Mẹ vẫn thường hỏi thăm dì

12/04/2015 - 10:54

PNO - PN - “Con thấy dì có vui không, có bệnh tật đau ốm gì không?”. Mười lần như chục, lần nào nói chuyện với tôi qua điện thoại, mẹ cũng hỏi câu ấy.

edf40wrjww2tblPage:Content

Một người mẹ hỏi chuyện con trai mình về sức khỏe, vui buồn của người chị ruột ở cách mình cả ngàn cây số thì chắc chắn không thể chỉ để hỏi cho có chuyện.

Đó là câu hỏi của trái tim người em hướng về người chị từng trải qua tuổi ấu thơ với mình, là niềm ao ước bình yên hướng về người thân ruột thịt. Tôi hiểu trong giọng điệu có lúc đứt quãng của mẹ có khắc khoải nỗi lo về sức khỏe của dì, nỗi sợ một ngày nào đó nghe tin dì không còn khỏe. Không nói ra nhưng giọng mẹ có phần tự trách mình không ở bên cạnh để chăm sóc chị những khi trái gió trở trời.

Những người già thường nghĩ về nhau. Nhưng lũ trẻ chúng tôi thì dường như chẳng để ý đến tình cảm của người già, cứ vô tâm xem thường sự chăm sóc cho nhau của họ, dù chỉ bằng nỗi lo lắng.

Tôi không hề hiểu rằng, trong sâu xa, mẹ muốn tôi năng lui tới thăm hỏi, chăm sóc dì thay mẹ. Có một mối liên thông máu mủ ngọt ngào ấm nồng nếu tôi đến bên dì, hỏi han, an ủi trò chuyện với dì. Mẹ tin tôi có thể thay mẹ làm điều đó để dì vui. Và chắc chắn khi ấy mẹ cũng thấy nhẹ lòng. Những người già vẫn tin như thế, nhưng đám trẻ thì chẳng bao giờ nghĩ được như thế.

Me van thuong hoi tham di

Bằng chứng là cũng mười lần như chục, tôi trả lời qua loa, ỡm ờ câu hỏi của mẹ, đại loại: “Ồ, không sao đâu mẹ, dì còn khỏe lắm. Đi đứng ngon lành, nói cười sang sảng. Mẹ chớ có lo…”. Để mẹ yên tâm, lắm lúc tôi còn bịa chuyện mình vừa gặp dì ở nhà chị Sáu, anh Năm, thấy dì vẫn nói năng đi đứng linh hoạt, thậm chí trông dì còn khỏe hơn mẹ. “Vậy à”, giọng mẹ bấy giờ có vẻ vui ra.

Qua điện thoại, tôi hình dung được gương mặt mẹ lúc này tươi tắn hẳn, nỗi lo âm thầm nào đó ám ảnh mẹ về sức khỏe đang chiều đi xuống của người chị tức thời tan biến. Thật đành đoạn vì tôi phải dối mẹ, nhưng biết sao bây giờ. Tháng rồi dì phải đi cấp cứu mấy lần vì huyết áp tăng, nhiều ngày liền các anh các chị con dì phải túc trực ở bệnh viện.

Công việc cũng khiến tôi ít có thời giờ đến thăm dì, chỉ thỉnh thoảng gọi điện thoại thăm hỏi. Lại đổ lỗi cho điều kiện khách quan, cho chuyện sinh nhai! Việc ấy thì quá dễ, ai mà chẳng làm được. Cũng như mẹ, mỗi lần nói chuyện với tôi, câu đầu tiên dì hỏi là về sức khỏe mẹ tôi, về nỗi thao thức bao năm rồi chị em không có điều kiện gặp nhau. Bao giờ cũng vậy, dì giục tôi đưa mẹ vào trong này một chuyến, để chị em có dịp hàn huyên. Tôi ừ è cho qua chuyện, hứa một ngày sẽ đưa mẹ vào thăm dì. Các anh chị con dì cũng hùa vào an ủi mẹ mình, rằng sẽ thu xếp để dắt mẹ về quê một ngày sớm nhất.

Ôi chao, cái ngày sớm nhất ấy sao mà các bà chờ hoài chẳng thấy. Vin vào chuyện sức khỏe của dì đang yếu dần, các anh các chị cứ lần lữa mãi. Vin vào chuyện đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, tôi cứ hẹn với mẹ một ngày gần nhất. Lời hứa nghe nhẹ nhàng như tôi vẫn thường hứa hẹn với bạn bè một bữa nhậu, một cuộc cà phê, nào có hay người già cứ trông vào đó mà khắc khoải đợi chờ. Tôi và các anh các chị con dì tôi đâu biết rằng, cả dì và mẹ vẫn đếm từng hôm để hướng về cái ngày chị em hàn huyên.

Bọn trẻ chúng tôi bây giờ ích kỷ quá, cứ vin vào chuyện áo cơm của bản thân gia đình mình mà ít khi nghĩ đến buồn vui của người già!

Rồi một ngày tôi không còn nghe được câu mẹ hỏi thăm dì. Trí óc mẹ thôi còn trong suốt như xưa, buồn vui của mẹ cũng nhẹ nhàng như lá cỏ. Rồi một ngày gặp tôi dì cứ làm ngơ, nói cười vu vơ như khi dì gặp bao người lạ. Bóng hình người em gái thân thiết năm xưa trong dì cũng đã nhạt nhòa, dì không còn tỉnh táo như xưa.

Một ngày…

Ngày ấy, chao ơi, đâu còn xa!

Thế thì bạn ơi, nghe lời tôi đi, đừng hờ hững với lời mẹ hỏi thăm dì…

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI