Hôm nay, tivi lại đưa thêm một tin nữa, chúng ta đang thực sự quay quắt sống trong cảnh bị bủa vây bởi thực phẩm bẩn. Đứng trước việc "ăn cũng chết mà không ăn cũng chết", mẹ quả thực không được lựa chọn. Ngàn lần xin lỗi con!
Mỗi đêm, khi con đang an nhiên trong giấc ngủ, cũng là lúc mẹ tranh thủ dành chút thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của mình để lên mạng, tìm kiếm, học hỏi những bà mẹ khác cách nuôi dạy con cái. Mẹ tin mình có thể dạy con tốt, nhưng khó mà nuôi con khỏe được, bởi lẽ, mẹ quá bất lực trước cảnh xung quanh mình, đâu đâu cũng đầy hiểm họa, từ một miếng ăn nhỏ nhất cũng tiềm tàng đầy rẫy những nguy hiểm chết người.
Ngày nào mẹ cũng hoang mang tự hỏi nên cho con ăn gì đây, khi mà mực bị ướp tẩm thuốc chống thối, thịt bị tẩy bằng hoá chất, tôm cua bị tiêm silicon, rau phun thuốc kích thích, hoa quả ngâm trong chất độc và lươn thì bị vỗ béo bằng thuốc tránh thai...
|
Mẹ ước ao các con được lớn lên khỏe mạnh về cả tinh thần lẫn thể chất (ảnh minh họa) |
Càng ngày, ung thư càng trở thành một cụm từ thường gặp, và chúng ta chỉ biết cầu nguyện cho nó đừng rơi vào mình. Không chỉ người lớn mà ngay cả những đứa trẻ cũng không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Có những bạn bé chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn tuổi con một chút với cái đầu trọc lốc vì xạ trị, đối diện với cái chết mà ánh mắt chúng ngơ ngác đến xót lòng.
Mẹ thực sự không hiểu những kẻ đang nhẫn tâm bỏ độc vào đồ ăn họ nghĩ gì? Họ có phải là một người cha, người mẹ hay không? Lẽ nào họ vô cảm đến vậy trước sự sống của đồng loại mình, hay gần gũi hơn, của chính những người thân của mình?
Là một người mẹ, mẹ luôn muốn dành cho con những điều tốt nhất trong khả năng của mình. Mẹ đã cố hết sức, nhưng khả năng của mẹ thì có hạn và mẹ đang cảm thấy mình quá bất lực khi phải đối diện với những thủ đoạn đầu độc tinh vi ấy.
Mẹ nghĩ rằng, những người đang tâm bỏ độc vào thực phẩm, họ còn dã man, tàn nhẫn và bất nhân hơn những kẻ giết người bằng dao súng.
Bởi lẽ hành động giết người đôi khi chỉ là bộc phát, mất kiểm soát trong phút chốc, còn những kẻ đang đầu độc đồng loại của mình, họ hành động một cách hoàn toàn có ý thức và trong cả một quãng thời gian lâu dài. Họ thừa biết hậu quả, nhưng vẫn làm. Họ bảo người nhà mình đừng ăn chúng, nhưng lại bán chúng cho người khác để lấy lời. Lòng tham đã khiến họ tha hoá đến cùng cực, và chẳng còn xứng đáng mang bộ mặt người.
|
Mẹ ước con được ăn những thực phẩm sạch sẽ và đảm bảo an toàn chất lượng (ảnh minh họa) |
Nhân danh những người mẹ, mẹ không chỉ muốn lên án mà còn muốn nguyền rủa họ. Bởi họ không chỉ đang giết chết một thế hệ mà còn gây ra những di chứng nặng nề, khó khắc phục cho nhiều thế hệ khác.
Nếu để so sánh, thì di chứng của chất độc đioxin - nỗi ám ảnh đau thương của đất nước, con người Việt Nam - cũng chỉ kinh khủng đến thế là cùng! Nếu có một hình phạt nào tàn ác nhất, có lẽ nên dành để xử lí những kẻ mất lương tâm và vô nhân tính này!
Khi phải chứng kiến người thân của mình vật vã vì đau đớn, khi niềm hi vọng và tương lai bị lụi tắt vì bệnh tật, mẹ tin rằng chẳng ai có thể mở lòng thứ tha cho những kẻ đã đầu độc mình từ miếng ăn.
Sau này, khi trở thành một người mẹ, con sẽ hiểu niềm hạnh phúc của chúng ta đôi khi giản dị đến vô cùng, đó là được ngắm con cái mình lớn lên khoẻ mạnh, được nhìn thấy chúng ngấu nghiến những bữa ăn do chính tay mình chuẩn bị.
Nhưng trong hoàn cảnh của mẹ, niềm vui ấy đang dần biến thành nỗi lo lắng vô biên. Mẹ chỉ là một công chức bình thường, mẹ không có nhiều tiền để mua được những loại thực phẩm nhập ngoại cao cấp, mẹ chỉ có thể cố gắng dùng kinh nghiệm và hiểu biết của mình để lựa chọn thực phẩm cho con. Nhưng mẹ cũng chẳng dám chắc rằng chúng 100% an toàn.
Thực phẩm bán ngoài chợ phần nhiều không rõ nguồn gốc, không được kiểm định, nhưng thực phẩm bán trong siêu thị cũng chẳng đảm bảo gì hơn, khi mà cứ vài hôm, người ta lại khui ra một vụ bê bối. Những tin tức ấy chẳng khác nào quả bom thả giữa mâm cơm nhà mình.
Mọi thứ nhốn nháo, đảo điên đến độ mẹ chẳng còn dám mong cầu gì xa xôi, chỉ cầu cho mỗi ngày, bát cơm mà con ăn không phải là một bát thuốc độc...
Nguyễn Thị Hòa Bình (Hà Nội)