Mẹ Việt ở Úc: "Thứ con cần nhất là thời gian của ba mẹ"

11/08/2016 - 11:24

PNO - Đã bao giờ bố mẹ tự hỏi, con thực sự cần gì ở mình?

Cách đây không lâu, có cô bạn nhảy vào inbox mình. Giọng gấp gáp: “Cứu tao! Gấp!”, để hỏi mình, theo mày tao có nên nghỉ làm ở nhà với con đến khi con tròn năm không.

Mình nói với cô ấy, nếu điều kiện kinh tế gia đình không quá cần kíp, ở nhà đi. Tuổi thơ con chỉ có một. Mẹ có cả đời để chăm lo sự nghiệp. Mà nếu là vấn đề tiền thì thong thả kiếm. Có quyết tâm, chậm giàu đi 5 – 10 năm, không sao cả. Nhưng con có một năm chất lượng bên người con cần nhất, vào thời điểm con non yếu nhất. Còn để đến 5 – 10 năm sau ấy đổi lại cho con từng ấy khoảng thời gian, mẹ có chắc con còn cần mẹ?
----

Me Viet o Uc:
Con cần nhất là thời gian của ba mẹ.

Một năm trước ở Úc, một em bé ba tuổi bị bắt cóc, chỉ là trong vài phút bố chạy vào trong nhà. Con đứng ngoài sân có gọi “bố ơi, bố ơi”. Nghĩ con gọi bố ra chơi, bố cố nán lại đôi phút làm nốt việc. Đâu ngờ rằng đôi phút ấy lại là lần cuối cùng bố nghe tiếng con gọi mình. Đứa trẻ bị bắt cóc đã hơn một năm. Truyền thông lại một lần nữa lên tiếng kêu gọi sự xoay chuyển từ phía những kẻ bắt cóc. Hình ảnh cuối cùng của cuộc phỏng vấn là đôi mắt người mẹ trĩu xuống. Bà suy sụp đến nhợt nhạt. Cùng câu hỏi vọng ra của truyền thông: “Thế giới của đứa bé 3 tuổi là đâu?”.

Còn đâu khác, ngoài bố mẹ chúng.
----

Đi dạo cùng cô em con cậu. Em kể với mình mùa hè năm ngoái của em là mùa hè đi biển thích nhất. Vì em được đi ăn và làm những thứ em thích ở biển. Không phải là những khu nghỉ dưỡng 5 sao với hệ thống vui chơi hiện đại. Không phải là nhà hàng tự chọn, có tất cả, chưa cần kịp nghe dạ dày muốn gì. Bố mẹ em và những người bạn của họ đùa đùa mắng rằng, cho các con sướng quá, các con không biết trân trọng.

Me Viet o Uc:
Dành thời gian bên con và cùng con tận hưởng cuộc sống.

Đã bao giờ bố mẹ tự hỏi, CON THỰC SỰ CẦN GÌ Ở MÌNH?

- Là bữa cơm hai chọn ba lựa vì có nhiều món con thích. Nhưng là của bàn tay người phụ nữ khác làm nên?

- Là giấc ngủ con luôn có người nằm bên ấp. Nhưng là hơi ấm của người phụ nữ không có mùi máu mủ?

- Là bước đi, câu nói đầu tiên của con. Nhưng là một giọng nói cổ vũ từ một vùng miền nào đó khác với nơi con sinh sống?

- Là những ngày đi học thú vị bên cô bên bạn. Nhưng là đến khi đi họp phụ huynh hay trường tổ chức văn nghệ bố mẹ mới hay con mình giỏi đến thế?

- Là nhà rộng cao, là những kì nghỉ hè con được hưởng thụ đúng nghĩa cậu ấm cô chiêu. Nhưng ước mơ của con là được vui vầy bên cát, la lê những quán ven đường, húp xùm xụp món nước chấm địa phương?

- Là rất nhiều tiền đánh dấu bằng dăm quyển sổ đỏ, bố mẹ bao vất vả, thậm chí đánh đổi cả tuổi thơ con để mang đến?

Me Viet o Uc:
Tuổi thơ con có hơi ấm bố mẹ. Giấc mơ con mang động lực mẹ cha. Chỉ nên là thế thôi!

CON CÓ THỰC SỰ CẦN NHỮNG ĐIỀU ẤY? Bố mẹ có bao giờ ngoái lại phía sau nhìn dáng con đang bước để ngẫm? Đừng nghĩ hộ con mà hãy đặt mình vào con để nghĩ. Đừng ước mơ thay con, để rồi con phải gồng gánh trên vai những giấc mơ dang dở của bố mẹ. Đừng gây áp lực tương lai cho con, khi ở tuổi của chúng đáng nhẽ phải có một tuổi thơ được chơi cười. Và đừng sống hộ con, khi chúng cần được đi con đường của chính mình trên đôi chân bố mẹ đã cho.

----
Mùa đông năm thứ nhất đại học ở Bắc Kinh, khi bố sang thăm hai mẹ con, gia đình mình đến chơi với gia đình một người bạn mẹ. Bố tâm sự: “Tôi có mình cháu Trang, nên không cho phép sai số. Bao hi vọng tôi gửi cả vào cháu”. Bác bạn mẹ cũng chỉ có một cô con gái tiếp chuyện: “Tôi không đặt hi vọng gì lên vai con gái tôi cả. Chỉ cần cháu sống với những hi vọng của chính cháu”.

Hai cách suy nghĩ của hai ông bố Á Đông. Không kẻ sai người đúng. Đó đơn giản là cách bố mẹ đẩy con thuyền bọn trẻ vào đại dương cuộc sống. Cái lồng nhỏ không ngăn được sải cánh đại bàng. Chiếc thuyền con liệu có chịu được mênh mang sóng lớn.

Tuổi thơ con có hơi ấm bố mẹ. Giấc mơ con mang động lực mẹ cha. Chỉ nên là thế thôi!

Họ tên: Đoàn Phạm Hà Trang
Tên con: Subi
Nơi sống: Sydney

Sở thích: tìm hiểu, chăm sóc và nuôi dạy các em bé; ghi lại những ngày con lớn và được lớn cùng con.

Quan điểm nuôi dạy con: yêu con bằng bản năng, bằng sự hiểu biết để con an nhiên tự chủ - tự lập - tự tin lớn, là chính mình trên mỗi bước con đi.

Mẹ Subi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI