Vào tối 1/5 vừa qua, Meghan Markle đã sải bước trên lễ đường trong một chiếc váy trắng lấp lánh. Dĩ nhiên, đó là cảnh nằm trong phần cuối của loạt phim “Suits” mà cô tham gia, trong đó, nhân vật của cô thủ vai kết hôn với vị hôn thê của mình.
|
Ảnh đính hôn chính thức của Hoàng tử Harry và Meghan Markle trong chiếc váy Ralph & Russo. Ảnh: Reuters |
Nhưng cũng chỉ chưa đầy ba tuần nữa, Meghan Markle, nữ diễn viên người Mỹ, từng "một lần đò", và được biết đến là người ủng hộ nhiệt thành cho Phụ nữ Liên Hiệp Quốc - sẽ đi bộ xuống lễ đường trong lâu đài Windsor để thành thân với vị hôn phu thực sự của mình, Hoàng tử Harry. Sự kiện này hứa hẹn gây bão trong giới truyền thông và công chúng khắp thế giới.
Sự tò mò đổ dồn vào những chi tiết trong đám cưới. Trong đó, có một câu hỏi lớn: Cô ấy sẽ mặc gì? Câu trả lời hứa hẹn sẽ gây ảnh hưởng đến cả kinh tế lẫn văn hóa. Bởi lẽ đó không chỉ đơn thuần là một chiếc váy.
Đầu tiên, người ta tin rằng chiếc váy sẽ cộp mác Ralph & Russo, nhà mốt đã cho ra đời trang phục đính hôn chính thức của Markle. Rồi tới nhà thiết kế thời trang Erdem Moralioglu. Nguyên nhân bởi ông là người Canada, và Markle từng sống ở Toronto khi quay loạt phim “Suits”.
Thêm nữa, Moralioglu cũng rất được ngưỡng mộ tại Tuần lễ thời trang với các thiết kế đầm ren lãng mạn. Bản thân Markle cũng từng cho biết trên tờ Vanity Fair rằng mình đã mặc trang phục của Erdem Moralioglu suốt nhiều năm. Cạnh đó, một ứng cử viên sáng giá khác là hãng thời trang Burberry, bởi dáng vẻ sang trọng phảng phất nét Anh Quốc đặc trưng trong các tiết kế của mình.
Chẳng ai có thể chắc chắn về khả năng này cho đến khi cô dâu xuất hiện vào ngày 19/5, nhưng có một điều đã rõ, rằng bất kỳ ai được chọn là người thiết kế, thì cũng sẽ trở thành một cái tên được chú ý khắp toàn cầu.
Trong ảnh hưởng văn hóa ngày nay, khi khả năng kích thích khuynh hướng của một cá nhân chỉ đơn giản bằng sự hấp dẫn của chính mình có sức hiệu quả mạnh mẽ hơn bất kỳ chiến dịch quảng cáo nào, và một bức ảnh có thể mang thông điệp lan tỏa khắp thế giới nhanh hơn bất kỳ thứ ngôn từ nào, thì dường như, Meghan Markle có thể được coi là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất.
Mặc dù, cô đã nhanh tay xóa gọn tất cả các tài khoản truyền thông xã hội của mình.
|
Hoàng tử Harry cùng Markle tại Thế vận hội Invictus ở Toronto năm 2017. Ảnh: Reuters |
Sức ảnh hưởng lớn hơn Công nương Kate Middleton
Gần như ngay sau khi Markle xuất hiện cùng Hoàng tử Harry tại Thế vận hội Invictus ở Toronto vào tháng 9 năm ngoái trong chiếc quần jean rách của Mother - thương hiệu đến từ California và mang theo chiếc túi xách Everlane, những con số doanh thu đã bắt đầu tăng chóng mặt.
Hãng Mother cho biết, lưu lượng truy cập vào trang web của mình tăng tới 200%, và lượng tìm kiếm về tên thương hiệu trên Google tăng 60%. Theo Lela Becker, chủ tịch và người sáng lập của Mother, chiếc quần jeans "cháy hàng" trong ba ngày và 400 người đã đăng ký trong danh sách chờ mua. Thậm chí, có một ngày, trang web nhận lưu lượng truy cập nhiều hơn cả trong ngày siêu khuyến mại Black Friday.
