Mẹ vợ cũng là mẹ mình

04/01/2021 - 08:59

PNO - Người ta hay nói, nhìn vào cách con rể đối xử với nhà vợ thế nào là biết người đó có thương vợ hay không.

Buổi sáng của gia đình ông Phan Quốc Nhân và bà Nguyễn Thị Minh Thu (P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) thường bắt đầu lúc năm giờ, ông bà xỏ giày thể thao, cùng nhau đi bộ. 

Sáu giờ, bà Thu lo nấu cháo cho mẹ và cháu ngoại, thì ông Nhân lo việc vệ sinh cho mẹ vợ, thu dọn giường chiếu. Sáu giờ rưỡi, bà Thu đút cháo cho mẹ, rồi tới phiên ông Nhân cho mẹ vợ uống thuốc, mát-xa, tập vật lý trị liệu…

Gia đình ông Nhân luôn đầm ấm, yên vui
Gia đình ông Nhân (người đứng giữa) luôn đầm ấm, yên vui

Mẹ vợ ông Nhân bị tai biến đã bảy năm. Việc ăn uống, vệ sinh phải nhờ vào con cái. Nhờ được chăm sóc tốt, mẹ vợ ông Nhân không có biến chứng. Ông bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian mẹ mới bị tai biến. Đó là vào năm 2013. Thương mẹ cả đời cực khổ, quanh năm không rời khỏi xó bếp, vợ chồng ông dành dụm, mời mẹ một chuyến du lịch Thái Lan.

Trên đường đi, mẹ kêu mệt, tê tay chân. Thay vì xe tới sân bay cùng đoàn du lịch, lại chạy luôn vào bệnh viện Chợ Rẫy. Vài giờ sau bà đã cứng hàm, yếu liệt chân tay. Bác sĩ nói bà bị xuất huyết nửa não, sự sống chỉ tính từng ngày. Vợ chồng ông Nhân hủy luôn ba vé đi Thái, ở lại chăm sóc mẹ. Ông Nhân cùng em rể mang bệnh án của mẹ vợ tìm tới những bác sĩ hàng đầu về đột quỵ nhờ tư vấn, chọn cho mẹ những loại thuốc tốt nhất. Nhờ nỗ lực của cả nhà, bà mẹ hồi phục thật kỳ diệu.

Dạo đó, bà Thu phải xin nghỉ việc ba tháng không lương để chăm sóc mẹ. Ông Nhân thì làm việc hai tuần lại xin nghỉ một tuần để phụ vợ. Mẹ nằm bệnh viện Chợ Rẫy gần nửa năm, cuộc sống gia đình ông Nhân đầy xáo trộn. Sau này đưa mẹ về lại Cần Thơ, mọi việc mới dần ổn định. Nhưng bệnh người già, bữa khỏe bữa mệt, vợ chồng ông vào ra bệnh viện với mẹ như cơm bữa.

Mỗi ngày phải thuê người tập vật lý trị liệu cho mẹ, ông Nhân quan sát rồi học theo. Lúc đầu, ông làm vệ sinh và tập vật lý cho mẹ vợ, bà mắc cỡ, không cho làm. Ông Nhân nhẹ nhàng: “Mình là mẹ con mà, mẹ ngại gì”. Rồi ông tếu táo kể chuyện này chuyện kia để mẹ xao nhãng.

Người bệnh thường nhạt miệng, khó ăn. Ông nghĩ cách dỗ dành mẹ. Biết trong lòng mẹ khôn nguôi nhớ người chồng đã khuất, ông Nhân nói: “Ba kêu mẹ ráng ăn mới mau khỏe”. Bà mẹ mắt sáng rỡ: “Ổng nói vậy thiệt hả con?”. Có bữa, bà mẹ ngán nên trở chứng: “Ba dặn mẹ ăn không được thì thôi, đừng có ráng”. Cả nhà cười bò. Con gái ông Nhân trêu: “Chiêu của ba lờn rồi. Bà ngoại khôn quá trời”. Ông Nhân không bó tay, khen mẹ đẹp, hứa mua quà tặng… Bà mẹ “chịu” ông lắm. Ông vắng mặt lâu chút là bà lại hỏi: “Thằng Nhân đâu?”.

Ông Nhân quan niệm người già giống như đứa trẻ, áp đặt và lớn tiếng là hỏng chuyện, phải luôn khen ngợi và dỗ ngọt. Con gái và con rể ông Nhân cũng học theo ba mẹ, hiếu thảo với bà ngoại, đi làm về là phụ chăm sóc bà. Nhà ông Nhân và bà Thu luôn rộn tiếng cười ấm áp.

Người già - nhất là người già bệnh, cần lắm không gian sống trong lành như thế.
Bà Thu thật lòng rằng vợ chồng bà thời trẻ không khỏi có những lúc cãi cọ, giận hờn. Nhưng từ lúc mẹ bệnh, thấy chồng chăm mẹ tận tâm, cũng không cằn nhằn chuyện vất vả, tốn kém, nên giận hờn gì cũng quên hết; lại thấy thương chồng nhiều hơn. Người ta hay nói, nhìn vào cách con rể đối xử với nhà vợ thế nào là biết người đó có thương vợ hay không. Nghĩ thiệt đúng.

Với ông Nhân, đàn ông thương vợ không cần nói ra, chỉ làm thôi. Mẹ là mẹ chung, không phân biệt mẹ vợ, mẹ chồng. Sống sao để con cái nhìn vào, mình không hổ thẹn là được.

Ở tuổi xế chiều, mọi gian khó với ông Nhân và bà Thu đều trở nên nhẹ nhàng bởi ông bà luôn nắm tay dìu nhau vượt qua tất cả. 

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI