Dưới đây là những chia sẻ bằng sự trải nghiệm và góc nhìn cá nhân của chị Ngọc Lan (một người Việt đang sinh sống và làm việc tại Sec) về cách thức giáo dục, học tập của đất nước này.
Học ít, nghỉ nhiều
Chị Nguyễn Ngọc Lan (40 tuổi, một người Việt đang sống tại Cộng hòa Sec) có 2 người con đều được sinh ra, lớn lên tại đất nước này chia sẻ về cách thức dạy và học ở đây - điều mà chị luôn tâm đắc.
Hiện tại, người con trai thứ nhất của chị Lan đang là học sinh lớp 7 (học THCS) và con trai thứ hai của chị năm nay mới chỉ 5 tuổi và đang học mẫu giáo. Cả hai bé đều rất năng động, ngoan ngoãn và đặc biệt "luôn thích đến trường, dường như 2 chúng đều coi trường là ngôi nhà thứ 2 thực sự của chúng vậy".
|
Lớp học ở Sec. |
Tại sao đến trường lại là niềm vui của bọn nhỏ? Lý giải điều này, chị Lan cho biết, việc học ở đất nước này rất nhẹ nhàng, học sinh ở đây học ít nghỉ nhiều, song rất chất lượng:
"Tại các trường học bên Sec, họ có cách thức học và đào tạo rất riêng. Ví dụ như con trai đầu nhà mình, bạn ấy chỉ phải học nửa ngày thôi, nửa ngày còn lại bạn ấy có thể ở nhà, đi chơi, đi dã ngoại, hoặc đi thực tế cùng cả lớp.
Một năm, bạn ấy sẽ được nghỉ 2 tháng hè. Ngoài thời gian này ra, mỗi kỳ chuyển giao mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, học sinh lại được nghỉ 1 tuần để chuẩn bị tâm lý, và sắp xếp lại việc học sau một thời gian dài học tập. Không những thế, việc nghỉ ngơi giữa mùa chuyển giao này phần nào giúp cho các bé thích ứng được với thời tiết chuyển mùa", chị Lan nói.
Đặc biệt, các bé ở đây không bao giờ phải đi học thêm, mà thật ra cũng không có thầy cô nào dạy thêm để học: "Các con mình chưa bao giờ phải mất một giờ nào đi học thêm ở ngoài mà tất cả những kiến thức đều được thầy cô giảng giải trên lớp và dường như các bạn ấy cũng tiếp thu hết trên đó.
Hồi còn bé, mỗi lần đi học về, bạn lớn rất hay khoe ba mẹ hôm nay bạn ấy học được những gì, thậm chí nói vanh vách, kiểu rất thích thú vì đã biết thêm điều gì đó mới lạ".
Để ý việc học hành của con, vợ chồng chị Ngọc Lan cũng không quên thăm hỏi con mỗi lần từ trường về, cũng như trong một ngày, con có được những gì? Qua những gì con chia sẻ, chị Lan thừa nhận rằng bản thân rất yên tâm với các thầy cô giáo.
"Họ rất tuyệt vời, họ nhiệt tình và chưa từng nói nặng lời với bất kỳ đứa trẻ nào. Nếu chúng có không ngoan, học hành sa sút, các thầy cô không bao giờ nặng lời và thường rất quan tâm, hỏi han nhiều hơn và làm bạn với con như cách mà chúng cần.
Bên cạnh đó, thầy cô sẽ có buổi gặp riêng gia đình - tất nhiên thông báo này sẽ không để bọn trẻ biết và áp lực, khi gặp họ cũng rất lịch sự và từ tốn cùng cha mẹ của đứa trẻ tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao và bàn cách để học trò của mình tiến bộ hơn. Việc làm từng chi tiết một được họ chú trọng. Dường như, thầy cô rất "sợ" làm tổn thương tâm hồn một đứa trẻ". chị Lan kể lại.
Mỗi lớp học ở cấp bậc THCS chỉ có khoảng 20-25 học sinh, không bao giờ học sinh bị nhồi nhét. Ít học sinh cũng là cơ hội để các thầy cô quan tâm và đi sâu vào việc học hành của con hơn, chị Lan cho biết.
Đi thực tế rất nhiều
Về kiến thức học trên lớp của con mình, chị Ngọc Lan khẳng định con mình và các bạn đều nắm kiến thức rất chắc với khả năng ứng dụng vào cuộc sống cao:
"Không có chuyện học vẹt đâu, các bạn ấy được thầy cô hướng dẫn môn học nào có ý nghĩa ra sao. Bài học này sẽ giúp cho con học được những gì và áp dụng vào thực tế luôn, khiến cho giờ học của các bạn ấy chẳng bao giờ nhàm chán cả", chị chia sẻ.
|
Cả lớp đi trượt tuyết. |
Thay vì chỉ ngồi trong phòng học để "nhồi nhét" những kiến thức vào đầu bọn trẻ, các thầy cô rất hay cho học sinh đi thực tế. Theo chia sẻ chị Lan, cậu con trai đầu tiên của chị ngay từ lớp 5, trung bình mỗi tháng bạn ấy sẽ được nhà trường cho đi thực tế cùng các bạn trong lớp, ít nhất một tháng đi 1 đến 2 lần.
"Tâm lý bọn trẻ đứa nào cũng thích đến, khám phá những điều mới lạ, mỗi lần đi thực tế thường chỉ kéo dài trong vòng 1 ngày, sáng đi tối về. Sẽ có các thầy cô đi cùng hướng dẫn. Và các bạn ấy có đem theo giấy, bút để ghi lại hành trình chuyến đi; chuẩn bị đồ ăn nhẹ... Thường trong một tháng, bọn nhỏ rất chờ đón những chuyến thực tế này".
Ví dụ như môn học Lịch sử, chị Ngọc Lan thực sự khâm phục cách dạy của trường học Sec: "Có lẽ Lịch sử là môn được đi thực tế nhiều nhất, đến những địa danh, những bảo tàng... Trên lớp, cô giáo kể về lịch sử như một câu chuyện mềm mại trong quá khứ nhưng có điểm nhấn khiến cho học sinh ấn tượng và nhớ rất lâu. Phương pháp dạy lịch sử cũng rất linh hoạt, dễ chịu không hề khô khan".
Dù không được trực tiếp tham gia lớp học, nhưng qua những lời kể của con, những lần con đi thực tế, cũng như bài học trong sách giáo khoa Lịch sử, chị Lan cảm thấy tâm đắc với môn học này.
Ngoài môn Lịch sử thì các môn học khác như Toán, Văn cũng rất được chú trọng, có phương pháp và hướng đi riêng khiến cho các giờ học không trở nên quen thuộc và nhàm chán. Ở đây, không có môn nào là môn phụ hay chính, mỗi môn đều có một giá trị riêng nhất định.
Lam Thanh