Tình hình cũng "y chang" với hãng Everlane. Có hơn 20.000 người đăng ký vào danh sách chờ mua chiếc túi tote của Markle. Khi Michael Preysman, người sáng lập và giám đốc điều hành của Everlane, được yêu cầu so sánh sức ảnh hưởng của Markle với một người nổi tiếng, ông đã chọn cái tên “Angelina Jolie”.
Chiếc áo khoác màu trắng đến từ hãng Line the Label của Canada mà Markle mặc khi thông báo đính hôn được bán hết gần như ngay lập tức, và trang web của thương hiệu cũng bị... sập. Lưu lượng truy cập trang web của Birks, hãng kim hoàn Canada sản xuất đôi bông tai chất liệu ngọc opal và vàng mà cô mang cũng trong dịp đó, tăng 500%, và hiện tượng tương tự đều xảy ra mỗi lần cô chọn đeo một món trang sức nào đó của hãng.
|
Hoàng tử Harry và Meghan Markle sau khi thông báo lễ đính hôn tại Cung điện Kensington vào năm 2017. Ảnh: EPA |
“Từng có những người nổi tiếng đeo trang sức hãng chúng tôi, như Claire Foy, Serena Williams, nhưng chưa có ai gây phản ứng toàn cầu lớn đến thế. Chúng tôi luôn phủ sóng ở Canada, nhưng giờ đây các sản phẩm của Birks còn xuất hiện trên Vogue Nhật Bản, hoặc ở Nga và hơn thế nữa”, Eva Hartling, Phó Chủ tịch của Birks cho hay.
Khi Markle mang theo chiếc túi Strathberry cho lần xuất hiện chính thức đầu tiên của cô sau khi đính hôn, nó được bán hết trong 11 phút, và lưu lượng truy cập đến trang web của công ty tăng 5.000%. Vào tháng 1 năm nay, cô mặc chiếc quần jeans đen từ Hiut Denim, một nhãn hiệu nhỏ của xứ Wales, và hai tháng sau đó, công ty này chuyển đến một nhà máy lớn hơn để đáp ứng nhu cầu.
Ngay cả trong bối cảnh mà toàn thế giới đang hết sức chờ đợi một cái kết hạnh phúc của tình yêu kiểu công chúa hoàng tử giữa thời hiện đại, thì quy mô của sự phản ứng này vẫn là khó lường. Nhất là khi, Markle sẽ không bao giờ có danh hiệu công chúa thực sự. Theo BBC, cô có thể được phong tước Công nương Henry xứ Wales, nhưng không phải là Công chúa Meghan. Và chồng cô đang ở vị trí thứ 6 trong danh sách thừa kế ngai vàng, sau sự ra đời của đứa con thứ ba của Hoàng tử William và Công nương Kate.
|
Meghan Markle ở Nottingham tham gia sự kiện công chúng cùng Hoàng tử Harry vào ngày 1/12/2017. Cô mang theo một chiếc túi Strathberry. Ảnh: Pool photo |
Đó cũng là lý do tại sao Brand Finance, công ty tư vấn Anh chuyên về định giá thương hiệu (đặc biệt là các tài sản vô hình), ban đầu dự kiến rằng đám cưới sẽ có giá trị khoảng 500 triệu bảng Anh (khoảng 696.86 triệu USD) và đưa ra xác nhận không chính thức rằng đây là một sự kiện có ý nghĩa, nhưng không phải là hiện tượng.
Nhưng ngay sau khi báo cáo được công bố, David Haigh, giám đốc điều hành đã phải sửa lại dự đoán này của mình, cho rằng đám cưới sẽ có giá trị khoảng gần một tỷ bảng Anh và thậm chí có thể còn hơn thế nữa.
Theo ông David Haigh, bản thân Markle có thể đóng góp 150 triệu bảng Anh (khoảng 209,1 triệu USD) mỗi năm với phong cách thời trang Anh Quốc của mình. Cô "sẽ nhanh chóng bắt kịp hoặc thậm chí vượt qua Nữ công tước xứ Cambridge trong ảnh hưởng đáng kinh ngạc với ngành công nghiệp thời trang", ông nói.
