Bà mẹ trẻ Lương Thuý Ngân, 31 tuổi – tiếp viên hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airline đã áp dụng phương pháp này ngay từ khi con trai Bubu 6 tháng tuổi vì muốn con hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng và kích thích hệ tiêu hóa non nớt của con. “Mặc dù nhiều người bảo mình 4,5 tháng đã có thể cho con ăn dặm. Nhưng mình muốn hệ tiêu hoá của bé hoàn toàn ổn định vì ăn dặm chỉ là bước tập cho con quen với thức ăn khác ngoài sữa mà thôi”, chị Thúy Ngân chia sẻ.
Chị Ngân áp dụng phương pháp này cho con trai từ khi bé 6 tháng tuổi
|
|
Đầu tiên phải nhận định rõ ràng rằng, dù cho trẻ ăn dặm kiểu gì, kiểu Nhật, kiểu Tây hay kiểu ta thì cũng đều ổn cả, miễn là xây dựng cho con được tình yêu ăn uống, đam mê với đồ ăn. Không kiểu ăn dặm nào vượt trội hơn, chỉ là do cách cha mẹ hướng dẫn con thế nào cho đúng.
Theo lời chị Ngân, sở dĩ chị chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho con vì trước đó chị đã từng đọc tham khảo rất nhiều tài liệu và nghe các mẹ chia sẻ về những biện pháp ăn dặm. Và chỉ khi tình cờ đọc những cuốn sách như ăn dặm kiểu Nhật Tsutsumi Chiharu, sách dạy con kiểu Nhật (Giai đoạn 0 tuổi, 1 tuổi, 2 tuổi) chị càng quyết tâm cho con ăn dặm theo phương pháp này.
Theo chị, đây là phương pháp tổng hợp thực đơn ăn dặm cho bé một cách đầy đủ các chất dinh dưỡng và kích thích hệ tiêu hóa của bé hoạt động một cách trơn tru. Đặc biệt, với phương pháp này, ngoài việc tập ăn, bé còn được học kỹ năng nhai. Đây là kỹ năng quan trọng giúp bé biết ăn thực phẩm thô, giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn. Ngoài ra, bé còn được học kỹ năng bốc bằng tay, xúc, gắp thức ăn bằng thìa, nĩa vừa giúp hình thành tính độc lập vừa khiến bữa ăn trở nên thú vị hơn.
Dù nói là theo kiểu Nhật nhưng theo lời chị Ngân, chị chỉ giữ tinh thần, còn lại thì làm theo kiểu ta, tức là giữ nguyên kỷ luật ăn uống, cách tăng độ thô cũng như rèn cho con trải nghiệm với những hương vị mới, còn lại các món ăn thì rất tùy hứng, không nhất thiết phải theo công thức nào. Điều quan trọng là phải cẩn thận trong việc sử dụng các loại thực phẩm tự nhiên (nuôi, trồng) như: rau, củ, quả, cá, thịt…
Bé Bubu giờ đã 3 tuổi. Bé đón nhận bữa ăn một cách rất hào hứng
|
|
Khi cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật thì không nên cho bé ăn thực phẩm chế biến sẵn như thực phẩm đóng hộp, giăm bông và các loại gia vị. Lựa chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là chọn cách cho bé ăn nhạt. Độ mặn chủ yếu được lấy từ các món súp, canh từ rau, củ, quả hoặc thịt, cá.
Chị Ngân đưa ra ví dụ: “Cụ thể, khi cho con ADKN, mình thường tập trung vào nước để nấu cháo cho con ở giai đoạn đầu. Các món ăn cho con mình đều chế biến và để riêng ra. Khi cho bé ăn, mình sẽ tập cho bé nếm hương vị từng loại riêng. Việc chia ra như vậy giúp bé cảm nhận được từng loại đồ ăn khác nhau mà bản thân mình cũng quan sát được xem phản ứng của con đối với món đó như thế nào: thích, không thích, dễ tiêu hoá hay không, dị ứng hay không…”.
Trong quá trình ứng dụng phương pháp này cho con trai, chị Ngân nhận thấy rằng, cho con ăn dặm kiểu Nhật giúp bé tập trung vào xây dựng và tập nết ăn: ngồi ăn, sử dụng thìa đũa, nhận biết món ăn. Bé độc lập, tự chủ trong ăn uống, được trải nghiệm thưởng thức đồ ăn. Bé tập ăn thô theo tiến độ, khả năng nhai tốt, hạn chế việc ngậm và chán ăn ở trẻ. Bé được ăn từ loãng đến đặc dần, từ mịn đến thô dần, mỗi bước trong khoảng thời gian không quá dài nên bé không bị chán.
Tuy nhiên, phương pháp ăn theo kiểu Nhật cần sự kiên nhẫn rất lớn của người mẹ, trong một số giai đoạn bé biếng ăn sinh lý, người mẹ cần kiên nhẫn không phá vỡ các quy tắc đã đề ra. Bé theo phương pháp ADKN sẽ không mập mạp bụ bẫm, nên nếu mẹ nào tập trung vào cân nặng của bé sẽ cảm thấy phương pháp này không phù hợp. Phương pháp cũng đòi hỏi sự đầu tư trong việc ăn uống cho bé, ngoài nguyên vật liệu chọn lựa ra, người mẹ còn sắp xếp bữa ăn sinh động, đầy đủ chất, thay đổi thực đơn, thay đổi độ thô phù hợp cho bé.
Rào cản lớn nhất của các bà mẹ trẻ hướng con ăn theo phương pháp này có lẽ là sự đồng thuận của cả gia đình. “Bé nhà mình là “con đầu cháu sớm” nên được sự quan tâm của 2 bên ông bà nhiều lắm. Việc mình cho bé ADKN làm cho ông bà ngạc nhiên và cảm thấy kì lạ. Đến tận bây giờ ông bà vẫn không thích cách ăn dặm này cho dù bé nhà mình đã có rất nhiều tiến bộ trong việc ăn uống”, chị Ngân chia sẻ hoàn cảnh gia đình.
Tuy nhiên, bản thân làm mẹ, chị tự nhận thấy bé phát triển bình thường, ăn thô đúng tiến độ, khả năng tư duy và ngôn ngữ tốt. Chị chia sẻ: “Nhiều lúc tập cho bé một thói quen tốt tốn rất nhiều thời gian nhưng chỉ cần 1 lần dễ dãi là coi như công sức đổ sông đổ biển”.
Tăng Thúy