Đối với những người Việt làm ăn sinh sống ở nước ngoài, tết cổ truyền là dịp để họ lắng lại nhịp sống của mình sau một năm bận rộn, nhìn lại một năm đã qua xem bản thân và gia đình đã thu lượm được thành quả gì, cùng những điều cần điều chỉnh và cố gắng trong năm tới.
Tuy nhiên, tết cổ truyền dân tộc lại trùng với ngày thường ở đất nước sở tại, nên mỗi kiều bào phải tự sắp xếp lại công việc hằng ngày cho phù hợp, và dành ưu tiên hàng đầu để chuẩn bị chu toàn cho ngày lễ thiêng liêng mỗi năm chỉ có một lần.
"Mẹ ơi, con muốn ăn bánh vuông làm từ gạo dính"
Chị Minh Thuật, vùng Stuttgart, bang Baden württemberg, miền Nam nước Đức, lấy chồng Đức và định cư tại đất nước này đã 4 năm. Chị đã có với chồng Đức hai con một trai một gái. Ngay từ khi các cháu còn nhỏ, chị đã ý thức phải hình thành trong đầu con cái những ý niệm về ngày tết cổ truyền quê mẹ.
|
Chị Lê Minh Thuật chia sẻ ảnh của chồng người Đức và hai con nhỏ trong trang phục áo dài dân tộc. |
Vào dịp tết trung thu, chị đưa các cháu đi sinh hoạt cộng đồng, phá cỗ trông trăng và xem múa lân do kiều bào vùng sở tại tổ chức. Và tết cổ truyền dân tộc, chị muốn hình thành trong miền ký ức con non dại của con cái những điều đẹp đẽ nhất về quê mẹ thông qua việc làm sống dậy những nghi lễ cổ truyền dịp tết bằng sự chuẩn bị chu toàn mâm cỗ trong ngày lễ này. "Không thể thiếu cặp bánh chưng và con gà luộc trong mâm cỗ gia đình hôm 30 tết" - chị tâm sự.
Việc tự gói bánh chưng và luộc bánh mất khá nhiều thời gian cũng như công đoạn chuẩn bị nguyên liệu khó khăn, chính vì thế năm nào chị cũng đặt cặp bánh chưng ở cửa hàng châu Á. Con trai chị, Toni - mới 4 tuổi nhưng ăn đồ nếp khá thuần thục, và cực thích ăn món bánh chưng chấm nước mắm vào dịp tết này.
"Văn hóa ăn đồ nếp không có trong tiềm thức và thói quen ở người phương tây, chồng tôi cũng không phải ngoại lệ. Tôi biết vậy và chấp nhận, không ép chồng nhưng cố gắng lấy lại những "thiệt thòi" đó bằng cách dạy cho hai con thói quen ăn đồ nếp ngay từ khi các cháu còn nhỏ, kèm theo những giải thích về nền văn hóa lúa nước nói chung và tập tục làm đồ nếp nói riêng trong những ngày giỗ tết từ quê hương bà ngoại chúng."
Giờ đây, mỗi khi tết cổ truyền gõ cửa, con trai chị đều đòi mẹ "mua loại bánh vuông làm từ gạo dính" (tiếng Đức: kleben Reis - gạo dính, nhưng dịch sát nghĩa là "gạo nếp").
Phong vị tết ta ở xứ Tây
Còn món gà luộc trong mâm cỗ ngày tết, chị Minh Thuật chia sẻ bí quyết thú vị "không nên mua gà tươi loại thông thường bán trong siêu thị, vì thịt gà nuôi công nghiệp và thành phẩm trong thời gian ngắn nên thịt mềm, nhạt và bở.
Trái lại, các bà nội trợ người Việt sống tại nước ngoài lâu năm lại chọn loại gà người tiêu dùng nước sở tại ít khi dùng, loại "suppen huhn" - gà ninh nấu món súp, bản chất là loại gà già đã qua công đoạn đẻ trứng, nhưng chính vì thế thịt gà mới thơm ngọt và da gà giòn, như gà thả nơi quê nhà mình ngày xưa.
"Tôi tìm lại được nguyên bản hương vị món gà luộc quê nhà ngay tại nơi góc của siêu thị Tây để loại gà ít người để mắt tới nhất" - chị tâm sự.
|
Tiệc liên quan cuối năm do cộng đồng người Việt ở Stuttgart, bang Baden württemberg, miền Nam nước Đức tổ chức Ảnh: Thu Hương |
Còn với chị Sáu người miền Nam, chồng chị là Việt kiều định cư tại Đức đã trên dưới 30 năm, thì "tết cổ truyền là dịp để hai vợ chồng gốc Việt hiểu và thương nhau hơn qua việc làm sống lại không khí chuẩn bị tết trong nội bộ gia đình".