Và đó chỉ là ở Anh. Tại Canada, nơi Markle sống suốt 7 năm tham gia phim truyền hình “Suits”, cô không chỉ nâng cao vị thế của các thương hiệu Canada bao gồm Birks, Line the Label, Sentaler và Mackage, mà còn là nâng cao sức mạnh của chính ngành công nghiệp thời trang nội địa.
|
Hoàng tử Harry và Meghan Markle sau chuyến viếng thăm Cardiff, xứ Wales. Cô xách túi DeMellier và mặc quần jeans từ Hiut Denim. Lượng đơn đặt hàng của công ty này đã tăng vọt sau khi bức ảnh được lưu hành. Ảnh: AP |
Nếu Sophie Grégoire Trudeau, vợ của thủ tướng Canada Justin Trudeau, lần đầu tiên khiến thế giới chú ý hơn đến thời trang Canada, thì Markle đã nâng sự quan tâm này lên theo cấp số nhân.
Vicky Milner, chủ tịch của Giải thưởng Thời trang và Nghệ thuật Canada, đã mời Markle đến trao giải thưởng Nhà thiết kế Canada quốc tế năm 2016. Giải được trao cho Jason Wu, nhà thiết kế từng có trang phục mà cô dâu hoàng gia tương lai chọn mặc.
Milner nhận định, một nhân vật như Meghan Markle có thể thay đổi cục diện thời trang của một đất nước. Bà cũng cho biết, thời trang Canada đã từng bị coi là kém sáng tạo hoặc kém hơn trong việc tạo nên xu hướng so với Paris hay Milan, nhưng sự bảo trợ của Markle sẽ đem lại một tương lai đáng mong đợi hơn.
|
Markle tham dự buổi tiếp đón với các đại biểu từ Diễn đàn Tuổi trẻ Commonwealth ở London trong bộ váy của Joseph Altuzarra. Ảnh: Pool photo |
Nhà thiết kế người Mỹ gốc Pháp Joseph Altuzarra, người từng làm việc với Markle trong bộ phim “Suits”, cho biết khả năng thay đổi nhận thức về một thương hiệu là “ít hơn về lượng, nhưng được cho là có tác động lớn hơn” so với ảnh hưởng của cô về mặt doanh số.
Cô mặc chiếc váy dài đến từ thương hiệu của Joseph Altuzarra cho sự kiện lớn đầu tiên mà mình tham gia với tư cách là đại diện gia đình hoàng gia tại Diễn đàn Tuổi trẻ Commonwealth vào tuần trước. Lượng truy cập trang web tăng 400%, truy cập Instagram của hãng tăng 300% trong những giờ sau đó.
“Chúng tôi không phải là một nhãn hiệu thời trang đường phố lâu năm, mà mang tính đặc thù hơn. Cô ấy đã thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về chúng tôi”, nhà thiết kế Altuzarra nói.
Hiệu ứng Obama
Chưa từng có một nhân vật nào khác có lựa chọn về trang phục lại khiến công chúng bị ám ảnh đến mức như vậy, kể từ thời Michelle Obama. Cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ là người đã truyền cảm hứng cho một giáo sư Đại học New York viết nên nghiên cứu phân tích về hiệu ứng của bà trên thị trường chứng khoán thời trang, được đăng tải trên Tạp chí Kinh doanh Harvard.
Thật vậy, kể từ khi nhà Obama rời khỏi Nhà Trắng, vai trò của bà Michelle trong hình tượng nhân vật công chúng có ý thức sử dụng thời trang một cách sáng tạo để thúc đẩy ý tưởng và lý tưởng cụ thể, đã bị bỏ trống. Phu nhân Tổng thống Mỹ Melania Trump thì tỏ ra khá miễn cưỡng trong việc chọn trang phục theo chiến lược, và Brigitte Macron, Đệ nhất phu nhân Pháp, thì chỉ trung thành với các thương hiệu Pháp, đặc biệt là Louis Vuitton. Nếu Meghan Markle có một hình mẫu về cách sử dụng vị trí như "vợ của" ai đó để thúc đẩy chương trình nghị sự lớn hơn, thì rất có thể đó là bà Obama.
|
Từ trái sang: Các Đệ nhất phu nhân Melania Trump, Brigitte Macron và Michelle Obama. Ảnh: The New York Times, Getty, WPA |
Caroline Rush, giám đốc điều hành của Hội đồng thời trang Anh cho biết: “Chúng tôi nhận thấy Meghan Markle cân nhắc rất kĩ về những gì cô sẽ mặc và hiểu được quyền lực mềm của thời trang có thể có liên quan đến một cộng đồng, nâng đỡ các công ty trong nước và rằng những gì bạn mặc có thể là lời thách thức đối với các hiệp định”.
