PNO - Tôi lấy chồng Đức đã 5 năm. Ở Đức và các nước phương Tây, làm mẹ là một nghề. Tôi sinh liền hai bé trong ba năm và an tâm ở nhà gắn bó với gia đình, chăm sóc con nhỏ.
Ở Đức, từ và nghĩa của từ rất thú vị. Từ “Hausfrau”: bà nội trợ (danh từ Haus: ngôi nhà + frau: người phụ nữ) nghĩa tổng quát: người phụ nữ của ngôi nhà - đã bao hàm tất cả những công việc mà một phụ nữ đảm đương nghề nội trợ ở Đức phải làm.
Ngay từ những ngày đầu chân ướt chân ráo sang xứ người, tôi bị sốc văn hóa vì có quá nhiều thứ mới lạ. Đức là đất nước cực kỳ quy củ và nguyên tắc, cái gì tôi cũng phải học.
Hình minh họa
Bài học đầu tiên mà một bà nội trợ phải nằm lòng là... cách phân chia loại rác sao cho đúng và nhớ trong đầu lịch trình đổ rác. Tôi nhớ lại khi còn ở quê nhà, chiều chiều khi thảnh thơi chợ búa cơm nước, tiếng kẻng báo đổ rác leng keng dưới nhà vang lên, như một phản xạ tự nhiên, người dân ùa xuống đường, túi lớn túi nhỏ hồ hởi đi đổ rác.
Còn ở xứ người, không phải gom một loạt những thứ nhà bếp không dùng lại với nhau, được gọi là rác. Nếu nhân viên vệ sinh phát hiện, sẽ gửi giấy xử phạt về tận nhà.
Cách hai tuần một lần, người dân đi đổ rác với các loại rác thải trong quá trình xử lý vào thùng rác để dưới tầng hầm đều phải được phân loại rõ ràng: rác đen (bao gồm thức ăn và các thực phẩm nhà bếp nói chung), rác vàng (túi bóng và vỏ đồ hộp), rác xanh (các loại giấy và bìa các-tông).
Ở Đức, tất cả hình phạt đều được áp dụng triệt để và đánh vào túi tiền của người dân. Tâm lý “đồng tiền đi liền khúc ruột” nên ai cũng phải có ý thức để không bị những khoản phạt trời ơi đất hỡi lạm vào đồng tiền xương máu của mình.
Nếu chây ì không đóng tiền nộp phạt, cũng chẳng sao. Nhưng cứ an tâm một điều tháng tiếp theo, hóa đơn tiền phạt sẽ tiếp tục được “nã” tới thùng thư gia đình, cộng thêm cước phí phát sinh từ bưu điện cộng dồn vào tiền lãi và gốc trước đó.
Tới một thời điểm mà cơ hội nộp phạt đã hết, đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm đưa ra lệnh phạt sẽ phối hợp với ngân hàng để khống chế và rút số tiền tương đương từ tài khoản của bạn, bất luận bạn có đồng ý hay không. Nếu bạn vẫn chưa tâm phục khẩu phục, có thể đưa vụ việc ra tòa.
Đương nhiên, với những chứng cứ phía bị đơn đưa ra, cơ hội bạn dành phần thắng là con số không. Vậy là bạn phải chi thêm một khoản tiền nữa vào chi phí kiện tụng. Bạn có chịu thấu không?
Các bà nội trợ Đức gốc Việt vẫn đùa với nhau rằng, Đức là đất nước của đồ hộp và đồ đông lạnh. Nhiều lúc bùi ngùi trong bữa cơm gia đình, tôi nhớ lại bữa cơm xưa khi còn nhỏ, ở nhà cùng mẹ - bao giờ cũng sực nức mùi canh chua cá lóc, mùi “cá rô rán giòn ăn hết”.
Tất cả đều là đồ tươi được sang tay của đứa nhỏ cùng xóm tranh thủ ngoài giờ học bắt con tôm, con tép ngay tại ao nhà, để có thêm chút tiền đóng học phí. Nhiều khi đó là đồ tươi mẹ quầy quả ra chợ quê gần đó, mua lẹ về cho kịp bữa chiều.
Còn giờ đây, trong thực đơn cách quê nhà hơn 10.000 cây số, tôi thưởng thức món cá lóc, cá rô phi trong quá trình xử lý tại cơ sở gốc đã được đông lạnh, đã mất đi ít nhiều hương vị tươi ngon của món ăn, lẩm nhẩm đọc thông tin bao bì “made in Vietnam” mà lòng buồn rười rượi. Tự hỏi lòng sao lại đưa mình vào một “thế cờ” là người Việt nhưng lại không được hưởng những gì tinh túy và tươi ngon nhất của hương vị Việt?
Hình minh họa
Đúng ra, nói nghe như chuyện khôi hài, ở đây chúng tôi không thèm thịt, cá, trứng, sữa. Vì những nguyên liệu đó ở siêu thị Tây có đủ và rẻ nữa. Thứ chúng tôi thèm là món... lòng dồi heo. Đồ nội tạng đó ở siêu thị Tây không bán, chúng đã được tiêu hủy ngay từ lò mổ. Dân bản địa không ăn thực phẩm này. Khi nào thèm quá, chúng tôi lọ mọ đến tận lò mổ từ sáng sớm, dặn ông chủ. Có khi chẳng phải trả tiền, họ hào phóng cho không vài ký lô.
Vậy là các bà nội trợ, nếu có chồng Việt thì cả gia đình kéo nhau đến đánh chén tại tư gia của một anh em nào đó có nhà rộng lớn. Trong bữa tiệc còn có cả món trứng vịt lộn, món ăn người Đức nhìn thấy đã chạy mất dép. Chị em nào lấy chồng Đức thì lặng lẽ đi một mình, giấu tiệt ông chồng ở nhà, khỏi mất công ông chồng khác biệt văn hóa mắt tròn mắt dẹt nhìn người Việt gặm chân gà, ăn trứng lộn, hứng khởi nhai chóp chép thành tiếng.
Đương nhiên, với món lòng dồi heo, nguyên liệu đi kèm không thể thiếu là các loại rau thơm. Ai xung phong mang rau đến bữa tiệc, đáng được gọi là người hào phóng. Ở đây, chúng tôi bỏ ra hơn 2 euro (tương đương 70.000 đồng) để có trong tay một mớ rau ngò, rau húng be bé, 3 euro (hơn 80.000 đồng) cho một mớ rau muống vài cọng lèo tèo... Tất cả các loại rau thơm có nguồn gốc Việt Nam đều được mua ở tiệm châu Á, lúc có lúc không.
Vậy là một con gà bán ở siêu thị Tây nhiều khi còn rẻ hơn một mớ rau thơm, vượt hơn chục ngàn cây số đến tay người Đức gốc Việt - là chúng tôi đây. Cho nên, rau thơm ở trời Tây được các bà nội trợ ưu ái gọi là xa xỉ phẩm.
Có đôi lúc bùi ngùi, ngồi giữa căn bếp tạm gọi là tiện nghi ở trời Tây, các bà nội trợ gốc Việt chúng tôi cảm giác mình đã thiệt thòi rất nhiều. Đó là việc đã phải hy sinh rất nhiều những hương vị thuần Việt trong bữa cơm gia đình, thậm chí có nhiều món ăn trong quá trình sinh sống lâu năm ở xứ người đã dần bị mòn vẹt và đi vào quên lãng…
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.