế của mình. Học cách lùi lại để con trẻ lớn lên, học cách mỉm cười để con trẻ cất tiếng, học cách ôm để con trẻ chịu mở miệng nói ra, học cách nghiêng đầu để con dõng dạc phát biểu. Giáo viên và cha mẹ sẽ phải học cách mềm mại ra và tinh tế hơn để con cái, học trò của mình chủ động hơn, cứng cáp và tươi vui hơn. 

Khi con trẻ có cả ngàn cách để học một chủ đề, thì giáo viên hay cha mẹ chỉ có một cách để khuyến khích chúng: cho chúng lòng tin vào chính bản thân và ở đó khi chúng cần. Năng lực của nước là mềm mại, để những đóa hoa tinh tế bung nở. 

"Thật sự khó để yêu cầu giáo dục đại trà có thể đáp ứng hình cong, hình sin trong thế giới nội tâm mênh mông của con người. Chúng ta phải gọi tên các chuẩn, tiêu chí để ứng dụng rộng rãi và nhất quán: phải đảm bảo tính hệ thống. Cái áp lực từ hệ thống đè nặng lên vai từng giáo viên, từng học trò, khiến cho trái tim họ đôi lần phải khép lại. Một bàn tay ấm áp, một ánh nhìn cảm thông cần có thời gian; cần có sự hạnh phúc rộng mở từ bên trong. Một người thầy đầy gánh nặng, đầy đau đớn đâu thể đặt tay lên đứa trẻ mà khiến nó cảm thấy ủi an?".

Ngô Phương Thảo 

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=