Một số các nhãn hiệu ngẫu nhiên mà Markle đã từng chọn mặc là các hãng lớn của Anh (Burberry, Alexander McQueen, Stella McCartney), nhưng nhìn chung trang phục của cô thường đến từ các thương hiệu hiện đại nhỏ hơn thuộc khắp Khối thịnh vượng chung (và các thuộc địa cũ).
Theo ông Haigh, điều này gợi nhớ đến lịch sử thời trang của bà Obama, mặc dù nó phản ánh cả câu chuyện của riêng Markle và triển vọng rằng cô và Hoàng tử Harry sẽ được giao nhiệm vụ làm “đại sứ quốc tế” với mong đợi hình ảnh gia đình hoàng gia sẽ trở thành biểu tượng được chú ý đến trên toàn thế giới, trong bối cảnh Brexit ảm đạm.
Ngoài ra, có lẽ Markle không chỉ là nhân vật thể hiện cho sự ngưỡng vọng - cô còn là hiện thân của sự thay đổi. Điều đó được thể hiện trong trang phục, nhưng còn vượt xa hơn thế rất nhiều. Đó là lý do tạp chí Time đưa Markle và Hoàng tử Harry vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2018 (ngay bên cạnh Tổng thống Trump).
Ông Altuzarra chỉ ra, Markle cũng “đại diện cho tính toàn diện”. Nếu Catherine, Nữ công tước xứ Cambridge, là người dân thường đầu tiên kết hôn với thành viên hoàng tộc trong 450 năm, thì Markle đại diện cho thế kỷ 21 và thái độ của nó trước nhiều vấn đề, bao gồm chủng tộc và quốc tịch.
Jean-Christophe Bédos, Giám đốc điều hành của Birks Group, công ty sở hữu thương hiệu Birks nhận xét: "Ngoài câu chuyện cổ tích, từ quan điểm xã hội học, cô ấy dường như là là một phụ nữ rất hiện đại, với một hình tượng dễ tiếp cận, một người phụ nữ tự đưa ra lựa chọn của mình”.
|
Markle mặc một chiếc áo khoác của Burberry trong chuyến viếng thăm lâu đài Edinburgh. Ảnh: EPA |
Bà Bédos nói: “Cô ấy đặc biệt hơn bất kỳ nhân vật hoàng gia tương tự nào. Cô đã bị chỉ trích cũng vì điều đó, người ta càu nàu về chiếc quần jeans rách, chiếc đầm vải voan, búi tóc rối, cách cô đeo nhẫn… nhưng cũng có những lời cổ vũ. Nó có tác dụng hấp dẫn đến một khu vực bầu cử khác. Hãy nghĩ về nó theo cách này: Catherine mặc những chiếc tất da chân tuyệt đối cần thiết khi cô xuất hiện trước công chúng. Markle thì không làm thế. Đó là một chi tiết thôi, nhưng nó nói lên nhiều điều”.
Với công chúng, các tấm hình thảm đỏ, ảnh trên trang mạng xã hội Instragram bởi những người nổi tiếng được trả tiền hoặc có mối quan hệ chính thức với thương hiệu, không thể mạnh mẽ bằng một nhân vật tự đưa ra các lựa chọn thời trang mà không bị ràng buộc về nghĩa vụ tài chính.
Bản thân thời trang chỉ có sức mạnh giới hạn mà thôi, điều khiến hình ảnh của Meghan Markle có sức thuyết phục đến vậy, đến từ nội dung và tính cách mà trang phục đang thể hiện.
Khi lời thổi phồng, niềm hy vọng và tin đồn tiếp tục đến dồn dập, và công chúng đang nín thở chờ đợi bộ váy cưới chính thức vào ngày trọng đại, thì đó là một bài học đáng ghi nhớ.
Lan Phương (Theo The New York Times)