Rất nhiều trẻ nhỏ khi sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đều không thể giao tiếp với người thân ở Việt Nam, bởi ngôn ngữ hàng ngày của chúng là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức… Việc duy trì tiếng Việt trở nên khó khăn khi bố mẹ chưa có phương pháp học tập phù hợp cho trẻ.
Mẹ Léo đã giúp con lớn lên với 3 ngôn ngữ bằng phương pháp "NHẤT QUÁN"
Chia sẻ về lý do khiến mẹ Léo đưa đến quyết định duy trì 3 ngôn ngữ cho con mình, chị cho biết: “Có 2 lý do quan trọng để mình đưa ra quyết định này. Trước nhất là muốn con có thể giao tiếp với người thân tại Việt Nam mà đầu tiên là ông bà. Ngôn ngữ là sợi dây quan trọng kết nối con người với con người. Từ quen tới hiểu, thân và gắn bó là cả một quá trình giao tiếp phức tạp. Mình rất thấm thía điều này vì mình vốn là dâu “ngoại”. Cho tới thời điểm này mình vẫn chưa nói được tốt tiếng Pháp nên luôn có cảm giác là “khách” trong gia đình chồng. Do vậy để tạo được mối dây liên hệ tình cảm gắn bó với gia đình Việt, nói tốt tiếng Việt là bước đầu tiên. Mình cũng muốn con hiểu về văn hoá và truyền thống Việt để giữ gìn bản sắc dân tộc và cùng mình chia sẻ những quan điểm và cảm xúc văn hoá Việt. Chính vì vậy ngoài ngôn ngữ, mình luôn cố gắng hết sức để tạo ra môi trường Việt cho con như kể chuyện cổ tích Việt, tìm hiểu về các ngày lễ Việt, ăn các món Việt, dùng đũa, tham gia hội chợ Việt ở London… Mình cố gắng cho bé về Việt Nam ít nhất 1 lần/năm để bé được sống trong môi trường văn hoá Việt. Không có bài học nào tốt hơn là sự trải nghiệm thực tế”.
Những chuyến trải nghiệm thực tế giúp bé phát triển tốt hơn
Khi đưa ra quyết định cho con lớn lên với 3 ngôn ngữ, mẹ Léo gặp không ít khó khăn. Trước hết, gia đình thuộc trường hợp không phổ biến nên không nhiều nguồn chia sẻ kinh nghiệm, thường thì chỉ có 2 ngôn ngữ nên việc tìm hướng đi còn khá lúng túng. “Tại London, việc trẻ lớn lên trong môi trường đa ngôn ngữ là rất nhiều, vì mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới, vì công việc, vì học tập hay nhập cư. Tuy nhiên, đa số những người mình đã gặp gỡ hoặc biết thì hoặc là cả 2 vợ chồng tới từ một đất nước không nói tiếng Anh, hoặc dù cả 2 vợ chồng đến từ quốc gia khác nhưng ít nhất vợ hoặc chồng đến từ nước nói tiếng Anh như Mỹ, Úc, Singapo… Như vậy, con cái của các gia đình này lớn lên với 2 ngôn ngữ trong đó có tiếng Anh, và mình chưa gặp ai như..nhà mình ở London. Tuy nhiên, sau đó mình phát hiện ra group Raising Bilingual/Multilingual Children thì thấy là việc lớn lên với 3 ngôn ngữ là… quá thường. Bởi có nhiều gia đình trẻ lớn lên vớ 7,8 ngôn ngữ”, mẹ Léo chia sẻ
Khó khăn thứ hai mẹ Léo gặp phải đó là nhiều luồng phản hồi trái chiều, chủ yếu đến từ bạn bè và các gia đình Việt ở Việt Nam. Đa số mọi người cả trước và sau khi biết Léo 18 tháng tuổi mới biết nói thì đều phản ứng “đến tuổi đó rồi mà còn chưa nói sõi á” và khuyên chân thành như “học tiếng Việt với tiếng Anh trước đi cho sõi”, “học 3 thứ cùng lúc có mà loạn à”, “thôi học tiếng Anh thôi không đi học không theo kịp bạn bè”…Trong khi đó, khi mẹ Léo nói chuyện với các phụ huynh ở đây thì họ rất thích thú và ngưỡng mộ vì theo họ đây là “một môi trường ngôn ngữ tuyệt vời”, một số người bạn đang sống và làm việc ở nước ngoài cũng có phản hồi tương tự.
Mặc dù đã xác định tinh thần là Léo sẽ chậm biết nói, vì thế cả bố mẹ Léo vẫn nhiều lúc cảm thấy khá lo lắng, nhưng chưa bao giờ họ muốn từ bỏ ý để em học cả 3 ngôn ngữ cùng một lúc.
Và rồi mẹ Léo chọn phương pháp “NHẤT QUÁN”, mẹ chỉ nói với em bằng tiếng Việt, bố chỉ nói với em bằng tiếng Pháp và em học tiếng Anh ở nhà trẻ, hạn chế tối đa việc “mượn từ” khi nói chuyện với con.
“Mỗi ngày trước khi đưa con đi trẻ là bố hát và kể chuyện bằng tiếng Pháp khoảng 1 tiếng. Buổi chiều, thì con nghe mình hát hò, đọc thơ, truyện bằng tiếng Việt khoảng 2 tiếng. Như vậy, tiếng Anh là tiếng mà con được nghe nhiều nhất khoảng
8 tiếng cho 5 ngày/tuần. Dĩ nhiên, ở nhà trẻ không được đầu tư thời gian một cách tuyệt đối về ngôn ngữ như ở nhà, chắc đa số là chơi với các bạn, nghe các bạn nói tiếng Anh, giảm trừ chắc được khoảng 3-4 tiếng con học tiếng Anh bị động mỗi ngày. Cuối tuần, mình và chồng dành thời gian như nhau cho con, thứ tự tiếp nhận hiên tại là Anh- Việt- Pháp (20 giờ- 14 giờ- 9 giờ/tuần)”, mẹ Léo cho hay.
Vì tiếp nhận đồng thời 3 ngôn ngữ, nên việc sử dụng lẫn lộn các ngôn ngữ là điều không thể trách khỏi , tháng thứ 22 mẹ Léo bắt đầu nhận rõ sự lẫn lộn trong ngôn ngữ của con khi em bắt đầu nói chuyện với bố mẹ bằng cả 3 thứ tiếng. Cứ đồ vật, hành động nào Léo nhớ bằng ngôn ngữ nào là em nói “con nói ngọng líu ngọng lô, nó nhịu nữa nên nhiều lúc hai vợ chồng mình mặt cứ đờ đẫn”.
Tuy nhiên, sang tháng thứ 23 thì Léo đã bộc lộ rõ rệt “phản xạ ngôn ngữ riêng biệt”. Khi nói với mẹ hầu như bé chỉ nói các từ tiếng Việt, với bố chỉ nói tiếng Pháp. “ Lần đầu, mình nhận con cả phản xạ ngôn ngữ riêng biệt là khi con đang chơi với mình, chỉ vào quyển sách nhạc nói với mẹ “nhện”, vừa lúc bố vào nhà, con ngẩng lên nói với bố “araignée”, cả mình và chồng đều vô cùng sửng sốt. Các thầy cô ở lớp cũng phản hồi là con bắt đầu nói các từ tiếng Anh đơn giản từ khoảng tầm tháng thứ 22. Đỉnh điểm là khi tới thăm ông nội ở Pháp, con khiến mình ngạc nhiên “Léo đợi mẹ bổ lê đã”, con đang ngồi cùng ông trên bàn ăn liền nói với ông “Coup poire” rồi thực hiện hành động cắt giả vờ bằng tay trên bàn”.
Hiện tại, Léo đã 35 tháng tuổi, cậu đã có thể giao tiếp khá tốt bằng tiếng Việt và Pháp dù vẫn còn ngọng líu ngọng lô. Còn tiếng Anh, cô giáo của bé nói rằng “không có vấn đề gì trong việc nghe hiểu và trả lời”. Điều khiến bố mẹ Léo thấy tuyệt vời nhất là việc bé chuyển ngôn một cách vô cùng tự nhiên như không hề có sự khác biệt giữa các loại ngôn ngữ.
Nhiều cha mẹ cho rằng họ không biết ngôn ngữ khác nên họ không thể dạy con, ví dụ như bố mẹ Việt không biết tiếng Anh chẳng hạn, mẹ Leo khuyên: “Cách tốt nhất để giúp con học tốt tiếng Anh là cho các bé tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ, càng nhỏ càng tốt vì việc học ngôn ngữ đối với trẻ là hết sức tự nhiên, như bé nhà mình vậy. Cha mẹ không nhất thiết phải biết tiếng Anh nhưng cần ủng hộ và hỗ trợ bé một cách tối đa và phải có chọn lọc. Ủng hộ bằng cách cho bé tiếp cận với các nguồn tiếng Anh như câu lạc bộ tiếng Anh, sách báo, video bằng tiếng Anh PHÙ HỢP với độ tuổi. Với cha mẹ không biết tiếng Anh, nên nhờ sự giúp đỡ của những người biết ngôn ngữ này để chọn lọc những nội dung thích hợp”.
“Hãy NHẤT QUÁN nếu bạn là người trực tiếp dạy bé để bé không bị lẫn lộn hay khó hiểu trong quá trình tiếp thu.
Hãy KIÊN TRÌ và NHẪN NẠI vì ngôn ngữ cần mưa dầm thấm lâu và phải liên tục, nếu không sử dụng thường xuyên sẽ bị mai một và những công sức bấy lâu sẽ có thể uổng phí.
Và quan trọng là tuyệt đối KHÔNG NÊN ÉP con học mà hãy giúp con trước hết có hứng thú với ngoại ngữ”, chính là thông điệp mà mẹ Léo muốn gửi gắm đến các bậc cha mẹ, những người có mong muốn con duy trì và phát triển đa ngôn ngữ.