Trước khi kết hôn, chồng chị sống cuộc sống đơn giản và ăn uống theo đúng người bản địa, với đồ ăn nhanh hoặc nấu theo kiểu tây giản tiện, và cũng phù hợp với người độc thân. Nhưng từ khi anh chị kết hôn và có con trai, gia đình chị cả tuần "nấu thuần đồ Việt trên đất Đức". Trong tủ bếp gia đình chị, tìm thấy nước mắm, mắm tôm, bún khô... còn dễ dàng hơn tìm ra một loại gia vị nấu đồ Tây. Chính vì thế, tết cổ truyền dân tộc, gia đình "thuần Việt" nhà chị tổ chức cái tết cũng đượm đà và mang nhiều hương vị cổ truyền nhất.
Ngay từ trước hôm 30 tết, cả gia đình con cái chị đã lên thực đơn sẵn có cho một mâm cỗ cúng gia tiên đêm giao thừa, đủ đầy như hồi còn ở Việt Nam, chị nhìn thấy mẹ chị đã từng chuẩn bị. Chồng chị lái xe hơn 30 cây số lên trung tâm Stuttgart, nơi có cửa hàng châu Á với mặt tiền rộng lớn và đầy đủ nguyên liệu thực phẩm nhập từ Việt Nam sang, để "gia đình chuẩn bị sẵn sàng nhất với các thực đơn cho mâm cỗ cúng gia tiên".
Nhìn vợ chồng con cái gia đình chị đi chợ châu Á, tay xách nách mang nguyên liệu thuần Việt ngay trên đất Đức, cảm giác thân quen như hình ảnh các cặp vợ chồng Việt cùng con nhỏ rộn ràng đi siêu thị mua sắm tết trên quê hương Việt Nam.
Ngược dòng tìm Tết đủ đầy
Có một quá trình "tư duy ngược" về cái tết ngay chính tại quê hương Việt Nam và tại kiều bào ta ở nước ngoài. Nếu như tại quê nhà, người ta chỉ mong cái tết càng giản tiện dần đi, và xu hướng càng ngày càng giản tiện đến mức tối giản để các thành viên trong gia đình có thêm thời gian nghỉ ngơi thư giãn - thì kiều bào ta ở nước ngoài, càng muốn tổ chức cái tết với đầy đủ nghi lễ nhất có thể.
|
Hình minh họa. |
Đó là cách người Việt xa xứ bù đắp lại sự thiệt thòi của bản thân trong suốt những năm tháng bôn ba xứ người, thiếu hơi ấm và tình thân trong mỗi dịp tết đến xuân về.
Chị Hải An - lấy chồng người Hà Lan đã 10 năm và có 3 đứa con lai xinh xắn, tâm sự "tết cổ truyền dân tộc, dù công việc hằng ngày bận bịu đến mấy, cũng phải dành thời gian để đi họp mặt hội người Việt nơi sở tại". Buổi hội ngộ đông đủ anh chị em người Việt sau một năm ai cũng mải miết lo làm ăn, cũng là dịp để chị em phụ nữ trổ tài nội trợ và bày biện mâm cỗ đẹp và ấm cúng nhất.
Cành đào thật không có, chị em thay thế bằng những cành khô và thổi hồn cho chúng thông qua việc cắt dán hoa đào giấy. Thêm cặp bánh chưng, con gà luộc, xôi nếp gấc đổ khuôn hình cá chép - mỗi gia đình tự thỏa thuận và chuẩn bị sẵn một thứ ở nhà mang tới góp vui - thế là thành cái tết ấm áp nơi xứ người, mặc cho bên ngoài tuyết đang rơi. Các em nhỏ theo chân bố mẹ đi họp mặt đều được người lớn chuẩn bị sẵn những phong bao lì xì mừng tuổi đầu năm.
"Mong cho con cái - thế hệ thứ hai của kiều bào nơi xứ người, thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, chơi với bạn tây, lớn lên cũng ăn tuyền đồ tây với bánh mì, bơ và xúc xích - không quên một nửa dòng máu Việt chúng mang trong người thông qua việc tái hiện nơi tiềm thức trẻ cái tết cổ truyền dân tộc mỗi năm chỉ có một lần", chị Hải An bộc bạch.
Minh Anh
(từ nước Đức)