Mẹ về hưu

28/03/2018 - 16:27

PNO - Mẹ về quê, cả nhà như được thở. Sáng được ngủ đẫy giấc đến sát giờ đi làm mới dậy, ghé qua quán ăn bún, phở, bánh cuốn còn kịp cà phê cà pháo...

Sau khi tổ chức bữa tiệc ăn mừng thoát khỏi công việc, mẹ bắt đầu công cuộc cải cách nhà cửa.

Đầu tiên, mẹ đi dạo một vòng quanh nhà với cuốn sổ nhỏ và cây bút. Mẹ ngó nghiêng rồi ghi chép, nghiêm túc như thể mẹ đang đi xem nhà để mua, chứ không phải nơi này mẹ đã sống bao năm.

Sau mấy ngày khảo sát, mẹ đưa cho cả nhà danh sách những món đồ cần phải bỏ đi, một số khác cần phải thay mới. Trong đó có giày dép, quần áo của anh trai cả, gái út… và cả những đồ đạc ít dùng trong nhà. Mẹ nói học theo cách người Nhật, sống giản tiện.

Me ve huu
Ảnh minh họa

Buổi sáng, mẹ dậy sớm nấu ăn cho cả nhà. Mẹ nói ăn ngoài tốn kém, tiền ăn sáng một tháng đủ mua cả một con bò chứ chẳng đùa. Thương mẹ, nhưng cả nhà cảm thấy không thoải mái khi bỗng nhiên xuất hiện một quản gia. Đang không biết phải làm sao thì một ngày kia có điện thoại ở quê, nói vợ bác trưởng họ ốm nặng, anh trai quyết định mua vé máy bay cho mẹ về thăm quê.

 Mẹ về quê, cả nhà như được thở. Sáng được ngủ đẫy giấc đến sát giờ đi làm mới dậy, ghé qua quán ăn bún, phở, bánh cuốn còn kịp cà phê cà pháo... Nhà thì cuối tuần mới dọn, “ở dơ tý không sao!”.

Mẹ ở quê cả tháng vẫn chưa thông báo ngày vào, gọi điện thì mẹ bảo còn bận chút việc. Mẹ còn đùa, vắng mẹ mấy cha con chúng mày chẳng sướng rú lên à? Nhưng mẹ đi lâu quá cũng lo lo. Đó giờ, cả nhà có khi nào xa mẹ lâu vậy đâu, mẹ như đang giấu gì đó. Cuối tuần, gái út cắt phép bay về quê tìm mẹ.

Giữa mấy luống rau, mẹ đen hẳn, hai bàn tay sần sùi khô ráp, có cả mấy vết thương vừa kéo da non. Mẹ nói chẻ tre bị đứt tay. Chiều, gái út ăn bữa cơm mẹ nấu bằng rơm mà nghèn nghẹn muốn khóc. Bà con hàng xóm người mang qua bát canh rau, người mang qua con cá, có người biết gái út về còn mang sang cả con gà và mấy chục trứng…

Mẹ về quê, thấy đám trẻ trong làng nheo nhóc. Nhà ai có điều kiện thì đi gửi con, không có thì cứ để nó chơi trong sân, kéo cổng rào vào rồi ra đồng. Đám trẻ, đứa lớn trông đứa bé, vui thì cười, buồn thì khóc, khát thì có bể nước mưa, mệt thì nằm luôn giữa sân nắng mà ngủ, khi nào bố mẹ về mới có cơm ăn.

Trong làng không ít đứa trẻ sẩy chân rơi xuống ao, không ít đứa vì ốm sốt không đi bệnh viện kịp thời… Mẹ nói gái út về đi, mấy bố con thu xếp được thì cả nhà về quê một chuyến. Mẹ không về, ở đây nhiều người cần mẹ hơn. Mỗi ngày, mẹ trông coi dạy dỗ đám trẻ, cho chúng đọc sách, học bài, rồi ăn uống, tắm rửa. Không biết mẹ liên lạc với các bạn mẹ thế nào mà ở góc nhà đã có kệ sách kha khá. 

Gái út kể cho cả nhà nghe nơi mẹ đang ở, việc mẹ đang làm mà rơm rớm nước mắt: “Mẹ già rồi, mẹ nghỉ hưu rồi mà. Ở quê giờ còn xài nước giếng, phải kéo từng gàu, tay mẹ nổi chai luôn. Nấu ăn thì nấu bằng rơm, khói chảy nước mắt...”.

Ba ngồi nghe chăm chú: “Mẹ xa quê đã lâu nên giờ có thời gian muốn làm chút gì đó cho quê nhà, cho đám trẻ. Ờ, mẹ thích thì cứ để mẹ làm, mấy đứa coi giúp gì được thì giúp. Tính mẹ vậy, có khi nào chịu ngồi yên. Mấy đứa yên tâm đi, cứ để mẹ hưu theo cách riêng của mẹ”. 

Thái Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI